Kinh tế số

Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt NamĐẩy mạnh nhận diện và lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số

Tâm An 19/11/2024 14:52

Đẩy mạnh nhận diện và lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường.

Đẩy mạnh nhận diện hàng Việt Nam

Ngày 12/11 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động, nhằm đánh giá về những thành tựu đạt được sau 15 năm thực hiện.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của Cuộc vận động là phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài.

Bám sát chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ Cuộc vận động. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu, đưa ra những quyết sách đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động với những đề án, chương trình, chiến lược như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”; Chương trình; Xúc tiến thương mại quốc gia; Khuyến công quốc gia…

Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều DN đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường. Hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được triển khai bài bản quy mô. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thông tin tuyên truyền ngày càng hiệu quả.

Thông qua Cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các DN Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các DN Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của DN cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.

sieu-thi-1632640292684-1632640293573596360102-1703138268785841762254.jpg
(Ảnh minh họa)

Trong 15 năm qua, Cuộc vận động đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, như nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến lớn. Đến nay nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét: trên 90% người tiêu dùng và DN Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% DN biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% DN tham gia phong trào này.

Mới đây, nhằm thúc đẩy nhận thức, khuyến khích ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN nội địa trên thị trường, ngày 1/11/2024, Bộ Công Thương cũng đã phát động tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2024 gắn với kỷ niệm 15 năm thực hiện Cuộc vận động của ngành Công Thương.

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 đề nghị các đơn vị, tổ chức, đơn vị trực thuộc tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình trọng tâm trong tháng 11 và tháng 12/2024 với các hoạt động hưởng ứng, cụ thể: treo cờ, phông phướn, banner cổ động Chương trình với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại trụ sở, website chính thức của cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN trên địa bàn...

Bên cạnh đó, lồng ghép về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” và các hoạt động kết nối cung cầu tiêu dùng hàng Việt Nam tại các sự kiện lớn tổ chức trên địa bàn có sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội các ngành hàng, các tổ chức chính trị - xã hội, các DN Việt Nam, người tiêu dùng... nhằm góp phần hưởng ứng cộng hưởng về Chương trình.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, tổ chức, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên các phương tiện thông tin báo chí và các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, DN, người tiêu dùng tích cực sản xuất, kinh doanh và ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam.

Chương trình nhận diện hàng Việt Nam kỳ vọng tạo được sự cộng hưởng tích cực, nâng cao vị thế của hàng Việt, góp phần xây dựng niềm tự hào quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

Lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số

Trong bối cảnh công nghệ và TMĐT phát triển mạnh mẽ, việc quảng bá và lan tỏa giá trị của hàng Việt trên các nền tảng số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp chiến lược giúp DN Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả hơn. Điều này không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mới mà còn khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế, nâng cao niềm tin và niềm tự hào của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa.

Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình thường niên "Tuần lễ TMĐT quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday". Đây là sự kiện mang tính biểu tượng về nỗ lực thúc đẩy hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương và Chính phủ, đã được tổ chức từ năm 2014 đến nay và ghi nhiều dấu ấn trong quá trình phát triển lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, Tuần lễ TMĐT quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 01/12/2024. Sự kiện năm nay đặc biệt chú trọng tôn vinh hàng Việt và ứng dụng công nghệ số, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận trực tiếp với công nghệ và sản phẩm Việt chính hãng. Cụ thể, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức Không gian trải nghiệm, triển lãm sản phẩm chính hãng và giải pháp chuyển đổi số của DN Việt tại TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

418-202411191130411.jpg

Các DN tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghệ số và các giải pháp TMĐT để người dân trực tiếp tham gia trải nghiệm, qua đó thúc đẩy kết nối TMĐT theo vùng, tạo niềm tin với DN và người tiêu dùng về các sản phẩm, dịch vụ. Đây là cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm chất lượng cao với sự cam kết rõ ràng về nguồn gốc và xuất xứ.

Ngoài ra, chương trình không chỉ hướng đến việc thúc đẩy mua sắm, mà còn mở rộng các giải pháp hỗ trợ như thanh toán điện tử an toàn và các tiện ích mua sắm thông minh. Điều này giúp xây dựng niềm tin vững chắc giữa người tiêu dùng và DN, tạo điều kiện cho hàng Việt khẳng định vị thế và bứt phá mạnh mẽ trong thị trường TMĐT.

Không dừng lại ở một ngày hội mua sắm, Online Friday 2024 còn là nơi các DN trong lĩnh vực TMĐT và công nghệ số gặp gỡ, chia sẻ và giới thiệu những giải pháp tiên tiến. Những sản phẩm và dịch vụ đột phá sẽ không chỉ giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh mà còn tạo điều kiện cho họ định hình lại thị trường theo hướng bền vững, thông minh hơn.

Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm và mua sắm, chương trình cũng tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến, kết nối các chuyên gia và DN nhằm cập nhật các xu hướng và chính sách mới. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ Công Thương nhằm không ngừng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực ứng dụng công nghệ số.

Chương trình Tuần lễ TMĐT quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 không chỉ hướng đến mục tiêu gia tăng sức mua, mà còn khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững. Từ việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam đến việc hỗ trợ sản phẩm địa phương xuất khẩu trực tuyến, chương trình đang tạo ra những cơ hội lớn để DN Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu.

Trong suốt thời gian diễn ra, sự kiện sẽ tập trung vào các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phòng chống hàng giả, hàng nhái. Những nỗ lực này không chỉ giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi mua sắm trực tuyến mà còn khẳng định cam kết của chương trình trong việc mang đến những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao.

Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của sự kiện năm nay là xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa công nghệ và người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của các sản phẩm Việt Nam.

Thông qua việc cung cấp mã mua sắm ưu đãi, khung giờ vàng và không gian trải nghiệm trực tiếp, Online Friday 2024 không chỉ mang đến cơ hội mua sắm lý tưởng mà còn tiếp tục là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Đây là dịp để người tiêu dùng trải nghiệm những tiện ích công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.

418-202411191130412.jpg

60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2024 sẽ bắt đầu từ 0 giờ thứ Sáu ngày 29/11/2024 đến 12 giờ ngày 01/12/2024 trên các hệ thống website, ứng dụng thuộc Chương trình, cung cấp mã mua sắm ưu đãi toàn quốc trên các nền tảng và các chương trình khuyến mãi sản phẩm hàng hóa/dịch vụ của các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thông qua TMĐT. Đây là một cơ hội tuyệt vời để người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm chính hãng từ DN Việt và cũng là dịp để ủng hộ các sản phẩm mang đậm bản sắc Việt, giúp các DN nội địa phát triển bền vững trên thị trường TMĐT.

Sự kiện livestream mua sắm siêu lớn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội từ ngày 29/11 đến ngày 01/12 sẽ là tâm điểm của mùa mua sắm trực tuyến năm nay.

Sự kiện quy tụ 10 gian hàng livestream, chuỗi livestream được thiết kế với sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều nền tảng TMĐT hàng đầu như TikTok Shop, Sendo… Trong đó 4 gian hàng livestream sẽ đại diện cho những ngành hàng/thương hiệu chính hãng tiêu biểu trên TMĐT, và 6 gian hàng livestream sẽ đại diện cho 6 vùng miền của đất nước, phối hợp với các Sở Công Thương quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền.

unnamed-1-.jpg
Sự kiện livestream mua sắm siêu lớn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội từ ngày 29/11 đến ngày 01/12.

Mỗi gian hàng dự kiến sẽ là một bức tranh sống động, đại diện cho các vùng miền, nền văn hóa phong phú và đặc sản độc đáo của Việt Nam. Nổi bật trong sự kiện là gian hàng livestream của Sendo Farm, thuộc tập đoàn FPT. Gian hàng trưng bày nhiều đặc sản OCOP với mục tiêu số hóa nông sản. Với định hướng chiến lược từ FPT, Sendo Farm hứa hẹn tạo nên phiên livestream ấn tượng, góp phần đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế.

Xuyên suốt từ ngày 25/11 đến 1/12, TikTok Shop sẽ trực tiếp phát động sự kiện hưởng ứng “Online Friday 2024” với chiến dịch hashtag #OnlineFriday #TuHaoHangViet trên nền tảng nhằm kêu gọi nhóm DN, nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung tổ chức các phiên livestream hàng Việt, giúp người dùng có cơ hội tiếp cận hàng Việt một cách dễ dàng và đáng tin cậy.

Việc livestream sản phẩm Việt trên các nền tảng trực tuyến chính là nỗ lực quảng bá sáng tạo, tạo thói quen và điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng mua hàng Việt trên đa dạng kênh phân phối.

Online Friday 2024 không chỉ là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất năm mà còn là minh chứng cho bước tiến mạnh mẽ của hàng Việt trong kỷ nguyên TMĐT. 10 gian hàng livestream tự hào hàng Việt đã thực sự là bước nhảy vọt, mở ra những cánh cửa mới để hàng Việt tiếp cận thị trường quốc tế.

Lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm của cả DN và người tiêu dùng trong việc xây dựng và duy trì thương hiệu quốc gia. Khi các DN Việt Nam biết cách tận dụng sức mạnh công nghệ số để quảng bá sản phẩm, cùng với sự ủng hộ của người tiêu dùng, hàng Việt sẽ ngày càng khẳng định được vị thế và sức hút của mình, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Bộ TT&TT hướng dẫn đầu tư CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
    Việc ban hành 2 Thông tư, hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cơ bản đầy đủ, tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
  • Các dự đoán về AI năm 2025
    Năm 2024, chúng ta thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã chuyển từ giai đoạn thí điểm sang ứng dụng thương mại. Sang năm 2025, AI sẽ mở rộng triển khai toàn diện tại các doanh nghiệp.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • FPT tự động hóa quy trình ngân hàng bằng robot ảo cho VietinBank
    VietinBank và FPT đã chính thức khởi động dự án triển khai tự động hóa các quy trình nghiệp vụ bằng giải pháp akaBot. Hợp tác đánh dấu sự chuyển mình của VietinBank trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Robotics và AI.
  • VNPT ra mắt các gói cước Internet tốc độ x3
    Các gói cước mới nhưng giá không đổi được áp dụng từ 1/1/2025 đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như tích hợp truyền hình, di động, công nghệ mở rộng vùng phủ WiFi Mesh, AI Camera an ninh thông minh...
  • 5 năm chuyển đổi số quốc gia
    Việt Nam là một quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, song hành cùng các quốc gia tiên tiến.
  • Giáo sư người Việt làm tổng biên tập tạp chí khoa học hàng đầu thế giới
    GS Dương Quang Trung là người Việt đầu tiên được Hiệp hội Điện, Điện tử quốc tế (IEEE) bổ nhiệm tổng biên tập một tạp chí khoa học uy tín bậc nhất.
  • Chuyển đổi ngành công nghiệp viễn thông bằng trí tuệ nhân tạo
    Việc triển khai AI trên quy mô lớn và chuyển đổi sang các tổ chức gốc AI có thể là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới cho các công ty viễn thông
Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam Đẩy mạnh nhận diện và lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO