Báo chí cần truyền tải sâu hơn các cam kết của Hiệp định CPTPP

Lan Phương| 19/03/2019 15:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiệp định CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và đây cũng là cơ hội để báo chí tìm hiểu kỹ nhằm truyền tải thông tin sâu hơn về Hiệp định CPTPP.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP

Đôi nét về Hiệp định CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 08/3/2018 tại thành phố Santiago, Chi Lê và có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực của tất cả các thành viên sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

CPTPP bao gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singarpore và Việt Nam.

Tại Diễn đàn “Báo chí - Cầu nối DN và Chính phủ” với chủ đề Báo chí, DN trong kỷ nguyên CPTPP tại Hội báo toàn quốc 2019 mới đây, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công thương cho biết tínhđến nay đã có 7 nước phê chuẩn CPTPP là Mehico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam.

Việt Namphê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/11/2018. Các nước còn lại tiếp tục hoàn thành thủ tục trong nước. Mục tiêu là tất cả phê chuẩn trong năm 2019.

Diễn đàn “Báo chí - Cầu nối DN và Chính phủ” với chủ đề Báo chí, DN trong kỷ nguyên CPTPP

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

CPTPP vẫn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ đối với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Cơ hội lớn cho các DN

Cũng theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, các DN sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP. Các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canađa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Ví dụ, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Australia cam kết cắt giảm 93% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, khoảng 2,9 tỷ USD); Canađa cam kết cắt giảm 94,9% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, khoảng 0,88 tỷ USD; Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, khoảng 10,5 tỷ USD v.v.

Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nữa nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam và vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017 về đánh giá định lượng các lợi ích và cơ hội của Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32% đến năm 2035. Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (GDP tăng thêm 2,01%).

Ngoài ra, theo nghiên cứu nghiên cứu “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam” được Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 5/3/2018, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030 trong bối cảnh các điều kiện kinh tế căn bản được giữ nguyên. Với giả định có sự tăng trưởng về năng suất, mức tăng GDP của Việt Nam khi có Hiệp định CPTPP có thể đạt 3,5%.

Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo báo cáo nói trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.

Sản phẩm điện tử do VNPT Technology sản xuất

CPTPP giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể. Với các nền kinh tế lớn trong khu vực, CPTPP được coi là một hiệp định FTA có quy mô lớn nhất trong số các hiệp định trong khu vực. Trong số đó, có một số thị trường tương đối lớn Việt Nam chưa có FTA như Canada và Mehico. Nhật Bản cũng là thị trường quan trọng và đã cam kết mở cửa cho Việt Nam ở mức cao hơn đáng kể so với các Hiệp định trước đây.

Cũng về các cơ hội do CPTPP mang lại, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, CPTPP mang lại hiệu ích rất to lớn cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp khi kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng, tham gia chuỗi sản xuất trong một loạt các lĩnh vực…

Không chỉ lợi thế về xuất khẩu, ông Võ Trí Thành cho biết: “Cơ hội không đơn thuần chỉ là xuất khẩu dựa trên lợi ích có sẵn. Tham gia vào CPTPP, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm hấp dẫn giới đầu tư kinh doanh thế giới. Các nước “chơi” với Việt Nam và thế giới cũng có thể “chơi” với Việt Nam. Các tập đoàn vào Việt Nam, các DN vừa và nhỏ có thể học hỏi, có tham gia chuỗi sản xuất, tham gia các công việc từ công việc hỗ trợ dịch vụ, kết nối dịch vụ… mở ra môi trường kinh doanh đầu tư. Theo đó, DN Việt cũng uy tín hơn…”.

Bên cạnh đó, CPTPP là chất xúc tác để Chính phủ thực sự là Chính phủ kiến tạo, phục vụ  lợi ích của DN, hỗ trợ tối đa cho DN và khu vực tài chính cũng có nhiều cải thiện…

Cơ hội cho báo chí tìm hiểu về CPTPP

Theo ông Võ Trí Thành, báo chí nên tìm hiểu kỹ, sâu hơn các cam kết của Hiệp định CPTPP, các xu hướng mới về thương mại đầu tư, dịch chuyển nhờ công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, thậm chí cần có những lớp đào tạo về các nội dung này.

Báo chí cũng cần lưu ý khi viết bài là nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các tổ chức, DN quan tâm đến báo chí vì đọc báo chí để có thông tin, nên báo chí không nên viết nửa vời, thiếu chính xác bởi nếu không họ sẽ có những quyết định, cải cách, chiến lược chính xác. Các bài viết cần viết với văn phong đơn giản trong kỷ nguyên CPTPP và thế giới biến đổi rất lớn.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn chia sẻ: Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại với nhiều tổ chức, cộng đồng, tuy nhiên, theo một công bố mới đây cho thấy các DN của chúng ta mới chỉ tận dụng được 40% lợi thế khi tham gia các hiệp định đó. Điều này cho thấy còn nhiều khó khăn cho DN khi tiếp cận cơ hội để phát triển.

Là một cơ quan báo chí hoạt động trong môi trường kinh tế nhiều biến chuyển hiện nay, bản thân chúng tôi cũng thấy mình phải nỗ lực để theo kịp sự phát triển với thực tiễn báo chí, thực tiễn kinh tế, khắc phục những hạn chế trong việc thiếu hiểu biết về chính sách kinh tế mới, tích cực hơn nữa trong chống tham nhũng, tích cực tuyên truyền các mô hình kinh tế hiệu quả…”- ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Đồng hành với Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm cùng các DN thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP “Về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020” cũng như Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Là tổ chức có sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội kết nối DN với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội; kết nối DN trong nước với DN trong nước và cả DN nước ngoài. Đó là những hoạt động khẳng định vai trò báo chí đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, là mối quan hệ 2 chiều, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau; khẳng định vai trò cầu nối giữa DN và Chính phủ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cần truyền tải sâu hơn các cam kết của Hiệp định CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO