Xu thế tất yếu
Theo các chuyên gia chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với quyết định sự tồn tại và phát triển của DN trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Tại khu vực miền Trung, cũng như cả nước cộng đồng DN trên địa bàn đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh, việc thực hiện chuyển đổi số sẽ tạo thêm nhiều công cụ hỗ trợ các đơn vị trong mọi mặt giúp DN tiết giảm được thời gian cũng như chi phí, góp phần phòng tránh đại dịch...
Thực tế, chuyển đổi số trong DN là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của chính DN. Tận dụng khoa học công nghệ, để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp các giá trị mới cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Thực hiện thành công chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN cũng như các khách hàng.
Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã đẩy mạnh số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ sâu rộng trên khắp lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường số và không gian giao dịch điện tử hiện đại, công khai, minh bạch, giúp khách hàng dễ giám sát, thực hiện. Theo đó, khách hàng chỉ cần truy cập vào website của Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công TP. Đà Nẵng hay Trung tâm Chăm sóc khách hàng điện lực miền Trung, khách hàng đã có thể trải nghiệm đến 20 dịch vụ điện lực trực tuyến... Theo đại diện Điện lực Đà Nẵng, 100% khách hàng sử dụng điện tại Đà Nẵng dễ dàng kiểm soát, theo dõi số chữ điện hằng ngày của gia đình thông qua một cú nhấp chuột vào địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu. Chỉ với một thiết bị di động có kết nối internet, khách hàng có thể xem số chữ điện tiêu thụ nhiều lần trong ngày; tiền điện tạm tính, lịch ngừng cung cấp điện, so sánh sản lượng điện, số ngày sử dụng với 2 tháng liền kề và tháng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tiện ích tra cứu cho phép người dùng tự thiết lập các mức cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ theo hai lựa chọn: số kWh hoặc tỷ lệ % tăng so với cùng kỳ. Khi đến ngưỡng cảnh báo thiết lập, công cụ sẽ tự động gửi cảnh báo đến email của khách hàng...
Còn nhiều rào cản
Chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng tính cả cố định lẫn di động tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Tỷ lệ các DN trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng hoặc cao hơn so với một số nước trong khu vực...
Tuy nhiên, dù có những hạ tầng khá tốt song nói chung môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều rào cản mà DN đang gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Trong khi do tác động từ đại dịch khiến các DN gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm, thiếu hụt nguồn vốn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; nhiều DN còn thiếu kiến thức cũng như thông tin về công nghệ số... Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số trong các DN... Theo ông Nguyễn Lê Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, quy mô các DN ở miền Trung vẫn còn nhỏ, năng lực kinh doanh cũng nhiều hạn chế. Phần lớn, các DN vẫn còn lúng túng với việc thực hiện chuyển đổi số, không biết sẽ làm như thế nào và bắt đầu từ đâu?
Để hỗ trợ DN thực hiện việc chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Trong đó, tập trung xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số... Qua đó, DN có thể tự đánh giá để xác định DN mình đang ở mức độ nào so với các đơn vị khác trong cùng lĩnh vực; Công bố tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho DN tại Việt Nam để cung cấp kiến thức, DN tham khảo lộ trình, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ để tự triển khai chuyển đổi số; Công bố rộng rãi trên cổng thông tin chương trình và qua hệ thống đăng ký DN của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước...
Có thể nói, chuyển đổi số mang cơ hội đến với DN, nhưng sẽ là một hành trình dài, có tính chiến lược, quyết định sự phát triển, đôi khi là sống còn của mỗi DN trong bối cảnh hiện nay. Trong quá trình này, các cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng trong những bước đi, giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi số của các DN. Bởi vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ DN nhiều hơn nữa. Trong đó, có những phương án giúp DN dễ dàng tiếp cận với công nghệ cũng như các nguồn nhân lực, vốn vay để thực hiện việc chuyển đối số một cách khả thi, hiệu quả nhất./.