Vai trò của trung tâm điều hành thông minh
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển chính phủ điện tử (CPĐT). Tuy nhiên, khi triển khai, các thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như: hạ tầng thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, phương tiện giao thông tăng quá nhanh. Trong nội ô thành phố, đường sá trở nên quá tải, hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả... Các nguồn lực để phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội, công nghệ cao còn thiếu…
Để giải quyết các vấn đề trên, xây dựng trung tâm điều hành thông minh IOC là một giải pháp hữu hiệu đang được nhiều địa phương lựa chọn. Xây dựng trung tâm điều hành thông minh thực chất là xây dựng một kho dữ liệu thể hiện mọi mặt hoạt động đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó sẽ giúp cho lãnh đạo các tỉnh/thành giám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát các dịch vụ hành chính công, giám sát điều hành các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, hệ thống an toàn, an ninh trên địa bàn tỉnh cũng như là các thông tin trên mạng xã hội.
Với việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động, lại được thể hiện trực quan, sinh động, IOC sẽ giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Thông qua hệ thống IOC, tính tương tác giữa người dân với chính quyền cũng được tăng cường, góp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) đối với hoạt động của chính quyền.
Chính vì vai trò quan trọng đó của IOC, mà rất nhiều các tỉnh/thành trên cả nước trong thời gian qua đã phối hợp cùng các DN công nghệ để nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai vào các hệ thống IOC. Kết quả bước đầu đã cho thấy những dấu ấn rõ nét mà giải pháp này mang lại cho cả chính quyền, người dân. Đến nay, theo thống kê đã có gần 30 tỉnh/thành triển khai hệ thống này. Đặc biệt hơn nữa, các giải pháp được cung cấp hoàn toàn bởi các DN Việt Nam.
Khám phá Trung tâm IOC Bình Phước với 10 phân hệ theo tiêu chuẩn Bộ TT&TT
Mặc dù không phải địa phương đầu tiên triển khai IOC, nhưng Bình Phước lại là địa phương có hệ thống IOC với đầy đủ các phân hệ nhất. Theo đó, IOC Bình Phước có đầy đủ 10 phân hệ, đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn mà Bộ TT&TT yêu cầu đối với một hệ thống IOC.
Hiện IOC tỉnh Bình Phước có 10 chức năng thực hiện giám sát, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, gồm: Giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, dịch vụ công; giám sát, điều hành an toàn giao thông; điều hành an ninh, trật tự; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng; giám sát an ninh mạng, ATTT; giám sát thông tin báo chí, mạng xã hội; giám sát du lịch thông minh.
Sau hơn 2 tháng hoạt động thử nghiệm, trung bình mỗi ngày Bình Phước tiếp nhận trên 150 phản ánh, kiến nghị, cuộc gọi, tin nhắn của người dân, trên các lĩnh vực an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, tai nạn giao thông, trật tự đô thị, hành chính công…
Tuy mới vận hành chính thức, nhưng Trung tâm IOC của tỉnh bước đầu phát huy tính năng, giúp lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo, rà soát tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) còn tồn đọng, biết chính xác từng hồ sơ, từng đơn vị để tồn đọng hồ sơ... Nhờ đó đã nâng tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết dịch công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh từ 9% đầu năm lên trên 90% trong tháng 9. Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội kết nối tự động vào hệ thống báo cáo của Chính phủ, giúp cho thông tin của Bình Phước thể hiện nhanh chóng, chính xác trên hệ thống điều hành của Chính phủ.
Hệ thống IOC Bình Phước còn "hoành tráng" bởi hệ thống màn hình khổng lồ được lắp ghép bởi 27 màn LED giúp hiển thị đầy đủ các thông số của các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo tỉnh có thể dễ dàng quan sát và ra các chỉ đạo phù hợp. Mặc dù được nhiều người đánh giá là có hệ thống IOC hiện đại nhất nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa thêm các lĩnh vực vào quản lý như nông nghiệp, quan trắc môi trường, lao động, bảo hiểm, an sinh xã hội vào trung tâm IOC tỉnh.
Đặc biệt hơn nữa, hệ thống IOC Bình Phước do DN Việt Nam là Tập đoàn VNPT xây dựng và làm chủ hoàn toàn giải pháp, do đó có khả năng tùy biến cao cũng như đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu. Đồng thời, qua đó cũng khẳng định năng lực của DN Việt Nam trong việc làm chủ các giải pháp công nghệ, hướng tới xây dựng CPĐT và kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.