TP. HCM sở hữu nguồn lực để trở thành "viên ngọc lấp lánh" những công nghệ mới nhất

NK| 16/04/2022 05:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng khi chuyển đổi số (CĐS) thành công, TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) không chỉ là nơi tốt nhất để sống mà còn có tiềm năng trở thành viên ngọc lấp lánh những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse... Thành phố đang sở hữu nguồn lực và nền tảng để biến các khát vọng này thành sự thật.

Thông tin trên được ông Bình chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) năm 2022 diễn ra tại TP. HCM ngày 15/4, với sự tham gia của hơn 900 đại biểu trong nước và quốc tế.

TP HCM - hòn ngọc xanh của thế giới

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. HCM đã sớm quyết liệt với những đề án CĐS. Lãnh đạo thành phố cũng thể hiện rõ quyết tâm trong việc chuyển đổi số ở cả ba trụ cột: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Cụ thể, trong phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, mục tiêu đề ra là đến năm 2030, TP. HCM trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, trong đó kinh tế số chiếm 40% GRDP. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, TP HCM hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số quy mô hàng chục tỷ USD. Đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP. Đến 2030, kinh tế số chiếm tỷ trọng 40%, TP. HCM sẽ trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa đầu tàu xã hội số, kinh tế số, trung tâm kinh tế tài chính thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Với định hướng mang tính cởi mở và thách thức của thành phố, rất nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là khối doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng đang chuyển dịch nhanh chóng, đóng góp nhiều thành tựu cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế số của TP. HCM.

Đại diện cho khối DN tư nhân, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đồng thời là Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân đã có bài phát biểu, đi cùng kiến nghị nhằm giúp TP. HCM phát triển nền kinh tế số bứt phá, bền vững.

"Chúng ta không thể làm gì với quá khứ nhưng chúng ta có thể chọn được tương lai. Và nếu có quyền được chọn, tại sao chúng ta không chọn TP. HCM như viên ngọc xanh trong một thế giới mới?", ông Trương Gia Bình mở đầu bằng một câu hỏi và chia sẻ khi CĐS thành công, TP. HCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến nhiều thành phố đang thực hiện, mà còn có tiềm năng trở thành viên ngọc lấp lánh những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse... Khi đó, TP. HCM sẽ vang danh là thành phố xây dựng các thành phố thông minh khác, một thành phố chuyên kiến tạo các thế giới mới.

Lãnh đạo tập đoàn FPT nhấn mạnh thành phố đang sở hữu nguồn lực và nền tảng để biến các khát vọng này thành sự thật.

Thứ nhất, TP. HCM hiện là ngọn cờ đi đầu về CNTT của cả nước, là nơi ứng dụng các công nghệ mới hiệu quả nhất, đồng thời là kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước. Một trong những minh chứng cho nhận định trên, theo ông Bình chính là Quận 7. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất, Quận 7 đã thực hiện CĐS toàn diện thông qua việc kết hợp cùng FPT xây dựng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế Quận 7.

Chính những ứng dụng công nghệ đã trở thành trợ lực, giúp quận sớm trở thành "vùng xanh" khi dịch còn phức tạp, vừa phục hồi kinh tế nhanh chóng. Khi vừa mở cửa chỉ trong tháng 10, thu ngân sách của quận đạt 470 tỷ đồng, bằng cả quý III trước đó.

Thứ hai, TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện sở hữu nguồn nhân lực CNTT dồi dào, tương quan với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nhật Bản có 1,3 triệu kỹ sư, thì số lượng này tại Việt Nam là hơn một triệu. Mảng giáo dục - đào tạo kỹ sư phần mềm, Việt Nam cũng xếp ở vị trí thứ 10.

"Tôi hy vọng rằng tất cả các trường Đại học, Cao đẳng, và kể cả các trường Phổ thông của TP. HCM trong năm học mới sẽ đưa tất cả các môn học liên quan đến các công nghệ mới như AI, IoT. Bằng cách như vậy, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực công nghệ lớn nhất thế giới tại TP. HCM", Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ.

Song song, khi nói về ước mơ, khát vọng, ông Bình kiến nghị cần phải có "KPI" cho thành phố: Theo thời gian; Kinh phí từ ngân sách, Sự đóng góp cộng đồng…

"Quan trọng hơn tất cả đất, tiền, nhân tài là cơ chế. Muốn làm như vậy, chúng ta phải xây dựng cơ chế đặc biệt cho thế giới mới đó, như cách chính quyền TP. HCM cấp phép", ông Bình kết luận.

Cuối cùng, ông đưa ra đề nghị TP. HCM dành ngân sách cho CĐS không dưới 2%.

TP HCM sở hữu nguồn lực để trở thành

Ông Nguyễn Văn Khoa: CĐS không phải là mua và ứng dụng các giải pháp công nghệ mà là thay đổi toàn diện mô hình hoạt động.

DN trong vai trò dẫn dắt nền kinh tế số

Bên cạnh các kiến nghị dành cho lãnh đạo thành phố, trong khuôn khổ phiên thứ hai của diễn đàn, Tập đoàn FPT đồng thời mang đến những đề xuất dành cho cộng đồng DN tại TP. HCM.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, CĐS thành công khi tạo ra sự biến đổi cân bằng, hài hòa về con người - kinh doanh - công nghệ. Các yếu tố này thay đổi không ngừng nên CĐS thành công khi tạo ra khả năng nhận biết, đánh giá và tự cải thiện liên tục của DN nhằm tạo ra các đột phá.

Đối với FPT, CĐS cần thực hiện theo quy tắc 3 chữ "H" gồm Heart (trái tim), Head (bộ não), Hand (đôi tay). Tức phải bắt đầu từ trái tim, khao khát chuyển đổi, sử dụng trí óc, các thành tựu công nghệ tiên tiến rồi mới bắt tay vào hành động. Tiếp theo là 3 chữ "S" gồm: Strategic Thinking (Tư duy chiến lược), Start smart (Khởi đầu thông minh), Scale fast (Thành công thì nhân rộng nhanh). CĐS phải có tính chiến lược, cần lãnh đạo theo sát quá trình, cần đội ngũ hành động quyết liệt.

Đơn cử, với lĩnh vực bất động sản xây dựng, FPT đang hợp tác cùng hàng loạt các DN đầu ngành tại Việt Nam như Đất Xanh Group, Coteccons, Ecopark…, CĐS có thể giúp gia tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, tạo dòng doanh thu mới. Sự gia nhập của các hệ thống quản trị tự động giúp các DN cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng.

Với lĩnh vực sản xuất, nếu trước đây hiện đại nhất là "just-in-time" - sản xuất vừa đủ, không cần nhập kho, thì hiện tại sẽ hướng đến mô hình "just-in-second". Mô hình là sự kết hợp giữa công nghệ, con người, giúp theo dõi vận hành đến từng giây, mức độ tồn kho theo thời gian thực, từ đó phát hiện sớm các vấn đề, giảm hàng tồn, giảm thiểu sai sót trong sản xuất và cải thiện kế hoạch sản xuất.

Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết "CĐS không phải là mua và ứng dụng các giải pháp công nghệ mà là thay đổi toàn diện mô hình hoạt động dựa trên 3 yếu tố: tăng trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình, và định hướng kinh doanh dựa trên dữ liệu. Từ đó, những sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện và tạo ra sự khác biệt".

Cũng theo ông Khoa, các DN truyền thống cũng cần thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức về CĐS trước, câu chuyện còn lại các chuyên gia, DN cung cấp nền tảng, giải pháp công nghệ có thể tham gia, đi cùng. Nền kinh tế số là hệ sinh thái rộng lớn, do đó tôi nghĩ hoàn toàn có đủ chỗ cho tất cả các cấu phần của nền kinh tế, dù nhà nước hay tư nhân, dù truyền thống hay startup.

TP HCM sở hữu nguồn lực để trở thành

Gian triển lãm FPT tại Diễn Kinh tế TP. HCM 2022 – HEF 2022.

Bên cạnh những hiến kế của lãnh đạo FPT trong các phiên trình bày, gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghệ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều DN, chính quyền và cá nhân. Đa phần các sản phẩm đều thuộc hệ sinh thái công nghệ Made by FPT, đồng thời là nhóm sản phẩm nhiều tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế số.

Nổi bật trong đó là mô hình Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế Quận 7. Dưới sự chỉ đạo của quận 7, sản phẩm được đưa vào vận hành tháng 9/2021, chỉ sau 10 ngày làm việc của hơn 200 kỹ sư phần mềm.

Một sản phẩm khác hỗ trợ đắc lực công tác chống dịch trong năm qua cũng được giới thiệu tại Triển lãm là trợ lý ảo tổng đài FPT.AI, nền tảng thực hiện các cuộc gọi đi, tiếp nhận các cuộc gọi đến, hoặc chuyển tiếp cuộc gọi thông minh. Độ chính xác trong các các tác vụ đàm thoại hai chiều lên đến 92%, tối ưu chi phí vận hành đến 60%. Điển hình là ngay trong đợt dịch cao điểm tháng 6 và 7/2021 tại Bắc Giang, chỉ trong 1 ngày, chatbot đã thực hiện 120.000 cuộc gọi để truy vết, sàng lọc các ca bệnh. Số cuộc gọi này nếu để nhân viên y tế làm thì phải mất 60 ngày.

Ngoài ra, các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI khác như: FPT.AI Reader - trích xuất thông tin từ hình ảnh, eKYC - định danh khách hàng điện tử cũng được trình diễn. Các sản phẩm này hiện được hàng loạt DN tại TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sử dụng và đánh giá cao trong việc tối ưu chi phí vận hành, tối thiểu công sức người lao động. Đồng thời, FPT đã giới thiệu tại triển lãm giải pháp nhà thông minh FPT Smart Home./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM sở hữu nguồn lực để trở thành "viên ngọc lấp lánh" những công nghệ mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO