Việt Nam thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ cao với những cơ chế ưu đãi mới

TH| 14/10/2020 20:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Việt Nam đã khởi động một chương trình thúc đẩy thành lập các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT và các doanh nghiệp (DN) công nghệ cao khác nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo Nghị định 94/2020/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, bắt đầu từ ngày 5/10, có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa cho các DN khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Việt Nam thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ cao với những cơ chế ưu đãi mới - Ảnh 1.

Chương trình cung cấp ưu đãi cho danh sách các công ty khởi nghiệp đặt văn phòng tại các khu công nghiệp, bao gồm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Các DN khởi nghiệp được miễn toàn bộ chi phí thuê đất trong 50 năm. Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng ở Hòa Lạc, đồng thời tài trợ giải phóng mặt bằng và chuẩn bị cơ bản để thành lập văn phòng.

Mặt khác, DN khởi nghiệp sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư công, được hưởng các ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Các DN khởi nghiệp cũng đủ điều kiện để xin ưu đãi thuế. Cụ thể, các DN có trụ sở tại Hòa Lạc sẽ được hưởng thuế thu nhập DN 10%, thay vì mức thuế thông thường khoảng 20%, trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có báo cáo doanh thu. Họ cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được và được nhập khẩu trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Tại Việt Nam, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia được triển khai vào năm 2016, với mục tiêu hỗ trợ khoảng 1.000 DN khởi nghiệp và các dự án liên quan vào năm 2020. Tính đến ngày 31/8, có khoảng 2.500 DN và dự án khởi nghiệp đã nhận được hỗ trợ từ chương trình, với 52 công ty thu hút được tổng số 900 tỷ đồng (38,6 triệu USD) từ các nhà đầu tư bao gồm cả quỹ tư nhân và quỹ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đã cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Các hạn chế chủ yếu do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, quy định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thiếu hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hạn chế, thủ tục phức tạp; chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới; nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng, v.v..

Để giúp tạo ra một môi trường tốt hơn, Chính phủ hiện đang thực hiện việc giảm bớt rào cản hành chính gây khó khăn cho các doanh nhân trong việc thành lập công ty và thu hút đầu tư. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, đối với các hoạt động mua bán sáp nhập nếu không dẫn đến tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn ở một số doanh nghiệp cụ thể, các DN sẽ không cần xin ý kiến Thủ tướng. Đối với các hoạt động mua bán sáp nhập làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số doanh nghiệp cụ thể và vượt quá 50% cổ phần hoặc vốn điều lệ sẽ cần xin ý kiến Thủ tướng. Các dự án có vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng (428 triệu USD) sẽ không phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã có đầy đủ khung pháp lý và chính sách hỗ trợ các DN khởi nghiệp".

Năm 2019 được coi là một năm tuyệt vời cho hoạt động đầu tư công nghệ và khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo một báo cáo mới của công ty đầu tư mạo hiểm Do Ventures, startup tại quốc gia hình chữ S mang về 861 triệu USD đầu tư cùng 123 thương vụ. 

Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Do Ventures nhận thấy trong nửa đầu năm 2020, đầu tư vào Việt Nam đã giảm 22%, từ 284 triệu USD trong năm 2019 xuống chỉ còn 222 triệu USD. Dù vậy, theo Do Ventures, nhiều sự quan tâm đang đổi dồn vào những ngành công nghiệp mới nổi như công nghệ nhân sự, công nghệ bất động sản, trong khi đó các ngành truyền thống như bán lẻ vẫn "thống lĩnh" đầu tư.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ cao với những cơ chế ưu đãi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO