Xây dựng CPĐT: Việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp đạt 92,39%

Trọng Thành| 02/11/2020 16:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Có thể nói chính phủ điện tử (CPĐT) là một phần tích hợp quan trọng, không thể thiếu trong tất cả các chiến lược phát triển của Chính phủ. Để mục tiêu này sớm về đích, luôn cần sự tích cực, đồng bộ, hợp tác, thực hiện từ các cấp, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, địa phương.

Với chức năng đầu mối, hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 435/LĐCP ngày 16/10/2019 về việc báo cáo tình hình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 (Nghị quyết số 17/NQ-CP) tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, kết quả đạt được của các đơn vị tính trong tháng 10/2020 như sau:

Kết quả tích cực đạt được nhờ đồng bộ các giải pháp

Theo đó, trên cơ sở báo cáo, so sánh với các tháng trước, đến cuối tháng 10/2020, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai CPĐT nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp: Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); các nền tảng chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được thúc đẩy phát triển. Trong quá trình thực hiện các tổ công tác luôn kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT.

Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử theo Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

 Xây dựng CPĐT: Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc chia sẻ, kết nối dữ liệu trên nền tảng tích hợp   - Ảnh 1.

Tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về CPĐT tháng 2/2020 với Ban chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2020 ngoài việc tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu bộ, ngành, tỉnh thì rất cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho CPĐT. - Ảnh: VGP.

Báo cáo cũng chỉ ra, những kết quả tích cực trên có được cũng là nhờ có các giải pháp đồng bộ, sự quan tâm, chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, cụ thể: Chính phủ đã quyết nghị nội dung riêng về tình hình xây dựng CPĐT tại Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT theo Nghị quyết số 17/NQ-CP; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CPĐT tại Quyết định số 414/QĐ-UBQGCPĐT ngày 21/10/2020…

Nhiều đơn vị đạt 92,39% việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp

Báo cáo cho biết, tính đến hết ngày 20/10/2020, đã có 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc chia sẻ, kết nối dữ liệu trên nền tảng tích hợp; 61 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP), đạt tỷ lệ khoảng 92,39% (năm 2018 chỉ đạt 3%; năm 2019 chỉ đạt khoảng 27%);

Đối với việc thực hiện cung cấp dữ liệu trên các hệ thống thông tin, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện được việc tích hợp 769.120 văn bản điện tử gửi và 2.408.320 văn bản điện tử nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (tính từ ngày 12/3/2019 đến ngày 22/10/2020).

Đặc biệt, đối với Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), các bộ, ngành, địa phương đã phục vụ 22 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 548 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế thay thế việc phát hành, in ấn, sao chụp hơn 206.000 bộ hồ sơ, tài liệu giấy (tính từ ngày 24/6/2019 đến ngày 22/10/2020).

Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 (trong đó, tổng số DVCTT mức độ 3 là 36.981 dịch vụ, đạt 30,56%; tổng số DVCTT mức độ 4 là 25.757 dịch vụ, đạt 21,29%).

Việc thực hiện các DVCTT của các các bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.878 DVCTT và có khoảng 79 triệu lượt truy cập với hơn 346.000 tài khoản đăng ký, hơn 20 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, 8,8 nghìn phản ánh, kiến nghị... (tính từ ngày 09/12/2019 đến ngày 22/10/2020).

Riêng việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia đã có 30 bộ, cơ quan được kết nối, thực hiện đối với 20 chế độ báo cáo và đạt 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo cũng cho biết kết quả thực hiện của Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sau 2 tháng khai trương đã xây dựng được 10 chuyên mục thông tin dữ liệu với khoảng 150 chỉ tiêu được cập nhật lên hệ thống, đồng thời Trung tâm đã kết nối trực tuyến với 10 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước với 25 thông tin trực tuyến…

Bộ TT&TT triển khai nhiều nền tảng mới, quan trọng

Bên cạnh việc báo cáo kết quả của các đơn vị bộ, ngành địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, tháng 10 vừa qua, Bộ TT&TT đã thực hiện hiện hiệu quả các nhiệm vụ, cụ thể:

Về việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức và các văn bản hướng dẫn, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 5788/VPCP-KSTT ngày 16/7/2020, Bộ TT&TT đã hoàn thiện, gửi Văn phòng Chính phủ (VPCP) để xin ý kiến các thành viên Chính phủ theo Công văn số 2864/BTTTT-NEAC ngày 04/8/2020. VPCP đã có ý kiến thẩm tra tại Báo cáo số 7492/BC-VPCP ngày 09/9/2020 và đã tổ chức xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Bộ TT&TT đang nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ.

 Xây dựng CPĐT: Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc chia sẻ, kết nối dữ liệu trên nền tảng tích hợp   - Ảnh 2.

MISA QLTH giúp các đơn vị quản lý cấp bộ, ngành và nhà trường dễ dàng tổng hợp và xem tất cả các báo cáo chi tiết theo thời gian thực, hỗ trợ công tác quản lý hiệu quả, minh bạch.

Bộ TT&TT đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt xây dựng các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong tháng 10 đã khai trương một số nền tảng quan trọng như Nền tảng Quản lý trường học MISA QLTH của Công ty CP MISA (ngày 09/10/2020), Nền tảng Định danh điện tử VNPT eKYC (ngày 23/10/2020).

Đặc biệt, trong tháng 10/2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 582 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (tăng 11,07% so với tháng 9/2020, tăng 0,34% so với cùng kỳ tháng 10/2019). Đồng thời, Trung tâm đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 4.161 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 7,82% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2019.

Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh.

Bộ TT&TT đề xuất các giải pháp, kiến nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại cần được khắc phục như: Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành (như nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về định danh, xác thực điện tử). Một số CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là về dân cư, đất đai. Tỷ lệ DVCTT mức 4 được cung cấp tại một số bộ, ngành, địa phương còn thấp…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT, là đầu mối hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện xây dựng, phát triển CPĐT của Chính phủ, Bộ TT&TT đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung trọng tâm như sau:

Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển CPĐT gồm: Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Công an tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Dân cư; đến tháng 7/2021 đưa vào khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc; Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng CSDL đất đai quốc gia trong tháng 7/2021.

Đối với các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đổng thời cần tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 22/9/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến UBQG về CPĐT, đặc biệt là cung cấp tối thiểu 30% DVCTT mức độ 4 đến hết năm 2020.

Cụ thể, để hoàn thành mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương cần: Chủ trì, phối hợp với VPCP, cơ quan liên quan đẩy nhanh thực hiện khai báo, kiểm thử việc cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% DVC mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 30/11/2020.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong quý IV/2020; Hoàn thành cung cấp thông tin, dữ liệu về 8 chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ theo hướng dẫn tại Văn bản số 7798/VPCP-KSTT ngày 18/9/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng CPĐT: Việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp đạt 92,39%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO