Từ những bước tiến mạnh mẽ…
Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự nỗ lực, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong lộ trình CĐS của mình.
Mạng diện rộng của tỉnh đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hệ thống mạng hoạt động ổn định thông suốt; 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có hệ thống mạng LAN kết nối vào mạng WAN của tỉnh; tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt 98% (trừ máy tính soạn thảo văn bản mật); 100% sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được triển khai hệ thống tường lửa (firewall) bảo đảm an toàn thông tin (ATTT); triển khai hệ thống họp trực tuyến kết nối với Chính phủ đến 107 xã, phường, thị trấn.
Trong khi đó, hệ thống thư điện tử đã được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn tỉnh, tổng số hộp thư điện tử hiện đang hoạt động là 11.101 hộp thư; cấp 2.078 chứng thư số cho 100% Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Hiện nay, có 18 sở, ban, ngành; 8 huyện, thị xã, thành phố; 107/107 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2, mức 3 và mức 4 trên Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh (https://dichvucong.vinhlong.gov.vn; https://motcua.vinhlong.gov.vn).
Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã thực hiện kết nối, liên thông với nhiều hệ thống như cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về doanh nghiệp (DN), CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống thanh toán trực tuyến của tỉnh với Cổng DVC quốc gia (paygov); hệ thống cấp mã số đơn vị với ngân sách; hệ thống thông tin quản lý danh mục dùng chung của các CQNN phục vụ phát triển chính phủ điện tử Việt Nam;…
Cùng với đó, Cổng DVC của tỉnh cũng đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia, đăng tải 1.697 DVCTT lên Cổng DVC của tỉnh, trong đó, 42 DVCTT mức độ 3, tỷ lệ DVCTT mức độ 3 đạt tỷ lệ 2,48%; 1.160 DVCTT mức độ 4, cấu hình, cập nhật DVCTT đủ điều kiện mức độ 4 cho 1.160/1.160 dịch vụ trên Cổng DVC của tỉnh, đạt tỷ lệ 100%.
Đặc biệt, Cổng DVC của tỉnh đã tích hợp, công khai bộ câu hỏi/trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; tích hợp Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, DN đảm bảo thực hiện 2 hệ thống thống nhất, thông suốt với Cổng DVC quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện triển khai quảng bá các loại nông sản, sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Sàn TMĐT Voso.vn được Viettel Post Vĩnh Long hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản với 33 sản phẩm; Sàn TMĐT Postmart.vn được Bưu điện Vĩnh Long hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản với 61 sản phẩm.
Hai sàn này đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn nông sản, góp phần đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước. Sàn Voso có sản lượng đơn hàng năm 2021 là 6.040 tăng trưởng 120% so với năm 2020, doanh thu thương mại trong năm 2021 đạt 4.136 tỷ đồng góp phần tăng trưởng doanh thu chung của Bưu chính Viettel 10% so năm 2020.
Công tác tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, đào tạo nhân lực, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS cho người dân, DN cũng được đặc biệt quan tâm. Đài phát thanh và truyền hình Vĩnh Long xây dựng chuyên mục CĐS phát mỗi tuần 02 lần bắt đầu từ tháng 5/2021. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu TMĐT với 887 lượt tham dự; tổ chức cuộc thi tìm hiểu "Tuyên truyền ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính năm 2021" có 22 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số 899 thí sinh.
… tạo đà cho những bứt phá mới
Với mục tiêu CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu quản lý của CQNN; sản xuất, kinh doanh của DN cũng như sinh hoạt của cộng đồng dân cư, từ những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành nhiều Kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh hơn nữa lộ trình CĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Theo đó, Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai CĐS năm 2022 được ban hành ngày 26/4/2022 với mục đích cụ thể hóa các nhiệm vụ quan trọng trong triển khai CĐS năm 2022; Phấn đấu hoàn thành 22 nhiệm vụ quan trọng theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại Công văn số 797/BTTTT-THH.
Đồng thời, thúc đẩy triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh đạt những bước đột phá trong năm 2022; Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với việc CĐS dựa trên 03 trụ cột chính là CQS, kinh tế số và xã hội số.
Trong khi đó, Kế hoạch phát triển CQS và bảo đảm ATTTM năm 2022 đặt ra mục tiêu kế thừa và triển khai sử dụng hiệu quả hạ tầng và các hệ thống, ứng dụng CNTT được trang bị trong thời gian qua. Nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt được trong thời gian vừa qua để từng bước thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo quy định.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đặt mục tiêu hoàn thiện nền tảng CQĐT hướng tới CQS góp phần nâng cao năng lực phục vụ người dân, DN và tiếp tục xây dựng CQĐT; định hướng xây dựng CQS, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm ATTT và an ninh mạng.
Đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, DN để thúc đẩy thực hiện CĐS, ngày 30/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đến năm 2025 có 100% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong CQNN và 100% lãnh đạo DN Nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số; 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình DVCTT và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới CĐS đến cấp xã cho ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình CĐS trong các ngành, các cấp; 100% cán bộ chuyên trách CĐS, CNTT trong CQNN hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá kết quả đào tạo,…
Đến năm 2030, có 100% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong CQNN và 100% lãnh đạo DN Nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số; 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình DVCTT và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản năm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Kế hoạch cũng đề ra xây dựng mạng lưới CĐS đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn với đội ngũ thành viên thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình CĐS trong các ngành, các cấp,…
Để đạt được các mục tiêu kể trên, Kế hoạch đề ra ba nhóm nhiệm vụ thực hiện, bao gồm nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về CĐS, nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng CĐS và nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực CĐS.
Cùng với ba nhóm nhiệm vụ này, kế hoạch cũng nêu ra ba nhóm giải pháp thực hiện gồm: nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách, nhóm các giải pháp hỗ trợ triển khai, nhóm các giải pháp về cơ chế tài chính./.