"Xanh hóa" khu công nghiệp: Giải pháp phát triển kinh tế bền vững

Tuyết Hoa| 21/09/2022 10:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng môi trường xanh được coi như một phần của phát triển kinh tế bền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biển đổi khí hậu (COP26) vừa qua tại Glasgow (Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện được thì việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN) sinh thái chính là giải pháp mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, khắc phục những bất cập về lãng phí tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

"Xanh hóa" KCN là xu thế tất yếu

Tính từ thời điểm KCN đầu tiên của Việt Nam được hình thành tại Hải Phòng đến nay, theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, Khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hơn 400 KCN hiện đi vào hoạt động, đóng góp rất hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Sự phát triển lớn mạnh về quy mô, cơ hội tạo ra việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu… đã từng bước chứng tỏ vai trò của các KCN, khu chế xuất.

Xanh hóa khu công nghiệp: Giải pháp phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Amata - Biên Hoà. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và biển đối khí hậu nói chung mà Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Vì lẽ đó, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, trong đó có các KCN, theo hướng bền vững, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp quốc, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việc xây dựng các KCN sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Việt Nam tích cực chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái xanh

Tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái".

Xanh hóa khu công nghiệp: Giải pháp phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Bộ KHĐT)

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 Kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, với 403 KCN đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ thêm: "Đối với KCN và Khu kinh tế, tinh thần khẩn trương và quyết liệt đẩy mạnh quá trình xanh hoá và phát triển bền vững đã được Đảng và Chính phủ cụ thể hoá thành những văn bản quan trọng. Đây có thể nói là quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam".

Đại diện UNIDO tại Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá cao định hướng của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh và bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. 

Bà Thanh Thảo cho biết: "Mô hình KCN sinh thái là một minh chứng cụ thể cho những định hướng chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời góp phần thu hút nguồn lực từ tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân nhằm giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại với chất lượng cuộc sống tốt cho người dân và đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)".

Để xanh hóa, cần sự hỗ trợ từ nhiều hướng

Biết rằng sự chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN, Khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, Khu kinh tế cũng như cho từng địa phương và cả nền kinh tế là cần thiết. Nhưng để biến nó thành hiện thực trong một tương lai gần thì cần đến nhiều sự hỗ trợ khác nhau, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó cũng cần đến hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khuyến nghị: "Thực tế bước đầu cho thấy, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái. Đặc biệt, chuyển dịch KCN theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các đối tác phát triển"

Khi đánh giá về mô hình và chính sách phát triển KCN sinh thái trên toàn cầu (dựa trên phân tích số KCN sinh thái nổi tiếng hàng đầu về cộng sinh công nghiệp tại các quốc gia, điển hình là KCN Kwinana ở Úc), chuyên gia Dick Van Beers, đã khẳng định, quy hoạch KCN sinh thái tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất do các doanh nghiệp có thể cộng sinh được với nhau sẽ được sắp xếp gần nhau để việc cộng sinh hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Mặt khác, sự cộng sinh công nghiệp này cần đạt được lợi ích về hiệp đồng (cả về mặt ý nghĩa kinh tế và xã hội); trong đó các nhà hoạch định chính sách ra các quyết định để cho các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty phát triển hạ tầng KCN triển khai thực hiện.

Không chỉ dừng lại ở cơ chế chính sách, thời gian qua, các tổ chức quốc tế cũng đã đầu tư và hỗ trợ Việt Nam rất nhiều đối với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Suốt từ năm 2014 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái và đạt được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế, áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới.

Một trong những đóng góp của UNIDO cho các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), cụ thể là Phát triển Công nghiệp Bền vững và Toàn diện (SDG 9) là thông qua việc thúc đẩy triển khai mô hình KCN sinh thái. UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp triển khai Dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu", với mô hình KCN được triển khai từ năm 2014 tại 3 KCN, giai đoạn 2 từ năm 2020 thêm 3 KCN và thu được các kết quả rất đáng khích lệ, chứng tỏ tính hiệu quả của mô hình KCN sinh thái. Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thí điểm trong 3 năm (5/2020-5/2023) tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Các KCN thí điểm được lựa chọn là: KCN Amata, KCN Deep C, KCN Hiệp Phước, KCN Trà Nóc 1&2, KCN Hòa Khánh. Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án.

Xanh hóa khu công nghiệp: Giải pháp phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam. (Ảnh: Bộ KHĐT)

Nói về sự hợp tác hiệu quả thông qua Dự án này, bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam, cam kết luôn sẵn sàng đồng hành hợp tác với Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế lâu năm của UNIDO trong phát triển công nghiệp nói chung và KCN sinh thái nói riêng. Những hỗ trợ từ Dự án cũng sẽ thúc đẩy sự liên kết theo hướng hiệu quả hơn trong phát triển công nghiệp từ cấp trung ương đến địa phương, giữa các KCN cũng như trong nội bộ một KCN đồng thời còn tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nâng cao vị thế trên thị trường theo cách "vừa ích nước, vừa lợi nhà". 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Xanh hóa" khu công nghiệp: Giải pháp phát triển kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO