Xuất bản phẩm giả, xuất bản phẩm lậu và ảnh hưởng đến văn hóa đọc ở Việt Nam
Nhiều nhà xuất bản đã và đang “kêu cứu” vì tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường, thực trạng này diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi lợi nhuận mang lại từ in lậu, sách giả là rất lớn, vô cùng lớn, thì chế tài xử lý vi phạm về sách lậu, sách giả còn thiếu, chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Tóm tắt:
- Sách lậu, sách giả tồn tại và bán được nhiều trên thị trường ở nước ta một phần do lợi ích vật chất.
- Sách lậu, sách giả gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các NXB, làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người đọc.
- Hạn chế vấn nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền:
+ Chú trọng việc quảng bá, giới thiệu sách thật, sách chất lượng cao.
+ Quản lý chặt chẽ xuất bản phẩm trên mạng xã hội, mạng Internet.
+ Nâng cao vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam, các thư viện…
+ Các công ty sách, NXB phải biết tự bảo vệ mình.
Theo một thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) thì năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sách lậu vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục hoành hành tại các điểm phát hành và cả trên các không gian mạng, sàn thương mại điện tử…
Vì sao sách lậu, sách giả vẫn hoành hành?
Một trong những lý do mà sách lậu, sách giả vẫn tồn tại ngang nhiên như hiện nay đó chính là giá sách rất thấp, có thể nói là vô cùng rẻ, có những cuốn chiết khấu tới 80%. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao sách lậu, sách giả có giá rẻ bất ngờ đến vậy, từ thực tế có một số nguyên nhân như:
Thứ nhất, việc làm sách giả rất dễ dàng và nhanh chóng. Người làm sách lậu, sách giả chỉ việc scan và copy những cuốn sách thật, sách xịn ra bán mà không phải trả tiền bản quyền cho tác giả, dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… Rất nhiều khoản chi phí họ không hề mất. Trong khi đó, sách mua bản quyền từ nước ngoài, các công ty sách phải trả thêm tiền dịch, tiền hiệu đính với khoản tiền không hề nhỏ.
Đồng thời, do người làm sách lậu, sách giả thường chọn những xưởng in tư nhân nhỏ, manh mún, nằm ở vùng sâu vùng xa, với thiết bị máy móc lạc hậu, cũ nát, kém chất lượng nên không tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp bị bắt, bị tịch thu tang vật, chi phí mất cũng không quá lớn.
Thứ hai, đó là sách lậu, sách giả tồn tại và bán được nhiều trên thị trường ở nước ta từ trước đến nay, là bởi một phần do lợi ích vật chất, giá cả - chiết khấu cao cho chủng loại sách này: Trên thực tế, bên cạnh các sách hay, sách tốt, sách đẹp, một số thư viện các tỉnh, thành phố, thư viện cấp huyện hoặc thư viện trường đại học, viện nghiên cứu... khi mua bổ sung vào kho sách, tài nguyên thông tin của mình, vẫn có cả các sách lậu, sách giả (với chiết khấu cao có khi lên tới 50 - 60% giá bìa).
Ảnh hưởng nghiêm trọng đối với xã hội
Về phía các nhà xuất bản (NXB), các công ty phát hành sách (PHS): Hệ quả của việc in lậu, sách giả ở nước ta từ nhiều năm nay đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho các NXB, các công ty PHS, đến quyền, lợi ích của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các NXB, làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người đọc.
Chưa có con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng, nhưng theo ước tính của giới kinh doanh sách, thiệt hại do sách lậu, sách giả mỗi năm đến hàng chục tỷ đồng. Thiệt hại về phía các công ty sách và các NXB thì đã rõ, về cả kinh tế và uy tín. Họ bỏ tiền ra mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết, với bao công sức nhọc nhằn và trí tuệ, nhưng lại bị cướp trắng trợn, bị hớt tay trên, bị làm hạ giá trị của xuất bản phẩm.
Về phía tác giả, họ là những người chịu thiệt hại nặng nề. Chúng ta biết các tác giả được hưởng tiền bản quyền từ số sách bán được. Nếu sách lậu, sách giả được in và bán lan tràn, khó kiểm soát như hiện nay, công ty hay NXB giữ bản quyền bán quyền cuốn sách không bán được sách, như vậy tiền bản quyền cho tác giả sẽ giảm đáng kể. Đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân làm cho các tác giả nản lòng.
Người mua sách, người đọc bị thiệt hại vì họ bỏ tiền túi ra mua một sản phẩm kém chất lượng (như mua phải một thứ hàng giả mà vẫn phải dùng). Sách lậu, sách giả bị sao chụp mờ, khiến chữ nhòe, đứt nét, màu sắc không đồng đều, sử dụng giấy mỏng tang và không dập nổi, ép nhũ, cán mờ, bóng điểm… hoặc chỉ làm bìa mềm, không làm tay gấp cho bìa, không làm áo ôm, đai sách... Thậm chí, do sản xuất cẩu thả, sách lậu, sách giả còn có những lỗi sai nghiêm trọng về mặt kiến thức, tri thức làm giảm giá trị nội dung của sách.
Đối với xã hội và thư viện, nói một cách công bằng, thẳng thắn, thì mối nguy hại lớn nhất, nguy hiểm nhất mà sách lậu, sách giả mang lại, chính là việc mọi người, các thư viện mua phải sách lậu, sách giả về dùng, nghĩa là chúng ta đang tiếp tay cho một việc làm sai trái trong xã hội văn minh, chúng ta đồng thời chấp nhận thói “ăn cắp tri thức”; “ăn cắp bản quyền tác giả”, chấp nhận những cuốn sách xấu xa này như một món ăn tinh thần: sai lệch về nội dung và yếu kém về hình thức - thẩm mỹ v.v…
Nỗ lực để xử lý vấn nạn sách lậu
Do tình trạng sách lậu, sách giả đã trở nên nhức nhối, trở thành “vấn nạn” trong xã hội ta từ nhiều năm nay, nên những năm qua, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã, đang có những nỗ lực để xử lý vấn nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền… Hiện nay, ngoài Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, gồm các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do Bộ Thông tin và Truyền thông làm Thường trực, còn có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Đội liên ngành ở địa phương, nhằm thanh tra, kiểm tra phát hiện kịp thời xử lý các vi phạm trong lĩnh vực in, phát hành sách lậu, sách giả. Tuy nhiên kết quả còn hạn chế.
Song việc xử lý hành chính không đủ sức răn đe, chế tài không đủ mạnh. Ngay cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Xuất bản, Bộ TT&TT và Hội Xuất bản Việt Nam, trong các đợt tổng kết hoạt động cuối năm đều nhận định sách lậu đã trở thành vấn nạn, song chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, căn cơ và ngăn chặn triệt để vấn nạn nhức nhối này (vì chế tài xử phạt quá nhẹ: tối đa hành vi tàng trữ, buôn bán sách lậu chỉ bị phạt là 30 triệu đồng, in lậu. In lậu sách, sẽ bị phạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng). Số tiền phạt này chỉ bằng một phần rất nhỏ, so với lợi nhuận khổng lồ mà các cơ sở, cá nhân in và PHS lậu, sách giả thu được.
Do đó, nhiều cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt, sau đó lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn từ gốc. Có thể là tăng nặng xử phạt hành chính, cấm hoạt động, đình chỉ hoạt động... nếu cơ sở, cá nhân in lậu bị phát hiện. Thậm chí cần bổ sung điều luật vào trong Bộ luật Hình sự. Nếu không ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, sách giả có nguy cơ “giết chết” sách thật.
Phát triển văn hóa đọc là chủ trương có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của ngành xuất bản, đóng góp to lớn vào sự phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; vì thế để ngăn chặn và hạn chế sách lậu, chúng ta cần tập trung và nỗ lực hơn nữa những hành động thiết thực:
Một là, để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, trước hết phải có nhiều sách hay, sách tốt, sách có chất lượng; phải nâng cao khả năng cung cấp sách - PHS (kể cả phương thức truyền thống và phương thức hiện đại qua mạng Internet), đưa được càng nhiều sách và tri thức đến với đông đảo bạn đọc trong xã hội thì càng tốt, càng cần thiết. Đặc biệt, chú trọng việc quảng bá, giới thiệu sách (cả phương thức truyền thống và hiện đại), để khuyến khích bạn đọc đến với sách nhiều hơn, thường xuyên hơn. Như Bộ trưởng Bộ TT&TT đã khẳng định, xuất bản cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng số.
Hai là, về cơ chế - chính sách ở tầm vĩ mô: Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, ngày 20/11/2012 của Quốc hội, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14, ngày 20/1/2018 của Quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan.
Trong thực tiễn, có thể thấy: Luật Xuất bản quy định 12 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung và từng lĩnh vực nói riêng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai Luật này, mới chỉ có một số ít chính sách được thực thi trong thực tiễn. Các vấn đề: hiện đại hóa cơ sở vật chất; đặt hàng xuất bản các tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ trọng yếu khác; đàm phán, định giá và mua bản quyền những bản thảo tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp; hỗ trợ mua bản quyền tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định Luật Xuất bản hầu như chưa được thực hiện trong thực tiễn.
Riêng về vấn đề xử lý xuất bản phẩm lậu - xuất bản phẩm giả ở Việt Nam, Bộ TT&TT đã triển khai các giải pháp mang tính cấp bách, khá đồng bộ, tập trung phối hợp các đội liên ngành phòng, chống in lậu ở địa phương; các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động bảo vệ bản quyền, chống in lậu; các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp và nhân dân.
Cụ thể, Cục Xuất bản, In, phát hành đã tham mưu cho Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/ NÐ-CP ngày 7/10/2020) Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Những điều chỉnh, bổ sung này đã góp phần tăng nặng chế tài xử phạt, góp phần răn đe, đẩy lùi vấn nạn in và PHS lậu, sách giả v.v...
Ba là, trong kỷ nguyên số, trong CMCN 4.0 trên thế giới cũng như ở nước ta, việc quản lý xuất bản phẩm trên mạng xã hội, mạng Internet, trong đó có vấn nạn quảng cáo hàng hóa lậu, sách lậu, hàng hóa giả - sách giả là vô cùng khó khăn, phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường và khó kiểm soát. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, TT&TT, VH-TT&DL… cần phối hợp thật chặt chẽ, đồng bộ để thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động in và PHS lậu, sách giả. Cần nâng mức phạt thật nặng, chế tài xử phát thật nghiêm, để răn đe các tình trạng vi phạm này.
Bốn là, trước vấn nạn sách giả, sách lậu hoành hoành như hiện nay, làm ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích kinh tế và uy tín, quyền lợi của các NXB ở nước ta; nhiều đơn vị xuất bản đã chủ động tìm cách tự bảo vệ mình, như: sử dụng các loại tem thông minh, tem nhiệt, tem 7 màu...
Bên cạnh đó, các NXB, đơn vị phát hành còn áp dụng tích hợp công nghệ để bảo vệ thị trường, kết nối các đơn vị làm sách - độc giả - đơn vị quản lý. Ngoài ra, một số NXB cũng tự tổ chức mạng lưới cộng tác viên để phát hiện, truy vết sách giả, sách lậu và báo cáo các cơ quan chuyên trách, để kịp thời xử lý.
Tuy vậy, Hội Xuất bản Việt Nam cần nghiên cứu, tập hợp ý kiến, kiến nghị của các NXB ở nước ta về việc đề xuất các giải pháp khả thi/hữu ích, căn cơ hơn, để góp phần hạn chế và từng bước đầy lùi vấn nạn sách lậu, sách giả, bảo vệ quyền lợi của tác giả, dịch giả, NXB cũng như bạn đọc (vì nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính như đã và đang làm hiện nay, thì hiệu quả sẽ không cao, không giải quyết được tận gốc của vấn đề).
Ngoài ra, việc ban hành văn bản pháp luật cần đồng bộ, tránh chồng chéo chức năng, gây khó khăn khi xử lý vi phạm v.v… Đồng thời đề nghị có đường dây nóng cung cấp thông tin về in lậu; đề xuất xây dựng kênh thông tin giúp độc giả nhận diện sách giả, sách lậu trên thị trường.
Năm là, đề nghị các thư viện ở nước ta nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp về việc mua, bổ sung sách báo tài liệu, tài nguyên thông tin cho thư viện. Các thư viện khi mua, bổ sung sách báo, tài nguyên thông tin cho thư viện cần cân nhắc, trước khi có ý định mua sách giả, sách lậu trên thị trường về cho thư viện, đừng vì chút lợi ích vật chất - tiền bạc chiết khấu cao của sách, mà mờ mắt, tặc lưỡi cho qua, cứ mua về kho thư viện, dẫn đến hệ lụy khó lường cho bạn đọc của thư viện.
Sáu là, Hội Thư viện Việt Nam và Hội Xuất bản Việt Nam, với vai trò của mình, cần phối hợp chặt chẽ hơn, để đề xuất mạnh mẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc kiến nghị các biện pháp mạnh để chống sách giả, sách lậu đang trở thành vấn nạn nhức nhối ở nước ta.
Trước mắt cả 2 Hội này cần tạo nên một chiến dịch truyền thông đủ mạnh, chung tay tẩy chay sách lậu, sách giả bằng cách tuyên truyền, vận động các thư viện và bạn đọc trong nhân dân, chỉ nên mua sách ở những nhà sách, hiệu sách uy tín, chất lượng. Chỉ khi độc giả và các thư viện ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, là bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, thì khi đó vấn nạn sách lậu mới được giải quyết dần dần và triệt để.
Cuối cùng, các công ty sách, các NXB nghiêm túc cần ngồi lại với nhau, phối hợp ra quân chống sách giả, sách lậu. Trong lúc đợi Nhà nước và các cơ quan chức năng có những biện pháp quyết liệt hơn, chính các NXB, các công ty sách cần bảo vệ mình. Bảo vệ mình tức bảo vệ các tác giả, các đối tác và bạn đọc của chúng ta. Việc quản lý xuất bản cần chặt chẽ hơn: từ khâu cấp phép, in ấn đến kiểm tra, phát hành (chỉ cấp đăng ký xuất bản khi đơn vị xuất bản cung cấp được đầy đủ tài liệu, văn bản hợp pháp chứng mình nguồn gốc, quyền hợp pháp trong in ấn, phát hành bản thảo) và xử lý triệt để các cơ sở, cá nhân vi phạm về in ấn - phát hành. Làm được như vậy, sẽ hạn chế vấn nạn sách lậu, sách giả./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)