Make in Vietnam

Trạm gốc 5G của Việt Nam chuẩn bị "sang" Ấn Độ

Hoàng Linh 08:23 26/08/2024

Thiết bị trạm gốc 5G của Viettel đã được triển khai tại một số tỉnh, thành của Việt Nam và chuẩn bị được xuất khẩu sang Ấn Độ.

Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT và Viettel chia sẻ trong khuôn khổ giới thiệu các thành tựu mới của Ngành TT&TT tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực miền Bắc nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống Ngành mới đây, tại Hà Nội.

Sản phẩm Make in Viet Nam tiêu biểu

Thông tin đến các cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết trạm gốc 5G của Viettel là một trong những sản phẩm Make in Viet Nam tiêu biểu do Viettel sản xuất được phát triển trên tiêu chuẩn mở Open RAN (mạng truy cập vô tuyến mở).

ong-cuong.jpg
Ông Nguyễn Anh Cương: Việc Viettel tự sản xuất thành công trạm gốc 5G minh chứng cho khả năng tự chủ về công nghệ của đất nước.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định: Việc Viettel tự sản xuất thành công trạm gốc 5G và chính thức đưa vào sử dụng không chỉ thể hiện sự tiên phong và năng lực vượt trội của tập đoàn mà còn minh chứng cho khả năng tự chủ về công nghệ của đất nước.

“Thành quả này cũng là kết tinh của những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, cùng quyết tâm cao độ của Bộ trưởng, tập thể Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như Tập đoàn Viettel. Đặc biệt hơn nữa, thiết bị trạm gốc 5G của Viettel được phát triển trên tiêu chuẩn mở”.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT từ những năm 2020 về việc một nước đi sau như Việt Nam muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở sẽ cho phép các doanh nghiệp (DN) công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn.

Ông Nguyễn Anh Cương cho biết việc triển khai định hướng này đã giúp Viettel, cũng như Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của Việt Nam thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, đồng hành cùng DN, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Viễn thông nỗ lực đồng hành cùng Viettel nghiên cứu, đầu tư phát triển năng lực đo kiểm để có thể hỗ trợ đánh giá, đảm bảo thiết bị được sản xuất đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật trước khi đi vào hoạt động. Vào thời điểm năm 2023, Trung tâm Đo của Cục Viễn thông cũng là đơn vị đầu tiên có năng lực đo kiểm cho trạm gốc 5G, qua đó cũng kịp thời đo lường, chứng nhận cho thiết bị trạm gốc 5G của Viettel chính thức đi vào hoạt động.

thiet-bi-tram-goc-viettel.jpg
Viettel High Tech là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Cương cho biết Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các chuyên gia, DN để xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật Open RAN để hỗ trợ các DN nghiên cứu sản phẩm và xây dựng kế hoạch triển khai 5G Open RAN trên phạm vi toàn quốc.

Cùng cộng đồng thế giới phát triển sản phẩm

Thông tin thêm về thiết bị, ông Lê Trường Giang, Giám đốc dự án trạm gốc 5G của Viettel cho biết thiết bị vô tuyến là một hệ thống phức tạp nhất trong mạng viễn thông. Trạm gốc 5G được Viettel bắt đầu nghiên cứu từ năm 2019 dựa trên tiền đề làm thiết bị 4G từ những năm 2015. Dưới sự định hướng và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, năm 2020, Viettel đã bắt đầu tham gia vào cộng đồng tiêu chuẩn mở Open RAN.

ong-giang.jpg
Ông Lê Trường Giang: Viettel gia nhập cộng đồng Open RAN và có những cộng hưởng cùng với các DN trên toàn thế giới để có thể đi nhanh hơn trong phát triển sản phẩm.

Ông Lê Trường Giang cho biết hệ thống vô tuyến là một hệ thống đóng, rất phức tạp, nên phải có quy mô đầu tư và nguồn lực mới có thể sản xuất được. Hiệp hội chính sách Open RAN (ORAN) ra đời để thúc đẩy xu thế Open RAN cho phép các DN nhỏ cũng có thể tham gia cộng đồng khi một hệ thống lớn có thể chia thành các module và chuẩn hoá các giao diện bắt đầu từ năm 2018. Nhờ đó, Viettel gia nhập cộng đồng Open RAN và có những cộng hưởng cùng với các DN trên toàn thế giới để có thể đi nhanh hơn trong phát triển sản phẩm.

Đến hiện tại, theo ông Lê Trường Giang, các sản phẩm vô tuyến 5G của Viettel có từ loại công suất nhỏ đến loại công suất lớn và có thể được các nhà mạng triển khai. Hiện nay, các thiết bị thu phát gốc của Viettel đã được Cục Viễn thông cấp chứng nhận hợp quy trong tháng 6/2024. Các thiết bị 5G của Việt Nam đã triển khai ở một số tỉnh như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam, Ninh Thuận và cuối năm nay sẽ được triển khai tại TP. HCM, Đà Nẵng. Thiết bị này cũng đã được Viettel “xuất khẩu” đi Ấn Độ.

Bên cạnh sản phẩm 5G đã triển khai cho các mạng công cộng, ông Lê Trường Giang cho biết thêm hiện tại các giải pháp 5G của Viettel đã đi sâu vào ứng dụng riêng (private) như nhà máy, hầm mỏ... Đây là xu hướng của 5G.

Cũng theo ông Lê Trường Giang, một mạng viễn thông cơ bản được chia thành các lớp thiết bị chính, gồm thiết bị mạng truy nhập, các thiết bị mạng thu phát sóng, thiết bị truyền dẫn và các thiết bị mạng lõi, tổng đài. “Đến thời điểm hiện tại, Viettel có thể nói đã làm chủ hoàn toàn thiết bị mạng viễn thông cho thế hệ mạng 4G và 5G. Các thiết bị đều đã thử nghiệm và triển khai kinh doanh trên mạng lưới”.

Đầu tiên là các thiết bị như tổng đài, hệ thống tính cước, hiện đã được Viettel triển khai ở 12 thị trường, bao gồm Việt Nam và 11 thị trường của Viettel đã đầu tư với 193 triệu thuê bao. Hệ thống mạng 5G cũng đã đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới của Viettel với quy mô 1 triệu thuê bao. Hệ thống tổng đài IMS là thiết bị dùng cho các cuộc gọi thoại trên nền mạng 4G được Viettel triển khai hơn 10 triệu thuê bao trên mạng lưới.

Về thiết bị truyền dẫn, ông Lê Trường Giang cho biết Viettel đang có thiết bị truyền dẫn 10G và 100G. Các thiết bị này đã triển khai trên mạng lưới của Viettel và đảm bảo phục vụ kinh doanh cho mạng lưới. Ngoài ra, Viettel cũng có những sản phẩm đầu cuối trong mạng cố định băng rộng như các sản phẩm ONT, Wifi. Hiện tại, Viettel đã triển khai 1,5 triệu thiết bị đầu cuối mạng quang ONT (một modem quang kết nối với điểm kết thúc bằng cáp quang) trên mạng lưới.

Để làm được sản phẩm đồng hành cùng với DN hàng đầu thế giới hiện tại bên cạnh cộng đồng ORAN, ông Lê Trường Giang cho biết Viettel cũng đã phối hợp với các đối tác hàng đầu về chip như Qualcomm, Intel, các đối tác phần mềm, sản xuất server, phần cứng giúp Viettel trong quá trình làm sản phẩm nhanh hơn rất nhiều./.

Bài liên quan
  • Ngành TT&TT kế thừa truyền thống tiên phong đi trước, tạo ra sự phát triển mới
    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai, mở ra một trang mới của thế hệ mình để ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam là một dòng chảy liên tục và phát triển, để mỗi lần về lại ngôi nhà này, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị luôn thấy ấm, nghĩa tình, có sự phát triển mới”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trạm gốc 5G của Việt Nam chuẩn bị "sang" Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO