Ứng dụng công nghệ trả lương lợi cả DN, người lao động
Ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp (DN) có thể trả lương linh hoạt cho người lao động (NLĐ), cho phép họ nhận lương khi cần và không phải chờ đến cuối tháng.
Chi lương linh hoạt là một mô hình mà các nước ở Mỹ và châu Âu đã phát triển được khoảng 10 năm. Các quốc gia đang phát triển như Mỹ Latin hay Đông Nam Á, Ấn Độ, mô hình chi lương linh hoạt đã phát triển được khoảng 4 - 5 năm.
NLĐ sẽ ghi nhận cơ chế, chính sách của DN
Theo ông Đặng Việt Dũng, nhà sáng lập, CEO của Nano Technologies, nhà phát triển ứng dụng Vui App, bản chất chi lương linh hoạt là một mô hình được vận hành bằng công nghệ, giúp DN thay vì trả lương 1 tháng/lần cho NLĐ và NLĐ chỉ được nhận lương 1 tháng/lần, thì với giải pháp linh hoạt, NLĐ có thể nhận lương bất kỳ khi nào và không phải chờ đến cuối tháng.
Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, NLĐ khi được trả lương đầy đủ, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của họ những lúc khó khăn, sẽ cảm thấy gắn bó với công ty hơn, yêu công ty hơn. Đó là một tâm lý rất dễ hiểu.
Bởi vì, “hãy thử đặt trường hợp phải đi vay tiền để chi trả cho một khoản đột xuất trong tháng, hay những chi phí cố định, chúng ta sẽ thấy việc được công ty trả lương linh hoạt, trả vào đúng lúc mình cần có ý nghĩa như thế nào với NLĐ”, ông Đặng Việt Dũng nói.
Nói về bài toán kinh doanh của DN, việc trả lương linh hoạt không làm DN tốn nhiều chi phí, ngược lại cũng giúp DN đạt được sự linh hoạt trong dòng tiền. Đặc biệt, mô hình trả lương linh hoạt, ứng dụng công nghệ vào công tác trả lương, có tính nhân đạo rất rõ ràng. NLĐ sẽ ghi nhận cơ chế, chính sách của DN, đặc biệt khi cơ chế, chính sách đó giúp họ giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tránh phải đi “vay nóng” hay dính dáng đến các trường hợp tín dụng đen, bị lừa đảo hoặc gây áp lực tinh thần.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng dịch vụ trả lương linh hoạt
Kể về một DN trên thế giới có mức độ thâm dụng lao động lớn song đã xây dựng được chiến lược quản trị thành công, ông Đặng Việt Dũng đã nhắc đến trường hợp của Costco, một nhà bán lẻ trong top 3 ở Mỹ.
Costco nổi tiếng đã xây dựng được một tổ chức rất gắn kết và có văn hóa DN. Tính đến năm 2021, Costco có gần 250.000 NLĐ, một con số rất lớn, tương đương khoảng 20 nhà máy may tại Việt Nam kết hợp lại và họ là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ.
Đáng chú ý, tỷ lệ nghỉ việc hằng năm của Costco là khoảng 7%. Trong đó, trung bình tỷ lệ nghỉ việc trong ngành bán lẻ ở Mỹ là 70%, sự chênh lệch lên tới 10 lần. Thứ nhất, tỷ lệ nghỉ việc chênh lệch lớn như vậy nói lên rất nhiều điều về văn hóa DN của Costco. Thứ hai, là một tổ chức bán lẻ có lợi nhuận nhất tại Mỹ, Costco lúc nào cũng lọt top những công ty tốt nhất và mọi người rất muốn gắn kết với công ty.
“Costco làm được như vậy là nhờ chiến lược quản trị, sử dụng và phát triển đội ngũ trong một tổ chức rất lớn. Đó là sự nhiệt huyết, liêm chính và đặc biệt một trong những nguyên tắc văn hóa công ty là "Trusting people right", ông Đặng Việt Dũng nói. “Điều đó cũng không phải quá phức tạp, mà thực chất, đó là cách làm thế nào để NLĐ sống được, nuôi được gia đình, tạo điều kiện để NLĐ có thể cân bằng thời gian làm việc với gia đình”.
Trường hợp điển hình (case study) về Costco để nói lên rằng văn hóa DN là điều rất quan trọng để NLĐ có thể yên tâm công tác. Đặc biệt với những DN, lĩnh vực thâm dụng lao động, việc đảm bảo đời sống cho NLĐ, công ăn việc làm, chế độ phúc lợi, trả lương đều đặn là những vấn đề không phải của riêng doanh nghiệp mà của cả xã hội.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã thấy hiệu quả mang lại và sử dụng dịch vụ lương linh hoạt như Uber, McDonald’s, Pizza Hut, SubWay, Walmart, Holiday Inn, NHS, … Chẳng hạn, với trường hợp của Walmart, từ tháng 12/2017, Walmart đã áp dụng thử nghiệm mô hình lương linh hoạt cho nhân viên thông qua ứng dụng PayActiv; tháng 8/2018, hơn 80.000 nhân viên Walmart sử dụng, hơn 30 triệu USD đã được ứng qua PayActiv; năm 2019, 1,4 triệu nhân viên Walmart sử dụng dịch vụ, trong đó 850.000 người thường xuyên sử dụng; tiết kiệm được hàng trăm triệu USD khi tỷ lệ nghỉ việc giảm 30%.
Walmart đưa mô hình trả lương linh hoạt thành một phúc lợi chính thức, tài trợ phí ứng lương 8 lần/năm cho mỗi nhân viên.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, cơ chế lương linh hoạt giúp giảm tỷ lệ nhảy việc 18 - 24% và tiết kiệm chi phí nhân sự cho DN. Mô hình lương linh hoạt cũng được đánh giá là chìa khoá nhân văn giúp DN giữ chân nhân viên, phát huy tính hiệu quả về chi phí, góp phần xóa bỏ ngành công nghiệp cho vay nặng lãi.
Trong một báo cáo vào tháng 6/2023, các nhà nghiên cứu của Harvard đã khảo sát hơn 1.000 người sử dụng các chương trình tiếp cận trả lương linh hoạt, nhằm mục đích khám phá sự gia tăng của các dịch vụ chi lương linh hoạt và giải quyết “khủng hoảng thanh khoản ngắn hạn” của các hộ gia đình Mỹ.
Cuộc khảo sát cho thấy 41% số người được hỏi cho biết họ tiếp cận chương trình chi lương linh hoạt và sử dụng các dịch vụ này ít nhất 1 lần/tuần. Thông thường, những người trả lời khảo sát của Harvard đã ghi nhận lợi ích của các ứng dụng trả lương linh hoạt, như mang lại cho họ khả năng thanh toán tiền xăng, thực phẩm hoặc các trường hợp cần chi tiêu khẩn cấp.
Cần tiếng nói chung giữa NLĐ, cộng đồng DN và nhà cung cấp giải pháp
Theo thông tin của Nano Technologies, sau một thời gian thử nghiệm, VuiApp đã phục vụ hàng ngàn NLĐ tại một số các DN có uy tín như FPT Retail, GS25, Kangaroo, Gỗ Trường Thành, với một số kết quả khích lệ ban đầu là 63% nhân viên đăng ký sử dụng Vui App ngay khi triển khai, tỷ lệ nhảy việc giảm tới 60% trong nhóm nhân viên sử dụng Vui App.
Thực tế, để NLĐ gắn bó với tổ chức, với một DN nhỏ, cách làm có thể rất đơn giản. Nhưng với một DN sử dụng nhiều lao động, việc lãnh đạo DN động viên tinh thần từng người, hoặc giúp đỡ từng người khi họ gặp khó khăn sẽ là điều gần như bất khả thi. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp DN giải quyết được bài toán này.
Trong một chương trình về giải pháp công nghệ giúp giải bài toán nhân sự cho các DN thâm dụng lao động, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một ngành chiếm dụng lao động lớn với khoảng gần 3 triệu lao động, cho rằng chế độ, chính sách của DN dành cho NLĐ phải làm sao “đụng tới trái tim của NLĐ”, để có thể giữ chân họ.
"Tôi cho rằng ngoài yếu tố chăm sóc lễ, tết, lương, thưởng cho NLĐ, thì vấn đề quan trọng nữa là làm sao phải có lương ổn định cho NLĐ và chính sách chăm lo đến NLĐ từ việc nhỏ nhất, như chi lương linh hoạt ngay khi NLĐ cần sự hỗ trợ về tài chính”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói.
Ông Vũ Đức Giang đánh giá cao giải pháp chi lương linh hoạt song điều quan trọng là NLĐ, cộng đồng các DN và cả nhà cung cấp giải pháp cần có tiếng nói chung và phải hiểu nhau.
“Trước hết, chúng ta phải hiểu nhau cái đã và hiểu nhau thì chúng ta mới loại bỏ được vấn đề vay tín dụng đen, một vấn nạn của xã hội”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng cần truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng các DN, trước hết là người chủ DN, về giải pháp chi lương linh hoạt này.
Cho rằng đây là một giải pháp hay, văn minh mà thế giới đã thực hiện, theo ông Giang, “cần phải nhân rộng và cần phải truyền thông, làm sao để cộng đồng DN hiểu, hai bên bắt tay cùng giúp NLĐ gắn bó với nhà máy, giúp DN bớt đi áp lực về tài chính. Kết quả là, về phía NLĐ họ sẽ yên tâm làm việc và gắn bó với tổ chức, về phía DN có thể tập trung kinh doanh hiệu quả và tìm kiếm khách hàng, đơn hàng để đảm bảo công ăn việc làm và chế độ, chính sách lương, thưởng cho nhân viên”./.