Chuyển đổi số

Tuyến bài trợ lý ảo AI: Bài 1Doanh nghiệp Việt cần làm gì để chatbot AI “bùng nổ”?

NK 01/08/2024 06:10

Để thúc đẩy thị trường chatbot AI, các doanh nghiệp Việt đều đã có những dự án xây dựng những mô hình sản phẩm riêng phù hợp với đặc thù thị trường hay tham gia vào các dự án nghiên cứu về chatbot AI để ứng dụng các công nghệ mới nhất.

Chatbot nội có nhiều “đất diễn”

Đánh giá về thị trường chatbot AI ở Việt Nam, bà Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Conversation - Khối sản phẩm FPT.AI (FPT Smart Cloud) cho biết, thị trường đang có sự phát triển rất mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Ví dụ như trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, theo thống kê của Tạp chí Ngân hàng (cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến thời điểm tháng 1/2024, có 15 trong số 43 ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã triển khai sử dụng chatbot, chiếm tỷ lệ 34,8%. Đây là một tỷ lệ khá cao so với các nước phát triển AI khác.

Các chatbot ngân hàng được xây dựng như một trợ lý ảo có thể hỗ trợ khách hàng như người thật đối với rất nhiều nghiệp vụ: mở, khóa thẻ, cung cấp thông tin, tư vấn sản phẩm, dịch vụ, thậm chí bán hàng.

Bên cạnh lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, một số lĩnh vực khác như bảo hiểm, bán lẻ, v.v... cũng đã nghiên cứu và ứng dụng chatbot, nở rộ trong giai đoạn 2017 - 2019. Bảo hiểm Vietinbank (VBI) là đơn vị đã xây dựng 1 hệ thống chatbot trên website và Facebook giúp tương tác khách hàng 24/7 cùng những câu trả lời cá nhân hóa đến từng người dùng về quyền lợi bảo hiểm, hướng dẫn mua dịch vụ, tra cứu hồ sơ. Ứng dụng chatbot đã giúp công ty bảo hiểm này cải thiện 38% năng suất dịch vụ chăm sóc khách hàng, tỷ lệ hoàn thành việc trả lời khách hàng đạt hơn 98%.

Bà Vũ Hải Yến cho rằng, điểm đặc biệt là hầu hết các chatbot lớn tại các doanh nghiệp (DN) hàng đầu tại Việt Nam hiện nay đều do các công ty công nghệ Việt Nam phát triển. Đây là kết quả của sự nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ của các công ty công nghệ Việt vào AI. Các chatbot “nội địa” có thế mạnh về am hiểu mô hình hoạt động kinh doanh của DN, khả năng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt tự nhiên, thân thiện với người dùng. Đây là những điểm vượt trội của chatbot “Make in Viet Nam”

Tuy nhiên, ngoài các chatbot DN nhằm phục vụ cho khách hàng của họ, hiện tại Việt Nam chưa chú trọng đầu tư cho chatbot đại chúng (tương tự như ChatGPT hay Copilot).

“Đây sẽ là cơ hội cho các nhà nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam trong thời gian sắp tới”, bà Yến nhận định.

Theo FPT AI, các đơn vị cần nâng cao năng lực bằng cách đầu tư vào việc đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực và nguồn lực trong việc phát triển và vận hành chatbot AI.

picture1.jpg
Theo đại diện FPT Smart Cloud, thị trường chatbot AI tại Việt Nam đang có sự phát triển rất mạnh mẽ trong những năm trở lại đây.

Tạo chatbot đặc thù để khắc phục những yếu điểm của ChatGPT

Cũng theo bà Vũ Hải Yến, những chatbot đại chúng được sử dụng rộng rãi như ChatGPT cũng có những yếu điểm nhất định về tính xác thực của thông tin, khó tích hợp nghiệp vụ, không triển khai on-premise (hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ, vì hạ tầng cực lớn nên chủ yếu dùng đám mây - cloud), và có thể không đáp ứng bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Thêm vào đó, ChatGPT được đánh giá là tốc độ xử lý chậm và chi phí cao hơn nhiều so với các dịch vụ AI chatbot đã sẵn có hiện nay.

Vì những lý do trên, các đơn vị phát triển công nghệ lớn ở Việt Nam, mặc dù có đầy đủ nguồn lực để phát triển những công nghệ mới như AI, đang chưa thực sự mặn mà với chiến lược phát triển chatbot đại chúng tương tự như ChatGPT. Thay vào đó các đơn vị này đều đang hướng đến việc sẽ tích hợp lõi công nghệ tiên tiến mới nhất, bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn và mô hình AI tạo sinh vào những giải pháp AI sẵn có hiện nay của mình.

Với FPT Smart Cloud, lợi thế lớn nhất của đơn vị này trong việc phát triển các giải pháp chatbot AI là nền tảng điện toán đám mây mạnh mẽ và hệ sinh thái AI đa dạng.

Hay vào tháng 10/2023, FPT Smart Cloud đã cho ra mắt FPT GenAI - nền tảng AI thế hệ mới dựa trên AI tạo sinh. GenAI được sử dụng để phát triển trợ lý ảo voicebot (FPT AI Engage) và chatbot (FPT AI Chat), có khả năng tương tác tự nhiên với người dùng, hỗ trợ xử lý nhiều yêu cầu, tóm tắt văn bản, hiện đang phục vụ 15 triệu người dùng cuối tại 15 quốc gia.

Đây sẽ là nền tảng vững chắc để các giải pháp AI của FPT Smart Cloud phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, bà Vũ Hải Yến khẳng định.

Còn theo ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc khối nền tảng trợ lý ảo, Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI), do các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay đã “học” ở khắp nơi trên Internet, với đủ thông tin tốt xấu. Nếu dùng các mô hình này sẽ không kiểm soát được thông tin. Do vậy, chúng ta cần xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn sạch, của Việt Nam và dùng riêng cho người Việt.

Vì vậy, để thúc đẩy chatbot AI, trong quá trình phát triển trợ lý ảo, Viettel tiếp cận theo hướng, trợ lý ảo Việt Nam không dùng để trả lời mọi thứ mà sẽ phục vụ cho từng ngành. Điều này giúp giải điểm yếu “học” thông tin tốt xấu lẫn lộn của ChatGPT.

Đối với Cốc Cốc, ông Nguyễn Vũ Anh, CEO Cốc Cốc cho biết, một trong những dự án quan trọng liên quan đến chatbot AI mà đơn vị này đang đầu tư là xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mã nguồn mở tối ưu riêng cho tiếng Việt, với chất lượng vượt trội so với các mô hình ngôn ngữ lớn hiện có, thông qua việc hợp tác với LAION (Đức), Ontocord (Mỹ) và một cộng đồng các nhà nghiên cứu AI (Việt Nam, Đức, Mỹ). Mục tiêu của Cốc Cốc là tiếp tục cải thiện hiệu suất của mô hình ngôn ngữ lớn này với ngôn ngữ tiếng Việt.

“Chúng tôi tin vào sức mạnh của Internet mã nguồn mở. Phương pháp mã nguồn mở (sẽ giúp làm cho AI trở nên dễ tiếp cận với nhiều DN và người dùng hơn, và chắc chắn cũng sẽ khiến các mô hình trở nên an toàn hơn khi nhiều đơn vị cùng có cơ hội thử nghiệm và kiểm tra chúng”, ông Vũ Anh chia sẻ thêm.

Với dự án này, Cốc Cốc kỳ vọng sau khi hoàn thiện sẽ cung cấp mô hình LLM hoàn toàn miễn phí cho các DN có nhu cầu khai thác để tạo ra các sản phẩm ứng dụng AI, ví dụ như chatbot hay trợ lý ảo... Việc này sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn có thu phí từ nước ngoài mà chưa xử lý tốt ngôn ngữ tiếng Việt, từ đó giúp DN giải quyết các bài toán đặc thù trong vận hành với chi phí tối ưu nhất.

Song song với việc triển khai dự án này, Cốc Cốc cũng đang tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, xác định và xây dựng các sản phẩm, tính năng ứng dụng công nghệ AI mới nhất trong trình duyệt và công cụ tìm kiếm của mình. Những kinh nghiệm từ bộ đôi sản phẩm AI Chat và AI Search trong năm 2023 đã giúp cho đội ngũ Cốc Cốc nhiều quan sát thực tiễn thú vị, làm tiền đề cho các kế hoạch cải thiện và thử nghiệm các sản phẩm mới trong năm 2024.

coc-coc-ai-search-tren-di-dong-2.png
Cốc Cốc kỳ vọng sau khi hoàn thiện sẽ cung cấp mô hình LLM hoàn toàn miễn phí cho các DN có nhu cầu khai thác để tạo ra các sản phẩm ứng dụng AI, ví dụ như chatbot hay trợ lý ảo..

Cần xây dựng bộ quy tắc, tiêu chuẩn AI an toàn, có trách nhiệm

Về điểm thuận lợi của chatbot AI, đại diện FPT Smart Cloud khẳng định, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp người tiêu dùng thành thạo công nghệ tăng nhanh, nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực là những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khiến việc ứng dụng chatbot tại Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn.

Nhưng để phát triển chatbot AI mạnh mẽ hơn, các DN Việt sẽ cần vượt qua một số rào cản đến từ việc thiếu nguồn lực về hạ tầng tính toán, xử lý dữ liệu nhất là nguồn dữ liệu lớn và chất lượng cao để huấn luyện chatbot AI. Để vượt qua những rào cản này cần tới quyết tâm của các DN trực tiếp triển khai và cần cơ chế chính sách phù hợp để khơi thông nguồn lực.

Việc “làm chủ công nghệ” AI, phát triển AI có chủ quyền tại Việt Nam cũng cần được chú trọng, nhằm tránh việc thất thoát dữ liệu và rủi ro bảo mật thông tin, tạo động lực để các ứng dụng như chatbot phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.

Theo bà Vũ Hải Yến, Việt Nam đã có một số chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy AI, nhưng vẫn cần cụ thể hóa thông qua các hướng dẫn, nghị định cụ thể hơn nữa.

Chưa kể, Việt Nam có thể xây dựng bộ quy tắc, tiêu chuẩn AI an toàn, có trách nhiệm. Các quy tắc mang tính khuyến khích áp dụng sẽ phù hợp hơn việc tạo ra các quy định pháp luật mới, giúp nắm bắt tiềm năng to lớn của AI đối với nền kinh tế, đồng thời giúp phản ứng nhanh và linh hoạt trước những tác động do AI tạo ra.

Để các giải pháp chatbot AI ở Việt Nam thực sự bùng nổ, cần có những điều kiện cần và đủ. Trong đó, điều kiện cần liên quan đến các vấn đề như: Dữ liệu, cần xây dựng các bộ dữ liệu tiếng Việt lớn và chất lượng cao để huấn luyện chatbot AI; Công nghệ với việc áp dụng các mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất để phát triển chatbot AI; Nâng cao năng lực của các DN Việt Nam trong việc phát triển và vận hành; Nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Còn điều kiện đủ xuất phát từ nhu cầu thị trường, marketing để nâng cao nhận thức của người dùng về lợi ích cũng như sự hợp tác giữa các DN, nhà nghiên cứu, học viện và người dùng để phát triển chatbot AI.

Cuối cùng, bà Vũ Hải Yến đưa ra đề xuất giải pháp, từ phía DN, các đơn vị cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chatbot AI, hợp tác với các nhà nghiên cứu, học viện và người dùng, marketing các giải pháp nâng cao nhận thức của người dùng./.

Bài liên quan
  • Những thách thức khi xây dựng giải pháp trợ lý ảo pháp luật
    Theo Viettel AI, khi xây dựng giải pháp trợ lý ảo pháp luật, nhóm phát triển đã gặp rất nhiều thách thức như việc chuyển hóa kho văn bản đồ sộ, thu thập tri thức ẩn của những thẩm phán nhiều kinh nghiệm... trong khi đều là dân "ngoại đạo".
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tuyến bài trợ lý ảo AI: Bài 1 Doanh nghiệp Việt cần làm gì để chatbot AI “bùng nổ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO