Xu hướng dự báo

Xây dựng cơ sở hạ tầng mới: Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Trần Văn Liệu 19/10/2023 14:00

Để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, bên cạnh việc thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và xuất khẩu, Trung Quốc cũng đẩy nhanh triển khai các dự án xây dựng “cơ sở hạ tầng mới” nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo [1].

Tóm tắt:

- Cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc: Cơ sở hạ tầng thông tin; cơ sở hạ tầng tích hợp; cơ sở hạ tầng đổi mới.

- Ý nghĩa của cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc:

+ Cần đầu tư lớn, do đó sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và ổn định tăng trưởng; hỗ trợ nâng cấp tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

+ Giúp xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế, tăng cường bảo vệ ninh quốc gia.

+ Thúc đẩy hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới, hệ thống sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới.

+ Nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc

Tháng 4/2020, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã giải thích cụ thể về “cơ sở hạ tầng mới”, bao gồm ba khía cạnh:

Một là cơ sở hạ tầng thông tin: Đề cập đến cơ sở hạ tầng được tạo ra dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin thế hệ mới, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng mạng truyền thông được đại diện bởi 5G, Internet vạn vật, Internet công nghiệp, Internet vệ tinh; trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, chuỗi khối, các trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán...

Hai là cơ sở hạ tầng tích hợp: Đề cập đến ứng dụng chuyên sâu của Internet, dữ liệu lớn, AI và các công nghệ khác để hỗ trợ chuyển đổi, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thống; từ đó hình thành cơ sở hạ tầng tích hợp, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, cơ sở hạ tầng thủy lợi thông minh; bao gồm xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc liên thành phố và đường sắt nội thành, trạm sạc cho xe điện (EV) và truyền tải điện năng siêu cao áp (UHV)...

Ba là cơ sở hạ tầng đổi mới: Đề cập đến cơ sở hạ tầng với các thuộc tính phúc lợi công cộng hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và phát triển sản phẩm; chẳng hạn như cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ quan trọng, cơ sở hạ tầng khoa học và giáo dục, cơ sở hạ tầng đổi mới công nghệ công nghiệp,...

Ý nghĩa của cơ sở hạ tầng mới

Theo phân tích của các chuyên gia Trung Quốc, xây dựng cơ sở hạ tầng mới là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện tại và cũng là để nuôi dưỡng động lực cho sự phát triển lâu dài [2].

Một là, cơ sở hạ tầng mới cần đầu tư lớn, do đó sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và ổn định tăng trưởng. Cơ sở hạ tầng mới có phạm vi rộng, các kịch bản ứng dụng phong phú và không gian thị trường lớn. Lấy 5G làm ví dụ, trong vài năm, đầu tư trực tiếp vào hệ thống mạng và các lĩnh vực liên quan đã vượt con số một nghìn tỷ nhân dân tệ. Sau khi hoàn thành 5G, nó có thể được ứng dụng cho nhiều tình huống khác nhau như điều khiển công nghiệp, lái xe tự động, y tế từ xa, thành phố thông minh, nhà thông minh, giám sát môi trường...

Hiệu ứng của đầu tư cơ sở hạ tầng mới là rất lớn, thông qua nâng cấp các ngành công nghiệp, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất tiên tiến và dịch vụ hiện đại, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

Hai là, cơ sở hạ tầng mới hỗ trợ nâng cấp tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Phát triển kinh tế và tăng trưởng thu nhập sẽ đi kèm với nâng cấp tiêu dùng. Những năm gần đây, sự đa dạng các hình thức tiêu dùng trực tuyến, sự phổ biến của thanh toán di động, sự gia tăng đáng kể trong việc mua hàng xuyên biên giới…; những hiện tượng này phản ánh sự thay đổi trong quan niệm và thói quen tiêu dùng của người dân. Nhu cầu của người tiêu dùng tăng tạo ra không gian thị trường rộng lớn và động lực phát triển mới cho nền kinh tế.

Cơ sở hạ tầng mới là nền tảng và bảo đảm quan trọng cho sự phát triển đổi mới. Cơ sở hạ tầng mới dựa trên công nghệ thông tin thế hệ mới, sẽ thúc đẩy việc nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, hình thành ra các doanh nghiệp mới, qua đó thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế dựa trên đổi mới công nghệ, nâng cấp công nghiệp và nâng cao hiệu quả.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới giúp Trung Quốc nắm bắt được những cơ hội mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và chuyển đổi công nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế chất lượng cao [3].

555555.jpg
(Hình minh họa)

Tình hình triển khai cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc

Trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới dự kiến sẽ vượt 15 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,22 nghìn tỷ USD). Tháng 12/2022, Trung Quốc ban hành “Đề cương hoạch định chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước (2022-2035)”, trong đó có định hướng triển khai cơ sở hạ tầng mới một cách hệ thống [4].

Đến nay, các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới đã xuất hiện trong kế hoạch công tác của 30 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương). Trong nửa đầu năm 2023, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin mới như 5G và trung tâm dữ liệu tăng 13,1%, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tích hợp mới như khi Internet công nghiệp và giao thông thông minh tăng 34,1% [5].

Hạ tầng mạng phát triển nhanh chóng

Tỷ lệ thâm nhập Internet tăng từ 42,1% năm 2012 lên 74,4% vào tháng 6/2022, số lượng người dùng Internet đạt 1,051 tỷ. Năm 2022, tổng số người dùng điện thoại di động là 1,683 tỷ (tỷ lệ thâm nhập đạt 119,2 máy/100 dân), số người dùng điện thoại 5G đạt 561 triệu.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã thành lập Nhóm xúc tiến 5G (Nhóm xúc tiến IMT-2020) để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G. Tháng 6/2019, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cấp giấy phép thương mại 5G cho China Telecom, China Mobile, China Unicom và Đài phát thanh và truyền hình quốc gia, chính thức đánh dấu nước này bước vào thời kỳ sử dụng thương mại 5G.

Ước tính từ năm 2020 đến 2025, tổng sản lượng kinh tế trực tiếp do sử dụng thương mại 5G của Trung Quốc sẽ đạt 10,6 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng mạng 5G quy mô lớn; đến cuối năm 2022, đã xây dựng tổng cộng 2,31 triệu trạm gốc 5G, chiếm hơn 60% tổng số của thế giới; công bố 18.000 họ bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn 5G, chiếm gần 40% thế giới.

5g-trung-quoc.jpg
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Từ việc công bố chiến lược “Băng thông rộng Trung Quốc”, nước này đã xây dựng mạng cáp quang băng thông rộng phủ khắp cả nước. Đến cuối năm 2022, tổng chiều dài các tuyến cáp quang đạt 59,58 triệu km; có 110 thành phố trên cả nước đạt tiêu chuẩn xây dựng thành phố Gigabit; đã đạt được “truy cập băng thông rộng từ làng này sang làng khác”, “truy cập 5G từ quận này sang quận khác” và “truy cập Gigabit từ thành phố này sang thành phố khác”; khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn đã thu hẹp đáng kể.

Internet vạn vật di động của Trung Quốc được tích hợp sâu vào các lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội. Tính đến tháng 8/2022, ba công ty viễn thông lớn của Trung Quốc đã phát triển được 1,698 tỷ người dùng thiết bị đầu cuối Internet vạn vật di động, qua đó xây dựng mạng IoT di động lớn nhất thế giới.

Triển khai IPv6 trên diện rộng góp phần thúc đẩy Trung Quốc trở thành cường mạng, giành lợi thế trong cạnh tranh. Ngay từ năm 2003, Trung Quốc đã khởi động “Dự án trình diễn Internet thế hệ tiếp theo của Trung Quốc” (CNGI). Năm 2008, đã xây dựng mạng Internet thế hệ tiếp theo (IPv6) lớn nhất thế giới vào thời điểm đó và đến năm 2014, 100 triệu thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 đã có mặt trên thị trường.

Tháng 11/2017, Trung Quốc ban hành “Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai IPv6”, đề xuất đẩy nhanh việc triển khai IPv6 trên quy mô lớn để xây dựng một mạng Internet thế hệ tiếp theo thông minh, phổ biến và tốc độ cao. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế và Xã hội” (2021-2025) đề xuất thúc đẩy toàn diện triển khai thương mại phiên bản IPv6, theo đó các địa phương và doanh nghiệp đã tăng cường nâng cấp và chuyển đổi IPv6. Đến tháng 12/2022, Trung Quốc đã đăng ký tổng cộng 67.369 dải tài nguyên địa chỉ IPv6, đứng đầu thế giới; số lượng người dùng IPv6 đạt 730 triệu.

Đã hoàn thành xây dựng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu. Tháng 7/2020, lễ khai trương hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Beidou-3 được tổ chức tại Bắc Kinh, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia/khu vực thứ tư trên thế giới sở hữu hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (sau hệ thống GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và GALILEO của châu Âu). Năm 2021, số điện thoại thông minh hỗ trợ hệ thống Beidou đạt 324 triệu chiếc.

Hạ tầng điện toán tạo động lực phát triển kinh tế số

Từ năm 2017 đến năm 2021, lượng dữ liệu của Trung Quốc tăng từ 2,3ZB lên 6,6ZB, tốc độ tăng hàng năm khoảng 30%. Tháng 2/2022, Trung Quốc thông báo khởi công xây dựng 8 nút trung tâm điện toán quốc gia bao gồm khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, Đồng bằng sông Dương Tử, Quảng Đông - Hồng Kông - Khu vực vịnh lớn Macao, Thành Đô - Trùng Khánh, Nội Mông, Quý Châu, Cam Túc và Ninh Hạ; đồng thời quy hoạch 10 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đến nay, dự án “Dữ liệu phía Đông và tính toán phía Tây” đang được đẩy nhanh, việc xây dựng 8 nút trung tâm điện toán quốc gia được quan tâm thúc đẩy, gần 70 dự án trung tâm dữ liệu mới được khởi động từ năm 2022; quy mô rack dữ liệu là hơn 5,9 triệu giá rack tiêu chuẩn; quy mô máy chủ khoảng 20 triệu; quy mô sức mạnh tính toán vượt 150 Eflops.

Internet công nghiệp

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng Internet công nghiệp được Trung Quốc đẩy nhanh, tạo cơ sở cho chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp. Làn sóng chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ban hành “Kế hoạch hành động xây dựng cơ sở hạ tầng mới trong lĩnh vực giao thông vận tải (2021-2025)”, đề xuất các chương trình hành động chính bao gồm đường bộ thông minh, đường thủy thông minh, cảng thông minh,... Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc ban hành “Quy hoạch hệ thống năng lượng hiện đại thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, thúc đẩy nâng cấp kỹ thuật số và thông minh hóa trong ngành năng lượng. Bộ Thủy lợi Trung Quốc ban hành “Ý kiến hướng dẫn về đẩy mạnh xây dựng hệ thống thủy lợi thông minh”, nhằm thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số trong các công trình thủy lợi, tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo sớm, diễn tập và dự phòng.

Tính đến nay, ứng dụng Internet công nghiệp của Trung Quốc đã bao phủ 45 lĩnh vực chính của nền kinh tế; đã xây dựng hơn 150 nền tảng Internet công nghiệp có tầm ảnh hưởng, số lượng kết nối thiết bị công nghiệp đạt 80 triệu bộ [6]. Năm 2023, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố danh sách các “Nhà máy hải đăng” (lighthouse factory) mới nhất, trong 18 nhà máy mới được chọn, có 8 nhà máy của Trung Quốc, phản ánh mức độ chuyển đổi “sản xuất thông minh” tại nước này [7].

Cơ sở hạ tầng đổi mới phát triển mạnh mẽ

Cơ sở hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Tính đến cuối năm 2021, 34/77 cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia đã hoàn thành, có 533 phòng thí nghiệm trọng điểm đang hoạt động, đã bao phủ đầy đủ các lĩnh vực khoa học và công nghệ cơ bản. Các cơ sở hạ tầng sáng tạo mới như trạm vũ trụ có người lái, máy va chạm điện tử quy mô lớn, ngân hàng gen quy mô lớn... được quan tâm, tạo nền tảng thúc đẩy lĩnh vực khoa học cơ bản của Trung Quốc phát triển Cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực khoa học và giáo dục: Đến cuối năm 2021, có 1.677 bảo tàng khoa học và công nghệ quốc gia; tổng tài nguyên website của Bảo tàng Khoa học và Công nghệ kỹ thuật số đạt 15,8TB. Từ năm 2012 đến năm 2021, đã xây dựng 1.112 bảo tàng khoa học và công nghệ tại các trường trung học cơ sở khu vực nông thôn.

Cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ: Tính đến năm 2022, đã thành lập hơn 200 trung tâm nghiên cứu kỹ thuật quốc gia, hơn 1.600 trung tâm công nghệ doanh nghiệp quốc gia, số lượng “vườn ươm” doanh nghiệp đạt hơn 15 nghìn [8].

Tiểu kết

Việc phát triển các ngành công nghiệp của cơ sở hạ tầng mới sẽ giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế, giải quyết các nút thắt công nghệ và tăng cường bảo vệ ninh quốc gia. Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới sẽ kích thích nhu cầu thị trường nội địa, tạo ra “sân sau” vững mạnh hơn cho Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với phương Tây. Với những điều chỉnh chiến lược chủ động và linh hoạt, kế hoạch cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc được dư báo sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc [9].

Từ khi cạnh trong nước, hiện nay cơ sở hạ tầng truyền thống ở Trung Quốc đã tương đối bão hòa. Cơ sở hạ tầng mới, với tư cách là sản phẩm của xã hội hiện đại đang hướng tới số hóa và thông minh, sẽ thúc đẩy hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới, hệ thống sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới, từ đó thúc đẩy cung - cầu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cấp tiêu dùng, thúc đẩy chu trình chuỗi giá trị trong nước, một thế hệ khởi nghiệp công nghệ mới ở Trung Quốc sẽ phát triển ồ ạt để lấp đầy các thị trường này. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng mới là động lực để thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như xóa đói giảm nghèo. Kế hoạch cơ sở hạ tầng mới có thể được so sánh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhưng mang tính định hướng trong nước, tương thích với kế hoạch “Made in China 2025” công bố năm 2015 [10].

Từ khía cạnh đầu tư ra nước ngoài, đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc được dự báo có khả năng mở rộng thêm, nhất là tại các thị trường dọc theo Sáng kiến ​​​​“Vành đai và Con đường”, trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam [11]. Tuy nhiên, các công ty công nghệ Trung Quốc nhận thấy cơ hội của họ đang bị thu hẹp, đặc biệt là ở thị trường ở các nước phương Tây. Mặc dù các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn có chỗ đứng đáng kể ở nước ngoài, nhất là ở các quốc gia đang phát triển, nhưng việc mở rộng ra quốc tế dường như không còn là nguồn tăng trưởng đáng tin cậy trong trung hạn. Điều này buộc các công ty Trung Quốc phải thúc đẩy tăng trưởng trong nước [12].

Từ góc độ quan hệ quốc tế, sự cạnh tranh giữa các cường quốc thực chất là sự cạnh tranh của sức mạnh quốc gia, trong đó khoa học và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, quốc gia nào nắm quyền lãnh đạo khoa học và công nghệ sẽ dẫn đầu thế giới, giống như Vương quốc Anh trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, Đức và Nhật Bản trong cuộc Cách mạng thứ hai và Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạng thứ ba. Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc sẽ được cải thiện rất nhiều với lợi thế về AI, IoT và 5G trong tương lai. Có thể nói, việc đổi mới và phát triển công nghệ, hay cơ sở hạ tầng mới là rất quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nước này với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ [13].

Từ góc độ toàn cầu, một chu kỳ cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới đang diễn ra theo chiều sâu, nhiều quốc gia đã đưa ra quan điểm và kế hoạch phát triển dài hạn tương tự cơ sở hạ tầng mới. Lấy Liên minh châu Âu làm ví dụ, tháng 3/2020, Ủy ban châu Âu công bố “Chiến lược Công nghiệp châu Âu mới” (EU’s New Industrial Strategy), đặt ra mục tiêu là duy trì chủ quyền công nghệ và kỹ thuật số, dẫn đầu về kỹ thuật số toàn cầu. Cơ sở hạ tầng mới trở thành tâm điểm mới để các nước lớn đẩy mạnh đầu tư, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Cơ sở hạ tầng mới có ý nghĩa to lớn đối với việc ổn định tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mang lại lợi ích cho đời sống người dân.

Đối với Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội, trong đó có “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng CĐS quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu bao gồm cả “Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia”.

Để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, ngày 3/6/2020, Chính phủ ban hành “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành “Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” nhằm chủ động tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ngày 31/3/2022, Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành, nghề kinh doanh mới, mở ra thị trường mới và tạo nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Có thể thấy, chúng ta đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa ngày càng quan trọng của “cơ sở hạ tầng mới” đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đã có định hướng tập trung phát triển một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên cũng thấy rằng, chúng ta chưa có quy hoạch, kế hoạch chung, mang tính định hướng và điều phối tổng thể, lâu dài để phát triển cơ sở hạ tầng mới.

Trung Quốc có mô hình phát triển kinh tế và quản lý xã hội khá tương đồng với Việt Nam, là quốc gia có những bước phát triển đột phá về khoa học và công nghệ trong vài thập kỷ qua, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ mới nổi. Kế hoạch của Trung Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng mới là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở hạ tầng mới: Kinh nghiệm từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO