Hiệu quả CĐS rõ nét nhất phải kể tới trong việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và đô thị thông minh (ĐTTM). Đối với việc xây dựng CQĐT, đến nay CĐS được triển khai ở tất cả các lĩnh vực điều hành quản lý như: Phát triển các hệ thống nền tảng CQĐT dùng chung của tỉnh gắn với xây dựng ĐTTM; tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Đồng thời, duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công (DVC) tỉnh với Cổng DVC quốc gia; Cung cấp các DVC trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3, 4 trên Cổng DVC tỉnh và cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động...
Cùng với đó, việc CĐS được triển khai mạnh mẽ gắn với việc phát triển ĐTTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2021, định hướng đến 2025 với 2 Dự án chính là Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTTM tỉnh Yên Bái và Dự án Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu ĐTTM.
Theo đó, dự án cơ sở hạ tầng ĐTTM tỉnh Yên Bái đến thời điểm hiện tại được xây dựng đã lắp đặt được 397/399 nút mạng truyền số liệu chuyên dùng, trong đó, 01 điểm chung được đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Tại Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng đã hoàn thành việc cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh sẵn sàng kết nối đến các đầu mối sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh… Dự kiến toàn bộ các hạng mục thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTTM tỉnh Yên Bái dự kiến được hoàn thành trong tháng 7/2021.
Đối với dự án Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu ĐTTM tỉnh Yên Bái đến nay cũng đã hoàn thành xây dựng kiến trúc ICT ĐTTM và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1820/QĐ-UBND ngày 19/8/2020 của UBND tỉnh. Còn lại, các hạng mục khác hiện đang lập hồ sơ thiết kế thi công đang thẩm tra. Dự kiến hoàn thành trong năm 2021…
Việc đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực xây dựng CQĐT và ĐTTM đã tạo ra sự đột phá mạnh mẽ, quan trọng trong công tác điều hành quản lý phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, khi các dự án thuộc lộ trình phát triển ĐTTM hoàn thành và đi vào hoạt động đồng bộ, sẽ giúp cho việc quản lý điều hành khoa học, nhanh chóng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho cả chính quyền và người dân, doanh nghiệp (DN) trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu ĐTTM tỉnh Yên Bái sẽ là bộ não với nhiệm vụ quản trị trung tâm dữ liệu tỉnh, giám sát điều hành an ninh trật tự, phản ánh hiện trường và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách hiệu quả nhất.
Không chỉ diễn ra trong lĩnh vực xây dựng CQĐT và ĐTTM, CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục… trong nhiều năm trở lại đây.
Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, từ lâu tỉnh Yên Bái đã quan tâm đến các giải pháp CĐS và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay đã trở thành xu hướng. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp Yên Bái đã từng bước số hóa, thông minh hóa sản xuất nông nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0 vào các khâu quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp với điều kiện của tỉnh. Người dân địa phương cũng đang dần thay đổi từ sản xuất thủ công, dùng sức người là chính sang phương thức canh tác mới, sử dụng máy móc, công nghệ để thay thế...
Điều này, không những đã giúp nông nghiệp của tỉnh Yên Bái thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo đó, Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13% (cao hơn bình quân chung của cả nước trên 2,1%). Cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu…
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái tiếp tục kế hoạch đẩy mạnh CĐS mới mục tiêu xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng CNTT - Truyền thông hiện đại, đồng bộ; ứng dụng CNTT sâu rộng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT; đảm bảo an toàn thông tin; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số... Các nỗ lực này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, cải thiện mối liên kết giữa chính quyền – người dân – doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao sự hài lòng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. ./.