Truyền thông chính thống có vai trò lớn trong phòng, chống COVID-19

Phúc Hằng| 16/06/2020 18:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch COVID-19, dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò của truyền thông chính thống lớn và quan trọng như thế nào.

Truyền thông chính thống có vai trò lớn trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. (Nguồn: TTXVN)

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng những tổ chức bên ngoài nhận định Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận trong đại dịch COVID-19 xuất phát từ việc thiếu thông tin.

- Vừa qua, báo chí đã khẳng định vai trò tiên phong trong trên mặt trận phòng, chống đại dịch COVID-19. Cục trưởng có đánh giá gì về vấn đề này?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua đã được các cơ quan cấp cao, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá rất đầy đủ và đã được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (khóa XIV). Tôi chỉ chia sẻ thêm một vài góc nhìn.

Điều đáng mừng là dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò của truyền thông chính thống lớn và quan trọng như thế nào. Khi nói đến truyền thông chính thống, tất nhiên báo chí đứng ở vị trí trung tâm nhưng bên cạnh đó còn có những kênh truyền thông khác cũng phát huy kết quả, ví dụ như kênh thông tin cơ sở: hệ thống loa đài phường, xã đến tận thôn, xóm, bản tuyên truyền về kỹ năng phòng chống dịch, cập nhật thông tin để nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong nhân dân, từ đó góp phần quan trọng vào thành công của công tác chống dịch.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi đánh giá về thành công bước đầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 đều gửi lời cảm ơn chân thành đến nhân dân. Báo chí và các phương thức truyền thông khác, như thông tin cơ sở, tin nhắn, nhạc chuông nhạc chờ, thông tin trên mạng xã hội cũng góp phần vào việc nâng cao ý thức phòng chống dịch của cả cộng đồng, cũng như động viên, khích lệ kịp thời các nỗ lực của toàn xã hội.

Có nhiều số liệu thống kê để thấy được tỷ lệ người đọc, người xem quan tâm đến thông tin về công tác phòng, chống dịch trên báo chí ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Điều ấy khẳng định rõ vai trò của kênh truyền thông chính thống quan trọng như thế nào.

Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã tiến hành thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc đưa tin về dịch COVID-19, trong đó 90% số người Việt Nam được hỏi tin tưởng vào truyền thông trong nước.

Những con số này đã nói lên tất cả, bởi không chỉ trong nước, báo chí nước ngoài còn nói rất nhiều về thành quả thực sự đáng kinh ngạc, kết quả tuyệt vời của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có vai trò của thông tin truyền thông.

– Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, thời gian qua, những vi phạm trong hoạt động báo chí đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; điển hình như việc xử lý các sai phạm trong việc đăng tải thông tin về dịch COVID-19 trong thời gian gần đây. Cục trưởng có thể cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Việc xử phạt thông tin sai phạm trong thông tin về dịch COVID-19 thời gian qua không chỉ áp dụng đối với các cơ quan báo chí. Điều đáng mừng là con số này không nhiều, xử phạt chủ yếu tập trung vào các cá nhân đăng tải và chia sẻ thông tin sai lệch, thậm chí là tin giả, gây hoang mang dư luận. Việc này đã được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc xử phạt chủ yếu diễn ra ở quy mô địa phương, như công an, các Sở Thông tin và Truyền thông mời các cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch đến làm việc. Việc xử lý các sai phạm thời gian qua cho thấy, bên cạnh truyền đi thông tin chính thống, cũng cần hạn chế tác động tiêu cực của thông tin sai lệch.

Nhiều cá nhân khi chia sẻ thông tin một cách vô ý thức, không biết đó là nội dung sai lệch, tuy nhiên thông tin đó lại rất nguy hiểm, làm phương hại đến lợi ích cá nhân, cộng đồng... gây căng thẳng, bức xúc quá mức cần thiết trong khi cần tập trung nhân lực vào việc khác.

Cơ quan chức năng của các địa phương đã xử lý nghiêm và đặt ưu tiên cao về vấn đề này. Đây cũng là hoạt động thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch về dịch bệnh trên truyền thông, góp phần làm cho môi trường thông tin lành mạnh, đúng hướng trong thời gian cả nước phòng, chống dịch COVID-19.

- Có ý kiến từ bên ngoài cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận trong đại dịch COVID-19, xin Cục trưởng cho biết ý kiến về việc này?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Trước hết, phải nói bên ngoài có nhiều ý kiến đến từ các tổ chức khác nhau, cũng có những tổ chức được Việt Nam công nhận và có các kênh đối thoại để thực sự hiểu nhau hơn nhưng cũng có những tổ chức không được công nhận, bởi nhận định đánh giá của họ dựa trên nhiều thông tin sai lệch và không có kênh đối thoại để nắm vững được tình hình thực tế ở Việt Nam, đưa ra thông tin mang tính một chiều.

Truyền thông chính thống có vai trò lớn trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 2.

Tranh cổ động tấm lớn được đặt ở các điểm nút giao thông của Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nếu các thông tin sai lệch này đến từ những tổ chức mà Việt Nam có kênh qua lại thời gian qua thì những nhận xét, nhận định đó xuất phát từ việc thiếu thông tin. Điển hình như việc không thể nói Việt Nam xử lý các cá nhân đưa thông tin sai lệch về dịch COVID-19 trên mạng xã hội là một biểu hiện của việc vi phạm tự do ngôn luận được.

Bởi lẽ, tự do ngôn luận được tôn trọng, bảo đảm bởi pháp luật với điều kiện đó là những thông tin đúng, xác thực, không phương hại đến lợi ích chung, nếu không đó không còn là tự do ngôn luận nữa.

Trong thời đại hiện nay, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình, bởi những lời nói này có thể được khuếch đại lên môi trường mạng xã hội. Đối với những đánh giá không có căn cứ của các tổ chức mà Việt Nam chưa công nhận, tôi không có bình luận gì thêm.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông chính thống có vai trò lớn trong phòng, chống COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO