Nếu các hạn chế này kéo dài, chắc chắn đây sẽ là "lực cản" ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các hoạt động TMĐT, sự tăng trưởng nền kinh tế số đất nước, giảm năng lực cạnh tranh, minh bạch của DN, thu hẹp cơ hội thúc đẩy thị trường trong nước và xuất khẩu.
TMĐT trên MXH hoạt động hiệu quả cần tăng cường cơ chế pháp lý, quy định pháp luật
Có thể nói, năm 2020 vừa qua, được coi là năm ấn tượng đối với hoạt động TMĐT của Việt Nam, khi là quốc gia có thị trường TMĐT xếp thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD, đứng sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD), theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.
Năm 2020 cũng là năm 02 văn bản quan trọng được thông qua, đó là Quyết định số 645/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chúng ta thực sự vui mừng với những kết quả đạt được trên, tuy nhiên, khi nhắc đến các vấn đề trên, trong đó có Quyết định số 645/QĐ-TTg, chúng ta không thể quên được một nội dung quan trọng đó là mục tiêu Quyết định hướng đến thực hiện hoạt động TMĐT trong 05 năm tới phải đảm bảo: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; tổ chức các hoạt động đối thoại thường niên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN TMĐT để kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn để tháo gỡ; hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế...
Như vậy, trên cơ sở, yêu cầu của mục tiêu, đồng thời với chức năng là cơ quan trung gian để tổ chức các diễn đàn, tổ chức các cuộc đối thoại giữa DN với cơ quan nhà nước, VCCI luôn là đơn vị tích cực, thực hiện yêu cầu nhiệm vụ chung giao, điều này thể hiện ngay từ những ngày đầu năm (tháng 1/2021), VCCI đã tổ chức cuộc hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về nội dung quan trọng của hoạt động TMĐT".
Mặc dù đến nay, các nội dung của sự kiện lần đầu tổ chức vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, dự thảo, lấy ý kiến đa chiều từ các đối tượng chịu tác động - liên quan đến 04 nhóm chính sách được bổ sung như: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong hoạt động TMĐT; quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.
Dù vẫn biết thời gian chờ là điều không tránh khỏi, thế nhưng chúng ta luôn tin tưởng, kỳ vọng khi các nội dung dự thảo sớm hoàn thiện, ban hành, điều này không chỉ đảm bảo cho tương lai phát của hoạt động TMĐT, tạo dựng, hoàn thiện khung khuôn khổ pháp luật về TMĐT, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn khi thi hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP… mà còn giúp hình thành thêm công cụ bảo vệ, "tấm lá chắn" an toàn cho quyền lợi, lợi ích người tiêu dùng, không để các hoạt động có yếu tố TMĐT bị lợi dụng, trở thành kênh, phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật khác.
Cũng cần phải nói thêm, một nội dung được coi là quan trọng, có giá trị to lớn đã được VCCI mang đến tại sự kiện lần 2 mới đây, đó chính là những kết quả nghiên cứu thể hiện rõ trong bản báo cáo "TMĐT trên mạng xã hội" - nổi bật với các nội dung nhấn mạnh: Nếu chúng ta xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt các vấn đề pháp lý, quy định pháp luật đối với hoạt động TMĐT trên MXH sẽ tạo ra các cơ chế quản lý hiệu quả như: "Kiểm soát, minh bạch thông tin đăng tải và giám sát nội dung TMĐT trên MXH; xác thực người dùng trên MXH có hoạt động TMĐT; thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên MXH; quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội xuyên biên giới (XBG); người nổi tiếng bán hàng".
Cần có quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của "người nổi tiếng" bán hàng, quảng cáo trên MXH
Theo báo cáo của VCCI, hiện nay, hoạt động TMĐT qua MXH chủ yếu là quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ các sàn TMĐT bán hàng. Hoạt động này có đặc thù riêng biệt và không hoàn toàn giống với bất kỳ hình thức TMĐT nào.
Nhiều sàn giao dịch TMĐT luôn hỗ trợ chức năng đặt hàng trực tuyến, cho phép hoàn thành trọn vẹn một giao dịch trên môi trường mạng, thì các MXH chưa có chức năng này và các bên vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch. Do vậy, một số mạng xã hội hiện nay chỉ đóng vai trò là "bên môi giới".
Thêm vào đó, nếu như các sàn giao dịch TMĐT chứa các nội dung thuần túy là thông tin thương mại thì các MXH có sự trộn lẫn giữa các thông tin thương mại và thông tin phi thương mại...
Hiện nay, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT vẫn áp dụng chung cho cả MXH và sàn giao dịch TMĐT, do đó, để giải quyết hạn chế này, báo cáo nhấn mạnh, cần khung pháp lý áp dụng chung cho cả mạng xã hội và sàn giao dịch TMĐT, cần quản lý MXH theo tiêu chuẩn thương mại và pháp luật về TMĐT ở mức độ thấp, đơn giản; các MXH có chức năng đặt hàng trực tuyến mới nên quản lý theo pháp luật về TMĐT tương tự như sàn giao dịch TMĐT.
Ngoài ra, báo cáo nêu những hạn chế bất cập như việc kiểm soát thông tin đăng tải và giám sát nội dung thương mại trên MXH hiện nay còn thiếu các quy định pháp luật về phạm vi của nội dung bị cấm, vi phạm pháp luật, thông tin bịa đặt còn chung chung, không cụ thể hóa dẫn đến việc DN buộc phải tự phán đoán để tuân thủ. Hơn nữa, MXH còn gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về phát triển các công cụ giám sát nội dung thương mại tự động.
Đưa ra giải pháp tháo gỡ vấn đề này, báo cáo đề xuất, cần xây dựng các quy định rõ ràng về các nội dung cần kiểm duyệt và loại bỏ. Hiệp hội DN có thể đóng vai trò trung gian giúp các DN chia sẻ các công cụ tiền kiểm để kiểm soát nội dung.
Đối với vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên MXH, từ nghiên cứu báo cáo cho thấy các phương pháp thu thuế truyền thống hiện không kha thi khi áp dụng với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên MXH trong nước cũng như XBG do đặc tính nhỏ lẻ và không có địa điểm kinh doanh vật lý. Do vậy, cần xây dựng cơ chế rõ ràng và linh hoạt đối với việc quản lý thuế của các cá nhân, tổ chức bán hàng trên MXH.
"Đối với nội dung quản lý thuế của các cá nhân, tổ chức bán hàng trên các nền tảng TMĐT cần có cơ chế rõ ràng và linh hoạt để các chủ thể có liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho một bên thứ ba để kê khai và nộp thuế; các hoạt động có yếu tố TMĐT xuyên biên giới, các cơ quan quản lý cần nắm vững cơ chế hoạt động của các nền tảng MXH xuyên biên giới để xây dựng các quy định quản lý hoạt động của các nền tảng này một cách hiệu quả, hợp lý và khả thi", báo cáo nhấn mạnh.
Hai vấn đề TMĐT trên mạng xã hội xuyên biên giới và người nổi tiếng bán hàng, cũng cần xác định rõ phạm vi áp dụng và ban hành các quy định điều chỉnh mang tính thực chất. TMĐT trên MXH xuyên biên giới phải xây dựng cho các quy định riêng về thủ tục Hải quan về hàng hóa TMĐT, còn người nổi tiếng bán hàng nên bổ sung những quy định về nghĩa vụ khi tham gia bán hàng trên MXH (vì hiện nay chưa có quy định pháp luật quản lý đối với người nổi tiếng bán hàng).
Cần phân định trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ với các bên tham gia hoạt động TMĐT
Nói về điều này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng với tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế số và Internet thì TMĐT tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, tăng trưởng ở mức cao. Đây là một lợi thế nhưng cũng là những thách thứckhông nhỏ, đó là những hạn chế, bất cập.
"Chúng ta vẫn còn nhiều bất cập trong các quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh cấp giấy phép hoạt động trên môi trường mạng; vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số vẫn chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả; các mô hình kinh doanh, dịch vụ trên nền tảng kinh tế số phát triển khá nhanh, nhưng lại chưa có nhiều biện pháp quản lý…", Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Tuấn, giờ đây chúng ta cần ứng xử chính sách, liều lượng để phù hợp, nội dung cần được lưu tâm. Trên rất nhiều lĩnh vực, ngành không chỉ về thương mại điện tử, hay điện ảnh, du lịch và khác nữa… thì chúng tôi cho rằng một góc độ pháp lý phải bảo đảm lợi ích công, trật tự công, bảo vệ đảm bảo vệ người tiêu dùng đây là mục tiêu rất quan trọng.
Đồng tình về những khuyến nghị mà đại diện VCCI đề xuất trong việc quản lý các hoạt động TMĐT trên MXH, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, chúng ta cần có một "định luật bảo toàn" về quy định trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực này, bởi lẽ xu hướng TMĐT trên MXH giờ đây là "nhà", "chợ", "văn phòng"... thì 3 bên: mua - bán –trung gian (các nhà nền tảng) đang tạo liên kết giao dịch chia sẻ lợi ích và cũng có thể là các rủi ro mới được phát sinh.
Việc thêm vào một bên trung gian thì phần nghĩa vụ và quyền lợi của bên mua và bên bán sẽ phải được san sẻ. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng trong việc phân định trách nhiệm và quyền lợi, nghĩa vụ với các bên tham gia trong hoạt động TMĐT.
Tuy nhiên, muốn phát triển hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT tử thì việc cần làm là phải giảm được chi phí và các rủi ro trong lĩnh vực này. Đó mới là cách thức để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia ngày càng sâu và mạnh mẽ hơn của các thương nhân trên sàn TMĐT; góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai
"Sàn giao dịch TMĐT thực chất là phương tiện để Chính phủ thông qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta áp đặt quá nhiều gánh nặng lên STMĐT hay đối với các nền tảng thực hiện giao dịch thì vô hình chung chúng ta làm giảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số đất nước", ông Thành nhấn mạnh.
Trên quan điểm là người làm luật, LS. Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Luật Baker & McKenzie cho rằng, khi nàoMXH có chức năng đặt hàng trực tuyến cho nên cần phải quản lý theo pháp luật về sàn TMĐT, còn nếu MXHkhông có chức năng đặt hàng trực tuyến thì nên quản lý theo pháp luật về MXH.
Chung quan điểm nhận định với LS. Hùng, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh thêm, MXH đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Do đó dẫn đến việc khó phân biệt được MXH và sàn TMĐT.
"Khi hai hình thái này đang dần trở nên giống nhau, liệu có cần thiết đặt ra hai cơ chế quản lý khác nhau?", bà Hoa nêu câu hỏi.
Như trả lời câu hỏi của Phó Viện Trưởng Hoa, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng Giám đốc VCCorp cho rằng: Việc phân loại các MXH và sàn TMĐT giờ rất khó. MXH và sàn TMĐT đều đang hướng tới những siêu ứng dụng, có đầy đủ các chức năng mua bán, livestream, trò chuyện… vì vậy dần dẫn đến sự đồng hóa, và khi đồng hóa chỉ cần một cơ chế quản lý.
Cũng theo Phó tổng Giám đốc VCCorp, xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để phát triển minh bạch, rõ ràng và nếu kiểm soát được bằng pháp lý là tốt, nhưng không làm ảnh hưởng, kìm hãm sự phát triểnấy.
Như vậy, với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị trên, đây sẽ là cơ sở, "chất liệu" quý giá để cơ quan quản lý nhà nước căn cứ để ban hành các văn bản pháp luật, các cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT trên môi trường mạng xã hội (MXH). Làm tốt được này chính là chúng ta góp phần thúc đẩy, phát triển nền kinh tế số đất nước, giúp bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, DN ngày một tốt hơn.