50% đơn vị cấp phường tại Hà Nội có trang/cổng TTĐT trên cổng TT cấp quận

Trung Hiếu| 07/11/2019 19:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 1/12/2015, Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 5/12/2017 của HĐND Thành phố về Chương trình Mục tiêu Ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch Công nghệ Thông tin thành phố Hà Nội năm 2019.

Các mục tiêu chính trong việc ứng dụng CNTT của Hà Nội

Theo kế hoạch này, 100% UBND các xã, phường, thị trấn tại Hà Nội sẽ được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (giao ban trực tuyến) kết nối với UBND Thành phố và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác, sơ kết, tổng kết, tập huấn của Thành phố; phấn đấu 30% cuộc họp có nhiều thành phần tham dự để giải quyết công việc, họp giao ban định kỳ, các cuộc họp khác của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đến cấp xã được thực hiện trực tuyến; 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của Thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định. Đặc biệt, 50% các xã, phường, thị trấn tại Thành phố có trang/cổng thông tin điện tử trên cổng thông tin của quận, huyện, thị xã.

Ngoài ra, 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố dưới dạng điện tử (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định); Phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Phấn đấu thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; Tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng; Tập trung đầu tư phát triển từ 1 đến 2 khu CNTT tập trung trọng điểm; Từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh: Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, Giao thông và Du lịch thông minh.

Hoạt động ứng dụng CNTT hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử, Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành. Thành phố đã đầu tư hệ thống Họp trực tuyến đến cấp xã phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thành phố; đầu tư, thuê bổ sung hạ tầng kỹ thuật CNTT: Trung tâm dữ liệu chính, Trung tâm dữ liệu dự phòng, đường truyền, trang thiết bị CNTT.

Hà Nội cũng tiếp tục triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu, từng bước hình thành dữ liệu lớn (Bigdata); đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Tập trung những nhiệm vụ trọng tâm như: duy trì, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi làm nền tảng triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung gồm: Dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm. Triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ chỉ đạo, điều hành UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.

Triển khai các hệ thống thông tin quan trọng khác trong lĩnh vực: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Du lịch, Giao thông vận tải, Văn hóa và Thể thao, Xây dựng, Quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc,...

Thực hiện số hóa dữ liệu đảm bảo đồng bộ với việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Triển khai lắp đặt hệ thống Camera giám sát trên địa bàn quận, huyện, thị xã kết nối, chia sẻ các dữ liệu với Công an thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải theo hướng quản lý, điều hành tập trung.

Đối với ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ. Hà Nội đã nâng cấp, kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia; thống nhất liên thông 3 cấp của Thành phố và tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi văn bản giấy) giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố; với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời Thành phố cũng triển khai phần mềm đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội (theo Quyết định số 3814-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội).

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ chính, đã được Hà Nội triển khai. Trong đó, Thành phố tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động và triển khai mới các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Duy trì hoạt động hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố kết nối Cổng dịch vụ công Thành phố, từng bước kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Duy trì, nâng cấp, mở rộng các Trang/Cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố,... tại các quận, huyện, thị xã theo hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến dùng chung của Thành phố.

Đầu tư trang thiết bị CNTT tại bộ phận một cửa các cấp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai chung của Thành phố; Mở rộng triển khai biên lai điện tử tại các cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố Hà Nội; ứng dụng rộng rãi các dịch vụ thanh toán điện tử; Mở rộng triển khai liên thông dữ liệu đến tất cả các Chi cục Thuế và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo kế hoạch hành động giai đoạn 2017 - 2021 của UBND Thành phố.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là Thành phố đã tiếp tục ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị của Thành phố; hỗ trợ các đơn vị hiệp quản (Công an thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) phục vụ hoạt động quản lý và điều hành.

Cuối cùng, đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Năm 2019, Thành phố đã hoàn thành triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông theo chỉ tiêu, kế hoạch được UBND Thành phố giao; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; đào tạo sử dụng phần mềm dùng chung, dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả ngay các ứng dụng khi được triển khai; Đào tạo nâng cao, bổ sung các kỹ năng, công nghệ mới cho cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên theo hình thức đào tạo trực tuyến; hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của Thành phố bằng nhiều hình thức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận; Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, học tập kinh nghiệm về Thành phố thông minh cho đội ngũ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước tại một số nước có thành tựu trong xây dựng, phát triển Thành phố thông minh như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
50% đơn vị cấp phường tại Hà Nội có trang/cổng TTĐT trên cổng TT cấp quận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO