Microsoft: 5 xu hướng về An ninh mạng 2020

Tuấn Trần| 15/02/2020 07:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Hàng năm, Microsoft chi hơn 1 tỷ USD cho các công tác phòng chống tội phạm mạng và hàng tháng, Microsoft scan hơn 470 tỷ email và 1,2 tỷ thiết bị nhằm tìm kiếm các malware và phishing. Qua đó, Microsoft đúc kết ra 5 xu hướng về an ninh mạng trong năm 2020.

Song song với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và mạng lưới Internet trong vòng một thập kỷ vừa qua là sự gia tăng không ngừng về số lượng cũng như mức độ ảnh hưởng của các cuộc tấn công mạng. Từ Stuxnet đến NotPetya, WannaCry và các loại mã độc khác, các cuộc tấn công đã trở nên phức tạp và tinh vi hơn nhiều.

Thiệt hại trung bình của một lần dữ liệu doanh nghiệp bị xâm nhập trái phép có thể lên đến 4 triệu USD, chính vì vậy, tăng cường an ninh bảo mật không gian mạng không còn là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp trên bình diện toàn cầu.

Hàng năm, Microsoft chi ra hơn 1 tỷ USD cho các công tác phòng chống tội phạm mạng và hàng tháng, Microsoft scan hơn 470 tỷ e-mail và 1,2 tỷ thiết bị nhằm tìm kiếm các malware và phishing ẩn lấp trong đó. Qua đó, Microsoft đã đúc kết ra 5 xu hướng về an ninh mạng trong năm 2020 như sau:

1. Vũ khí mới: Trí tuệ Nhân tạo - AI

Khả năng khai thác dữ liệu của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đã giúp ích nhiều trong cuộc chiến chống tội phạm mạng, bao gồm khả năng nhận biết và phát hiện những bất thường nhanh chóng và triệt để hơn, từ đó xây dựng các biện pháp đối phó hiệu quả với tội phạm mạng.

Tuy nhiên, không chỉ phục vụ cho mục đích tốt, trí tuệ nhân tạo - AI cũng có thể biến thành vũ khí lợi hại của những kẻ tấn công mạng trong việc tạo ra các phần mềm độc hại có thể dẫn tới những thiệt hại nặng nề hơn. Đối với mã độc mới, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để phát hiện ra chúng hơn, và điều đó đồng nghĩa với việc các mã độc này có nhiều thời gian để gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

Microsoft đã phát triển hệ thống bảo vệ trí tuệ nhân tạo - AI và máy học (Machine Learning - ML) dựa trên các yếu tố rủi ro, thay vì chỉ lần theo các phiên bản trước đây của mã độc. Việc hàng ngày xử lý 8 nghìn tỷ tín hiệu trên đám mây Microsoft Azure (một giải pháp đám mây - cloud tích hợp toàn diện được sử dụng để xây dựng, triển khai và quản lý các ứng dụng thông qua mạng lưới trung tâm dữ liệu toàn cầu của Microsoft. Các công cụ tích hợp, DevOps và một cộng đồng hỗ trợ xây dựng hiệu quả từ các ứng dụng di động đơn giản đến các giải pháp có quy mô lớn) cho phép Microsoft phản ứng với các mối đe dọa khởi phát gần như ngay lập tức.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào công nghệ thì người bảo vệ không thể đi trước đón đầu kẻ phá hoại. Các mã độc được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo - AI sẽ dễ dàng tránh được các quy trình chống mã độc dựa trên các dấu hiệu đặc trưng truyền thống. Do đó, Microsoft còn có hơn 3.500 chuyên gia bảo mật để theo dõi các cuộc xâm nhập, cũng như thực hiện đào tạo các cách thức bảo vệ dựa trên trí tuệ nhân tạo - AI và máy học - ML của riêng mình, nhằm đánh giá một loạt các yếu tố rủi ro, chứ không chỉ đơn thuần trên một phần mềm độc hại được phát hiện trước đó. Bên cạnh đó, Microsoft cũng chủ động làm việc chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia nhằm xác định, can thiệp và ngăn chặn hoạt động của các tổ chức tội phạm tạo ra phần mềm độc hại.

2. Hợp tác để bảo vệ chuỗi cung ứng

Với hơn 75 tỷ thiết bị di động (bao gồm Internet vạn vật - Internet of things - IoT) dự kiến được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2020, các lỗ hổng như phần mềm cũ, thiết bị không bảo mật và tài khoản quản trị viên mặc định có thể tiếp tay cho những kẻ tấn công xâm nhập vào hệ thống. Bên cạnh đó, vào năm 2022 - hơn một nửa dữ liệu doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ được tạo và xử lý ở vùng ngoại biên (edge), bên ngoài trung tâm dữ liệu hoặc đám mây.

Để chống lại nguy cơ này, các nhà cung cấp sẽ liên kết với nhau để bảo vệ khách hàng và chuỗi cung ứng của họ. Các giải pháp tích hợp cũng có thể cung cấp khả năng bảo vệ tăng cường - ví dụ: nền tảng Microsoft Identity bổ sung xác thực đa yếu tố cho 1,4 triệu ứng dụng, nhiều ứng dụng trong số đó, như ServiceNow, GoogleApps và Salesforce, được các doanh nghiệp sử dụng hàng ngày.

Trong tương lai, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều sự hợp tác trên phạm vi rộng hơn và chính thức hơn. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp công nghệ sẽ đặt khách hàng lên hàng đầu, đồng thời hiểu được sự phức tạp của chuỗi cung ứng hiện đại.

3. Mây hóa để tối ưu an ninh bảo mật  

Cho đến khi tất cả các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp bảo mật tốt nhất thì ngay cả những cuộc tấn công cơ bản như phishing vẫn luôn luôn là mối đe dọa, nhất là khi hiện nay các công ty đang có xu hướng tập trung vào việc nâng cao năng suất và sự linh hoạt cho nhân viên bằng việc cho phép sử dụng thiết bị cá nhân để xử lý công việc.

Các giải pháp độc lập hay máy chủ sở tại sẽ không thể là giải pháp bền vững cho các cuộc tấn công trực tuyến. Đám mây chính là chìa khóa thực sự, cung cấp các công cụ tăng cường an ninh cho doanh nghiệp như sức mạnh của trí tuệ nhân tạo - AI, hay các biện pháp bảo vệ như kiểm tra vị trí đăng nhập hoặc xác thực thứ cấp, mà không khiến lưu lượng truy cập bị ngắt quãng.

Hiện tại, hai phần ba doanh nghiệp đã sử dụng đám mây lai (Hybrid Cloud - một môi trường điện toán đám mây kết hợp, giao thoa giữa nền tảng private cloud được thiết kế riêng cho một tổ chức được cung cấp bởi 1 bên thứ 3, và các dịch vụ public cloud như Google hay Amazon) hoặc có kế hoạch triển khai trong tương lai gần. Với thị trường đám mây toàn cầu tăng trưởng hơn 40% trong năm 2019, đây sẽ là một xu hướng chắc chắn xảy ra trong năm 2020 này.

4. Mật khẩu sẽ dần biến mất và sự lên ngôi của Zero Trust

Trong năm 2019, hơn 4 tỷ hồ sơ đã bị tấn công do dữ liệu bị xâm nhập trái phép. Mật khẩu lỏng lẻo vẫn luôn là vấn đề báo động, đặc biệt là với những malware được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo - AI. Trong thực tế, 63% các hoạt động xâm nhập dữ liệu được xác nhận liên quan đến việc sử dụng các mật khẩu yếu, mật khẩu mặc định hoặc mật khẩu bị đánh cắp. 

Zero Trust (một mô hình bảo mật ngăn chặn chuyển động bên trong mạng công ty. Điều này có nghĩa là người dùng ở cùng cấp độ với đồng nghiệp của họ sẽ bị ngăn không có quyền truy cập tương tự nhau) sẽ là giải pháp trong tương lai. Giống như tên gọi của nó, các hệ thống Zero Trust không tự động tin tưởng bất cứ điều gì diễn ra bên trong phạm vi bảo vệ. Vì vậy, ngay cả khi các các truy cập đáng ngờ có thể vượt qua những bức tường lửa, chúng vẫn sẽ cần phải thực hiện các yếu tố xác thực bổ sung để tiếp cận các phần khác nhau trong hệ thống. 

Xác thực đa yếu tố (MFA- Multi-Factor Authentication) cho các doanh nghiệp có thể giúp giảm hơn 99,9% nguy cơ sử dụng danh tính trái phép. Bằng cách sử dụng sinh trắc học và các cách xác định bằng danh tính khác nhau, các tổ chức có thể tăng cường mức độ an toàn và hợp lý hóa trải nghiệm người dùng, đồng thời mở rộng quy mô mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư cá nhân.

5. Sự gia tăng của những cuộc tấn công có quy mô

Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hơn những cuộc tấn công mạng có quy mô lớn hoặc cực lớn và chủ đích tầm cỡ quốc gia, nhắm đến các hoạt động mang ý nghĩa chính trị và xã hội trên thế giới. 

Những cuộc tấn công này đa dạng dưới nhiều hình thức: thông qua các nền tảng mạng xã hội, các hoạt động thao túng, hoặc ở ngay dưới dạng phishing (giả mạo) cơ bản.

Để đối phó, Trung tâm Phân Tích Rủi Ro của Microsoft (Microsoft Threat Intelligence Center) đang theo sát hơn 110 các tổ chức tham gia các hoạt động tấn công mạng, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - Interpol (International Criminal Police Organization) để cũng phối hợp, giáo dục và hỗ trợ chặt chẽ với chính quyền địa phương.

Bài liên quan
  • 7 chiến lược ngăn chặn ransomware từ chuyên gia an ninh mạng
    Trong thời đại số hóa ngày nay, ransomware đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các doanh nghiệp (DN) và tổ chức trên khắp thế giới. Với khả năng gây ra thiệt hại nặng nề từ mất dữ liệu đến gián đoạn hoạt động kinh doanh, việc bảo vệ khỏi ransomware là một ưu tiên cấp bách.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Microsoft: 5 xu hướng về An ninh mạng 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO