Việt Nam đại diện cho một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á. Theo một báo cáo mới của công ty đầu tư mạo hiểm Do Ventures, khởi nghiệp tại quốc gia hình chữ S năm 2019 đã mang về 861 triệu USD đầu tư cùng 123 thương vụ.
Từ năm 2016 - 2019, dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ đã tăng hơn 8 lần và số lượng thương vụ thành công cũng tăng hơn 4 lần. Hầu hết nguồn vốn đầu tư trên đều đến từ các quỹ nước ngoài, tập trung vào những doanh nghiệp khởi nghiệp đã vượt qua ngưỡng tăng trưởng nhất định.
Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Do Ventures nhận thấy trong nửa đầu năm 2020, đầu tư vào Việt Nam đã giảm 22%, từ 284 triệu USD trong năm 2019 xuống chỉ còn 222 triệu USD. Con số giảm là không thể tránh được do ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là về việc việc hạn chế đi lại và sự bất ổn của tình hình tài chính thế giới.
Dù vậy, theo Do Ventures, nhiều sự quan tâm đang đổ dồn vào những ngành công nghiệp mới nổi như công nghệ nhân sự, công nghệ bất động sản, trong khi đó các ngành truyền thống như bán lẻ vẫn "thống lĩnh" đầu tư.
"Rất nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các doanh nghiệp đột phá mới được xây dựng dựa trên 'trạng thái bình thường mới' sau COVID-19. Những cảm nhận tích cực được ghi nhận về tiềm năng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giao hàng tạp hóa, giáo dục trực tuyến và giải trí", báo cáo của Do Ventures trích dẫn.
Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, do ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy đồng sáng lập, gần đây đã ra mắt quỹ đầu tư 50 triệu USD dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Số vốn này đến từ những nhà sáng lập của các công ty công nghệ Việt Nam và các tổ chức đầu tư của Hàn Quốc và Singapore như NAVER, Sea, Vertex Holdings, Woowa Brothers…
Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty khởi nghiệp công nghệ có thể xây dựng được những sản phẩm dịch vụ mang lại sự tiện ích và nâng cao đời sống của người tiêu dùng Việt Nam và Đông Nam Á.
Ngày 1/10 vừa qua, công ty đã công bố khoản đầu tư đầu tiên trị giá hơn 20 tỷ đồng vào F99 – nền tảng bán trái cây trực tuyến mới nổi tại Việt Nam.
F99 là nền tảng giúp cho người nông dân có thể bỏ qua các khâu trung gian truyền thống để trực tiếp bán trái cây tới tay người tiêu dùng. Nền tảng này được biết tới là nhà phân phối nổi tiếng nhất của các mặt hàng trái cây đang bán chạy trên thị trường như sầu riêng Musang King và rong nho Sabudo. Điểm đặc biệt tạo ra thế mạnh của F99 là khả năng kết nối trực tiếp với các hộ nông dân, tổ chức lại chuỗi cung ứng hiệu quả từ nhà cung cấp đến người dùng để mang sản phẩm tới người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất với mức giá cả hợp lý. Hiện tại, khách hàng có thể đặt mua sản phẩm của công ty thông qua các kênh ứng dụng di động, website và trên nền tảng mạng xã hội Facebook với dịch vụ giao hàng tận nơi.
Việt Nam - Điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư mạo hiểm
Mới đây, trang Kr-ASIA đã phỏng vấn bà Lê Hoàng Uyên Vy về tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệm ở Việt Nam và những kế hoạch của Do Ventures. Bà Lê Hoàng Uyên Vy có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử. ESP Capital trong giai đoạn bà Vy điều hành rót vốn vào 15 công ty tại Việt Nam như Cooky.vn, Ecomobi, MindX, Homedy, Elsa…
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, hiện tại, Việt Nam có ưu điểm hấp dẫn về nhân khẩu học với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và người tiêu dùng am hiểu về công nghệ. Thị trường tiêu dùng của Việt Nam đã chín muồi và sẵn sàng để được phục vụ bởi các công ty công nghệ với các sản phẩm sáng tạo.
Đáng chú ý, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam năm 2019 là 64 triệu người, cho thấy Việt Nam đang đạt đến điểm uốn tăng trưởng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, giống như Indonesia cách đây 7 năm trước.
Báo cáo mới của Do Ventures cho thấy rằng hoạt động khởi nghiệp sẽ sớm phát triển trở lại. So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, Việt Nam phục hồi khá nhanh từ những tác động của Covid-19. Theo khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ trong khu vực, Việt Nam là điểm đến hàng đầu để đầu tư trong 12 tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, tâm lý đầu tư tại Việt Nam cũng khá lạc quan. Các quỹ được khảo sát kì vọng sẽ đầu tư từ 117 đến 200 thương vụ trong 12 tháng tiếp theo. Gần 80% số nhà đầu tư cho biết họ có kế hoạch thực hiện từ 1 đến 5 thương vụ.
Covid-19 tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi người dùng và thúc đẩy chuyển đổi ở doanh nghiệp. Do đó, Do Ventures kỳ vọng về sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính trong những tháng tới.
Chia sẻ về cách Do Ventures sẽ đầu tư quỹ đầu tiên của mình, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết: "Chúng tôi đã phát triển một cách tiếp cận đầu tư toàn diện bằng cách đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở nhiều giai đoạn khác nhau, từ vòng hạt giống đến vòng B. Trong quá trình này, chúng tôi hướng đến việc đầu tư vòng hạt giống, sau đó thực hiện các khoản đầu tư tiếp theo cho đến vòng B, và đồng thời mời gọi các nhà đầu tư uy tín khác cùng tham gia đầu tư nhằm gia tăng giá trị cho các công ty khởi nghiệp. Về quy mô, chúng tôi sẽ đầu tư từ 500.000 USD đến 5 triệu USD cho mỗi công ty".
Cũng theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Do Ventures đặt mục tiêu đầu tư vào 2 nhóm công ty: nhóm đầu tiên gồm các nền tảng kết nối doanh nghiệp đến người mua (B2C) mà có thể tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả cho người tiêu dùng trẻ. Trong khi đó, nhóm thứ hai bao gồm các nền tảng kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) có tiềm năng mở rộng ra toàn cầu.
"Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thực hiện thêm một số khoản đầu tư. Nhìn chung, Do Ventures có mục tiêu hậu thuẫn từ 20 đến 30 công ty khởi nghiệp", bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết thêm.