Năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,96%

Vân Khánh| 14/05/2020 14:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả

Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh còn 4.975 hộ nghèo tiếp cận đa chiều (chiếm 1,46% tương đương với tỷ lệ giảm 0,65%), và 8.459 hộ cận nghèo. Trong đó, hộ nghèo thu nhập thấp chiếm 86,7% tổng số hộ nghèo tiếp cận đa chiều; hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chiếm 13,96% tổng số hộ nghèo tiếp cận đa chiều.

Qua rà soát, xác định chỉ số thiếu hụt cao nhất trong các tiêu chí giảm nghèo là nhà ở, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định số 33 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp", chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo đã huy động được sự quan tâm, chung sức của hệ thống chính trị và nhân dân.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.121 hộ nghèo, trong đó, có 881 nhà được xây dựng từ nguồn vận động hỗ trợ. Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở kịp thời đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Vĩnh Phúc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,96% trong năm 2020 - Ảnh 1.

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. (Ảnh: Dương Chung)

Ngoài ra, việc thực hiện chương trình tín dụng cho vay đối với hộ nghèo ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 178 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho con em đi học với tổng dư nợ trên 1.100 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh cũng có những chính sách đặc thù như hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có hơn 174 lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% tiền đóng BHYT; hơn 57 nghìn lượt người thuộc đối tượng chính sách được khám, cấp thuốc miễn phí, miễn, giảm viện phí; hơn 101.000 lượt hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ tiền điện.

Đặc biệt, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức từ 2 đến 3 cuộc đối thoại về chính sách giảm nghèo với người dân, người nghèo trực tiếp tại các xã khó khăn, xa trung tâm tỉnh với khoảng 1.000 người nghèo, cận nghèo, đối tượng khó khăn được trao đổi, giải đáp chính sách.

Vĩnh Phúc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,96% trong năm 2020 - Ảnh 2.

Những chính sách xóa đói giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã giúp nhiều hộ dân ở Vĩnh Phúc thoát nghèo. (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Phấn đấu năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,96%

Căn cứ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo tỉnh đã xây dựng các chỉ tiêu giảm nghèo năm 2020.

Các địa phương, các sở ngành liên quan đã ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho hộ nghèo năm 2020. Theo đó, mục tiêu là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 0,96%.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu năm 2020 có 3.303 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm là căn cứ để xây dựng mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cần xác định đây là trách nhiệm chính trị để có giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm. Lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể và tập trung quyết liệt để hoàn thành được các mục tiêu đã cam kết.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, tuyên truyền, vận động hộ nghèo tiếp cận với các nguồn lực. Đồng thời, rà soát đối tượng hộ nghèo để xây dựng chính sách, kế hoạch về nhu cầu vay vốn, nguồn vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cụ thể để giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,96%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO