Tóm tắt nội dung
* Tổng quan về công nghệ MEC
- Năm 2014, MEC ISG của tổ chức ETSI đã đưa ra khái niệm điện toán biên di động (Mobile Edge Computing - MEC) với mục tiêu là tối ưu hóa tài nguyên di động bằng cách lưu trữ các ứng dụng tính toán chuyên sâu, tiền xử lý dữ liệu lớn trước khi gửi lên đám mây, cho phép sử dụng các dịch vụ đám mây trong phạm vi gần với thuê bao di động và cung cấp dịch vụ nhận biết ngữ cảnh với sự hỗ trợ của thông tin mạng truy cập vô tuyến.
- Năm 2017, ETSI ISG đã chính thức thay đổi tên của điện toán biên di động thành điện toán biên đa truy cập (Multi-access Edge Computing - MEC) nhằm ứng dụng các yêu cầu của điện toán biên di động cho các mạng truy cập khác.
* Giải pháp ứng dụng công nghệ điện toán biên cho triển khai 5G
- Về mặt công nghệ, các máy chủ MEC được triển khai trong mạng dữ liệu trung tâm hoặc biên và chính chức năng mặt phẳng người dùng (UPF) đảm nhiệm việc điều khiển lưu lượng mặt phẳng người dùng đến các ứng dụng MEC được sử dụng trong mạng dữ liệu.
- Về triển khai vật lý của các máy chủ MEC, có nhiều tùy chọn có sẵn dựa trên các yêu cầu liên quan đến hoạt động, hiệu suất hoặc bảo mật khác nhau.
* Nhu cầu và giải pháp triển khai MEC cho mạng 5G tại Việt Nam
- Việc áp dụng công nghệ MEC nâng cao trải nghiệm người dùng và hứa hẹn và mở ra cơ hội kinh doanh mới.
- Một số ca sử dụng IoT có triển vọng phát triển tại Việt Nam: AR/VR; Các thiết bị đeo thông minh; Các thiết bị kết nối máy-máy (M2M); Chuỗi cung ứng kết hợp IoT; Thành phố thông minh; Ứng dụng IoT trong y tế; Nông nghiệp thông minh.
Tổng quan về công nghệ MEC
Các ứng dụng của 5G có thể được phân chia thành ba loại dịch vụ: băng rộng di động tăng cường (enhanced Mobile Broadband - eMBB), truyền thông dạng máy số lượng lớn (massive Machine Type Communications - mMTC) và truyền thông độ trễ cực thấp độ tin cậy cao (Ultra-Reliable Low-Latency Communications - URLLC).
Mạng 5G sẽ chịu trách nhiệm thực hiện 4 tính năng chính là truyền thông, điện toán, điều khiển và phân phối nội dung [2]. Ngoài ra, một loạt các ứng dụng được dự kiến phát triển cùng với sự ra đời của 5G như công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), thực tế ảo (Virtual Reality - VR), cơ sở hạ tầng điều khiển từ xa và các kịch bản IoT. Có thể thấy rằng các ứng dụng mới trong 5G có các thuộc tính cũng như yêu cầu công nghệ khác nhau.
Ví dụ, AR và VR yêu cầu tốc độ dữ liệu cao và độ trễ thấp (một dạng ứng dụng eMBB); cơ sở hạ tầng điều khiển từ xa cần các kết nối mạng có độ tin cậy rất cao và độ trễ thấp (một dạng URLLC); một số lượng lớn các thiết bị được kết nối trong các ứng dụng IoT với tốc độ dữ liệu thấp, công suất tiêu thụ nhỏ và tính di động không cao (một dạng mMTC) [3]. Các ứng dụng này tạo sự gia tăng đáng kể về nhu cầu đối với không chỉ tài nguyên truyền thông mà cả tài nguyên điện toán.
Về mặt tài nguyên truyền thông, nhiều công nghệ mới được đề xuất và phát triển cho mạng 5G và các thế hệ tiếp theo [4], như đa truy cập phi trực giao (Non-Orthogonal Multiple Access - NOMA), mạng không đồng nhất Hetnets (Heterogeneous Networks), thiết bị bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle - UAV), Internet kết nối vạn vật IoT (Internet of Things), truyền năng lượng qua đường truyền vô tuyến (Wireless Power Transfer) và lấy năng lượng từ môi trường xung quanh (Energy Harvesting), massive MIMO (Multiple-Input Multiple-Output), mmWave và học máy (Machine Learning - ML).
Về mặt tài nguyên điện toán, các mô hình điện toán mới được giới thiệu và hiện thực hóa cho các ứng dụng khác nhau như điện toán đám mây (ĐTĐM) di động (mobile cloud computing - MCC), điện toán sương mù (fog computing), mạng truy cập vô tuyến đám mây (C-RAN) và điện toán biên di động (mobile edge computing).
Sách Trắng của Cisco chỉ ra rằng lưu lượng dữ liệu toàn cầu tăng 63% trong năm 2016 và tăng gấp 18 lần so với 5 năm trước [5]. Cụ thể, mạng di động truyền tải 400 EB mỗi tháng trong năm 2011 (1 PB = 1.000 GB), 4,4 PB mỗi tháng vào cuối năm 2015 và 7,2 EB mỗi tháng vào cuối năm 2016 (1 EB = 1.000 PB). Số lượng các thiết bị di động và các kết nối trong 2016 đạt 8 tỷ thiết bị, tăng từ 7,2 tỷ thiết bị năm 2015, trong đó điện thoại thông minh được ước tính có tốc độ gia tăng lớn nhất.
Việc bùng nổ theo hàm mũ của Internet thế hệ tiếp theo dẫn đến dự đoán rằng số lượng các thiết bị được kết nối sẽ vượt con số 75 tỷ vào năm 2025. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị được kết nối có tài nguyên lưu trữ và thông tin hạn chế cùng khả năng xử lý có hạn, do đó không đáp ứng được các yêu cầu của các ứng dụng mới. Bất chấp những bước tiến gần đây về năng lực của phần cứng, các thiết bị di động vẫn không thể đáp ứng nhu cầu về tạo, xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cùng với yêu cầu tính toán cao của các ứng dụng.
Một giải pháp khả thi để giải quyết các thách thức trên là cho phép giảm tải tính toán từ các thiết bị đầu cuối đến các đám mây trung tâm. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể trở nên khó khăn do tắc nghẽn trong mạng backhaul và fronthaul cùng những vấn đề khác như an ninh, bảo mật và các chính sách riêng tư. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của điện toán biên di động, di chuyển các dịch vụ đám mây và các chức năng đám mây về phía biên của mạng di động.
Vào cuối năm 2014, MEC ISG (Mobile Edge Computing Industry Specification Group) của tổ chức ETSI (European Telecommunications Standards Institute) đã đưa ra khái niệm điện toán biên di động (mobile edge computing - MEC). Để bổ sung cho kiến trúc C-RAN, MEC hướng đến mục tiêu hợp nhất các dịch vụ đám mây viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) để cung cấp khả năng ĐTĐM bên trong các mạng truy nhập vô tuyến tại các khu vực gần với người dùng di động [6].
Mục tiêu chính của MEC là [7]: tối ưu hóa tài nguyên di động bằng cách lưu trữ các ứng dụng tính toán chuyên sâu, tiền xử lý dữ liệu lớn trước khi gửi lên đám mây, cho phép sử dụng các dịch vụ đám mây trong phạm vi gần với thuê bao di động và cung cấp dịch vụ nhận biết ngữ cảnh với sự hỗ trợ của thông tin mạng truy cập vô tuyến. Nhờ đó, MEC cho phép triển khai nhiều ứng dụng yêu cầu thời gian thực như phương tiện không người lái, thực tế ảo và thực tế tăng cường, robot và đa phương tiện nhập vai.
Vào năm 2017, ETSI ISG đã chính thức thay đổi tên của điện toán biên di động thành điện toán biên đa truy cập (multi-access edge computing - MEC) nhằm ứng dụng các yêu cầu của điện toán biên di động cho các mạng truy cập khác như mạng truy cập vô tuyến cố định, WiFi và hữu tuyến [8]. Các máy chủ MEC có thể được các nhà khai thác mạng triển khai tại các vị trí khác nhau trong RAN và/hoặc kết hợp với các yếu tố khác để tạo ra biên mạng, chẳng hạn như BS bao gồm macro-eNB và small-eNB, các đơn vị trong mạng quang, trạm điều khiển mạng vô tuyến, bộ định tuyến, chuyển mạch và điểm truy cập WiFi.
Một điểm cần lưu ý là mặc dù các BS trong các mạng di động truyền thống chủ yếu được sử dụng cho mục đích thông tin, MEC cho phép kết hợp với các máy chủ MEC để mang lại cho người dùng di động các dịch vụ bổ sung, cho phép các BS truyền thống có thể được sử dụng cho không chỉ cho mục đích thông tin mà còn cả các dịch vụ điện toán, lưu trữ và điều khiển.
Giải pháp ứng dụng công nghệ điện toán biên di động (MEC) cho triển khai 5G
Về mặt công nghệ, các máy chủ MEC được triển khai trong mạng dữ liệu trung tâm hoặc biên và chính chức năng mặt phẳng người dùng (UPF) đảm nhiệm việc điều khiển lưu lượng mặt phẳng người dùng đến các ứng dụng MEC được sử dụng trong mạng dữ liệu. Vị trí của mạng dữ liệu và UPF là sự lựa chọn của nhà khai thác mạng và nhà khai thác mạng có thể chọn để đặt các tài nguyên tính toán vật lý dựa trên các thông số kỹ thuật và kinh doanh như cơ sở vật chất sẵn có, ứng dụng được hỗ trợ và yêu cầu của chúng, người dùng được đo lường hoặc ước tính tải,... Hệ thống quản lý MEC, điều phối hoạt động của các máy chủ và ứng dụng MEC, có thể quyết định động về nơi triển khai các ứng dụng MEC.
Về triển khai vật lý của các máy chủ MEC, có nhiều tùy chọn có sẵn dựa trên các yêu cầu liên quan đến hoạt động, hiệu suất hoặc bảo mật khác nhau.
Hình 1 đưa ra phác thảo một số phương án khả thi cho vị trí thực của MEC như sau:
- MEC và UPF cục bộ kết hợp với trạm gốc.
- MEC được sắp xếp với một nút truyền dữ liệu, có thể là một UPF cục bộ.
- MEC và UPF cục bộ được gắn với một điểm tổng hợp mạng.
- MEC kết hợp với các chức năng mạng lõi (ví dụ trong cùng một trung tâm dữ liệu).
Các phương án được trình bày ở trên cho thấy MEC có thể được triển khai linh hoạt ở các vị trí khác nhau từ gần trạm gốc đến mạng dữ liệu trung tâm. Điểm chung cho tất cả các ví dụ triển khai là UPF được triển khai và sử dụng để điều hướng lưu lượng truy cập đến các ứng dụng MEC được sử dụng và hướng tới mạng.
Hiện trạng triển khai MEC của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thế giới
MEC là một công nghệ rất mới và còn rất ít ứng dụng trong thực tế. Khi IoT tiếp tục tăng trưởng, điện toán biên càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Trong những năm gần đây, có một số nhà cung cấp dịch vụ thông tin và viễn thông (Communication/Telecommunication Service Provider – CSP/TSP) trên thế giới đã thông báo về việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây để triển khai MEC. Thông tin chi tiết về thời điểm cung cấp dịch vụ MEC của các CSP/TSP được liệt kê trong Bảng 1.
Nhu cầu và giải pháp triển khai MEC cho mạng 5G tại Việt Nam
Để có thể triển khai IoT thành công và bền vững cần phải cân nhắc đến nền tảng phần mềm, hệ sinh thái giữa các ngành, quy trình chuẩn hóa về công nghệ và giải quyết được những lo lắng của khách hàng liên quan đến đảm bảo tính riêng tư và an toàn. Trong đó riêng về nền tảng phần mềm, các ứng dụng IoT đòi hỏi độ trễ cực thấp, tốc độ truyền dữ liệu cao và phải đảm bảo an toàn thông tin, mà công nghệ MEC kết hợp với mạng 4G/5G có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Do đó, để nâng cao trải nghiệm người dùng, giảm độ trễ truyền dữ liệu, tăng độ an toàn cho các ứng dụng (đặc biệt là các ứng dụng đòi hỏi độ trễ siêu thấp như phương tiện kết nối hay phẫu thuật từ xa) thì việc áp dụng công nghệ MEC rất hứa hẹn và mở ra cơ hội kinh doanh mới cùng nguồn doanh thu mới.
Bên cạnh đó, các ứng dụng gaming, AR/VR, ứng dụng phân phối nội dung video, hay livestreaming tại các sự kiện đông người tham dự (trận bóng đá, buổi biễn diễn ca nhạc) ngày càng phát triển, do đó công nghệ MEC sẽ giúp tăng chất lượng truyền dữ liệu, giảm độ trễ để phân phối các nội dung đến khách hàng một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các ứng dụng IoT và mạng 5G, công nghệ MEC hứa hẹn sẽ mang lại giải pháp hiệu quả để giảm độ trễ truyền dữ liệu, giảm năng lượng tiêu thụ, giải quyết các thách thức gặp phải trong 5G. Các ứng dụng IoT mới đang xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống, với quy mô từ nhỏ tới lớn và công nghệ 5G cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tính năng mới cho IoT. Mà hạ tầng lưu trữ dữ liệu và hỗ trợ tính toán là một trong những yếu tố cần thiết đối với các trường hợp sử dụng IoT. Có thể điểm danh một số trường hợp sử dụng IoT có triển vọng phát triển tại Việt Nam sau đây.
AR/VR:Thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đang tạo ra sức hút mạnh đối với các lĩnh vực gaming, mua sắm, du lịch, giải trí, giải pháp hội chẩn bệnh trên nền tảng thực tế ảo, ứng dụng trải nghiệm không gian 3 chiều trên kính VR trong lĩnh vực bất động sản hay đào tạo qua không gian ảo. Có thể kể đến một số công ty hàng đầu về AR, VR tại Việt Nam như CO-WELL ASIA, Tesuji, Amaris, Eastgate Software, VRTech,...
Các thiết bị đeo thông minh (đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi chỉ số): Nhờ vào sự phát triển của các thiết bị cá nhân mới, thị trường thiết bị đeo thông minh đang ngày càng lớn mạnh. Khách hàng tìm kiếm sự tương tác và kết nối liền mạch giữa điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh của họ, trong đó việc quản lý và bảo mật dữ liệu có thể được tăng cường bằng công nghệ MEC.
Ví dụ, các dữ liệu về sức khỏe khách hàng sẽ được đẩy lên máy chủ MEC thông qua các cổng ứng dụng MEC, những dữ liệu này sẽ được lưu trữ, quản lý và xử lý bởi các ứng dụng phân tích và tư vấn về sức khỏe, đây là một trong những nhu cầu rất lớn đối với khách hàng hiện nay.
Các thiết bị kết nối máy - máy (M2M): Hiện nay các nhà máy đang sử dụng các máy móc, thiết bị IoT để làm việc thông minh và thuận tiện hơn. Bằng cách trang bị máy móc kết hợp với cảm biến, các quản lý nhà máy có thể liên kết một cách chính xác hơn các đầu vào, đầu ra và khối lượng tải của thiết bị, máy móc. Người quản lý cũng có thể theo dõi sát sao hơn sự hao mòn của máy móc do vận hành. Với các đặc trưng này, các nhà máy tăng khả năng tự động hóa hơn dựa vào làn sóng công nghiệp 4.0. Các thiết bị M2M điển hình sử dụng các phần mềm nhúng và các giải pháp ứng dụng có thể tách rời để tập hợp dữ liệu vào trong một luồng đơn nhất đặt tại biên.
Nhờ đó mà việc kiểm soát và phản ứng với sự thay đổi điều kiện trong nhà máy được đáp ứng nhanh nhạy hơn, trong khi vẫn đảm bảo sự liên kết mạch lạc giữa các máy móc, thiết bị. Tại cùng thời điểm, một số dữ liệu có thể được chuyển đến đám mây hoặc trung tâm dữ liệu hoặc máy chủ MEC để xử lý.
Chuỗi cung ứng kết hợp IoT: Chuỗi cung ứng ngày càng tăng trưởng và phức tạp hơn. Các yêu cầu của khách hàng đa dạng và khắt khe hơn, quá trình tạo ra, vận chuyển và phân phối sản phẩm đến tay khách hàng phải đảm bảo được điều phối hợp lý và nhanh chóng. Để đáp ứng được điều này, các công ty đang tạo ra các hệ thống xí nghiệp kết nối và sử dụng mô hình dữ liệu như một phần cốt lõi cho chiến lược quản lý dữ liệu và điều phối các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở quy mô rộng hơn trước.
Các thiết bị IoT năng lượng thấp cũng được sử dụng để theo dõi tài sản xuyên suốt chuỗi cung ứng, và giám sát chất lượng sản phẩm, kiểm tra quá trình mở hộp chứa dành cho vận chuyển hàng,... Bằng cách sử dụng các thiết bị IoT trên đường vận tải hàng, hệ thống chuỗi cung ứng có thể được cải thiện để lập kế hoạch cho đường đi của hàng hóa dựa vào dữ liệu chuỗi cung ứng thu thập được. Có thể thấy rằng, công nghệ MEC rất phù hợp đối với các chuỗi cung ứng hiện đại như đã mô tả. Bởi vì lượng thông tin, dữ liệu được thu thập từ các cảm biến, thiết bị trên chuỗi cung ứng là rất nhiều, điều đó yêu cầu khả năng lưu trữ và tính toán lớn, và đòi hỏi độ trễ thấp, tốc độ phản hồi, đáp ứng nhanh trong việc truyền tải dữ liệu và đưa ra các quyết định trong việc cung ứng hàng hóa.
Thành phố thông minh (TPTM): là trường hợp sử dụng bao gồm nhiều hệ thống IoT khác nhau như phân phối năng lượng, cung cấp nước, giao thông, quản lý bãi đỗ xe,... TPTM là ứng dụng IoT đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức mà chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và phát triển các giải pháp phù hợp. Ví dụ, mạng lưới phân phối năng lượng được tối ưu để cân bằng tải, dự đoán mức tiêu thụ năng lượng, hoặc phân phối năng lượng một cách cân bằng hơn đến người tiêu dùng.
Đối với hệ thống giao thông trong môi trường thành phố đông đúc, IoT cũng là giải pháp giúp giảm tắc nghẽn, điều phối và giám sát giao thông hiệu quả. Đèn báo hiệu giao thông có thể được đồng bộ hóa để đáp ứng điều kiện giao thông theo thời gian thực. Các phương tiện tham gia giao thông có thể giao tiếp với hệ thống giám sát giao thông để đồng bộ hóa và nhận biết các điểm giao thông then chốt, tránh đi vào các nút tắc nghẽn.
Rõ ràng, các ứng dụng dành cho giao thông kết nối đòi hỏi khắt khe về độ trễ và tốc độ xử lý rất cao để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người và phương tiện tham gia giao thông. Do đó, MEC với các đặc trưng của nó sẽ trở thành một nhân tố không thể thiếu trong quá trình triển khai hạ tầng và các ứng dụng cho TPTM.
Ứng dụng IoT trong y tế: Các thiết bị IoT tại biên đang thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên y tế. Cụ thể, các thiết bị di động thu thập thông tin, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đồng bộ hóa lên cơ sở dữ liệu đặt tại MEC. Bên cạnh đó, hệ thống MEC sẽ hỗ trợ bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh nhân, và cung cấp một số ứng dụng tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân một cách kịp thời và liên tục thông qua kết nối của mạng di động.
Chúng ta bắt đầu thấy nhiều loại thiết bị IoT thu thập dữ liệu sức khỏe con người từ máy đo nhịp tim, huyết áp đến các loại mini-robot được đưa vào cơ thể để vận chuyển thuốc hoặc kiểm tra các cơ quan trong cơ thể người. Các thiết bị này được kết nối với hệ thống và truyền tải dữ liệu thu thập được lên hệ thống MEC để phân tích và xử lý.
Nông nghiệp thông minh: Nước ta có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn và do đó nhu cầu ứng dụng công nghệ số như IoT, Big Data vào lĩnh vực này đặc biệt được chú trọng. Ngày nay, người nông dân có thể ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào trong hoạt động sản xuất của mình. Các công nghệ về truyền thông kết nối, cảm biến, lưu trữ và xử lý dữ liệu được áp dụng để có thể theo dõi vật nuôi, cây trồng, sau đó phân tích dữ liệu để hỗ trợ người nông dân đưa ra các quyết định canh tác, chăn nuôi hiệu quả.
Quy mô và số lượng các trang trại, cánh đồng trồng trọt tại nước ta rất lớn, do đó chúng ta cần đặt các máy chủ MEC cung cấp ứng dụng lưu trữ, xử lý, tính toán tại biên mạng, cụ thể là gần các trang trại, cánh đồng nhằm giảm tắc nghẽn đối với hệ thống trung tâm, đồng thời đảm bảo giảm độ trễ, tăng tốc độ truyền tải và xử lý lý dữ liệu thu thập từ các cơ sở sản xuất nông nghiệp.
Nhờ vào khả năng đáp ứng số lượng lớn các kết nối, truy cập với độ trễ cực thấp, tốc độ dữ liệu cao, mạng 5G chính là động lực thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng IoT. Khả năng lưu trữ và tính toán cũng là một trong những vai trò không thể thiếu được để khai thác tối đa lợi thế từ lượng dữ liệu lớn mà các thiết bị IoT mang đến. Khi mà IoT ngày càng tăng trưởng, dữ liệu nên được lưu trữ gần với thiết bị đầu cuối tại biên mạng để giảm chi phí truyền dữ liệu, tăng cường năng lực tính toán và lưu trữ. Mà công nghệ MEC là một giải pháp được đánh giá đầy hứa hẹn để đáp ứng yêu cầu đối với 5G và IoT. Qua đó, mở ra các loại hình kinh doanh mới và mang lại nguồn lợi nhuận mới cho các nhà đầu tư phát triển ứng dụng dựa trên công nghệ MEC và 5G./.
Tài liệu tham khảo:
1. Qualcomm, “Leading the world to 5g,” 2016.
2. Y. Mao, C. You, J. Zhang, K. Huang and K. B. Letaief, “A survey on mobile edge computing: The communication perspective,” IEEE Communications Surveys Tutorials, vol. 19, pp. 2322-2358, 2017.
3. Qualcomm, “Everything you need to know about 5g,” 2016.
4. J. G. Andrews, S. Buzzi, W. Choi, S. V. Hanly, A. Lozano, A. C. K. Soong and J. C. Zhang, “What will 5g be?,” IEEE Journal on Selected Areas in Communications, vol. 32, pp. 1065-1082, Jun. 2014.
5. Cisco, “Cisco visual networking index: Global mobile data traffic forecast update, 2016-2021, white paper,” 2017.
6. M. Patel et al., “Mobile-edge computing introductory technical white paper,” White Paper, Mobile-edge Computing (MEC) industry initiative, Sep. 2014.
7. A. Ahmed and E. Ahmed, “A survey on mobile edge computing,” in 2016 10th International Conference on Intelligent Systems and Control (ISCO), Coimbatore, India, 2016.
8. S. Kekki et al., “Mec in 5g networks,” ETSI white paper, pp. 1-28, Jun. 2018.
9. Gartner, “Market Trends: How TSPs Are Preparing 5G Solutions with Cloud Edge Providers,” 2020.
10. T. X. e. a. Tran, “Collaborative mobile edge computing in 5G networks: New paradigms, scenarios, and challenges.,” IEEE Communications Magazine 55.4 (2017): 54-61.
11. "Vietnam Investment Review" [Online]. Available: https://www.vir.com.vn/vbf-2018-investment-opportunities-in-smart-agriculture-64319.html.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)