AI - Chìa khóa giúp DN logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa vận hành
Logistics, đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên toàn cầu, giúp tối ưu hoá chuỗi cung ứng và giảm thiểu các chi phí vận hành.
Do đó, đối với các công ty, doanh nghiệp (DN) logistics hàng đầu đang đầu tư mạnh mẽ các công nghệ số sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc quản lý kho hàng, tối ưu hóa tuyến đường và dự đoán nhu cầu,... và chính điều này đang tạo ra các bước tiến vượt bậc trong việc tự động hóa và tối ưu hóa logistics.
Và ở góc nhìn riêng đối với lĩnh vực này, các công ty, DN logistics Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức nào? đâu là cơ hội để bứt phá? các công nghệ tiên tiến AI có phải là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển,tối ưu hóa quy trình vận hành?...
Các DN cần xây dựng CSDL chất lượng cao, có định dạng, thuật toán, sạch
Luận giải cho những vấn đề trên, đồng thời, đưa ra khuyến nghị, báo cáo toàn diện về "Chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành Logistics" do FPT Digital vừa thực hiện đã phần nào sáng tỏ bức tranh chung.
Theo đó, báo cáo nhấn mạnh, ngành logistics thực sự có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu bởi: Tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; thúc đẩy đổi mới thông qua ứng dụng công nghệ; thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; quản lý chuỗi rủi ro cung ứng…
“Ngành logistics toàn cầu đang tạo ra tăng trưởng kép (CAGR) với tốc độ đạt khoảng 6,4% trong giai đoạn từ năm 2023 (tương ứng 9.407,5 tỷ USD) đến năm 2032 (15.978,2 tỷ USD)”, báo cáo FPT Digital cho biết.
Để làm được điều này trong xu thế số đang thay đổi, phát triển mạnh mẽ, ngành logistics đang được dẫn dắt thông qua việc sử dụng AI để: Tự động hoá và robot hoá; dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; logistic xanh và bền vững; máy bay không người lái… Việc sử dụng AI đã mang lại nhiều lợi ích quý giá, trong đó gia tăng được 70% việc tự động kinh doanh, quản lý, đưa ra các đề xuất để dự báo, dự đoán chính xác kết quả tương lai.
Hơn nữa, AI đã giúp kiến tạo chuỗi cung ứng hợp nhất giữa không gian mạng và không gian vật lý (thực hiện các quy trình phức tạp, dự đoán kết quả trong thế giới thực); tối ưu mọi giai đoạn chuỗi cung ứng (cải tiến hiệu quả, giảm lỗi của con người); xây dựng dữ liệu qua thời gian thực (phân tích, trích xuất thông tin đưa ra quyết định); giảm thời gian, chi phí hậu cần, tối đa hoá sự hài lòng của khách hàng; tham gia xuyên suốt chuỗi cung ứng và đóng vai trò quan trọng để tái định hình ngành logistics.
Báo cáo FPT Digital thực hiện khi khảo sát việc ứng dụng sử dụng AI đối với các DN logistics (năm 2022) ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, có 48 trong 600 DN logistics xác nhận bắt đầu thử nghiệm ứng dụng AI và 11% xác định AI là thiết yếu. Dự báo năm 2025, có 68% DN sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng AI trong các chức năng hoạt động vận hành logistics của ngành mình.
Cần thay đổi tư duy truyền thống sang môi trường số sử dụng công nghệ cao
Để tạo ra các bước tiến vượt bậc trong việc tự động hóa và tối ưu hóa logistics cũng như có thể chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, báo cáo FPT Digital đề xuất, các DN logistics Việt Nam cần: Trang bị cơ sở hạ tầng; làm sạch, chuẩn bị dữ liệu; bảo trì, nâng cấp.
Hơn nữa, các DN cần tạo dựng môi trường văn hoá làm việc số mà ở đó không có việc nhân viên không bị rào cản về: Tâm lý ngại thay đổi (thay đổi tư duy truyền thống sang môi trường số sử dụng công nghệ cao); thiếu kỹ năng chuyên môn; tuyển dụng (nhân lực có trình độ, kiến thức về AI). Đặc biệt, các DN cần xây dựng CSDL chất lượng cao, có định dạng, dạng thuật toán, sạch… bởi lẽ, thiếu dữ liệu chất lượng cao sẽ cản trở quá trình trình đưa ra quyết định dựa trên AI.
Quan trọng nữa, các DN cần bảo mật dữ liệu để không bị tình trạng lộ lọt thông tin khách hàng, đối tác.
DN cũng cần xây dựng, có lộ trình cụ thể để ứng dụng AI khả thi gồm: Xác định vấn đề cần dùng AI để giải quyết và đánh giá khả năng áp dụng; thiết lập tiêu chuẩn quản trị dữ liệu; xây dựng mạng lưới đối tác (đối tác công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ, chuyên gia).
Đặc biệt, các DN cần đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện AI có lộ trình cụ thể, bao gồm: Có mục tiêu và định hướng của ban lãnh đạo DN trong việc sử dụng AI để nâng cao hiệu quả kinh doanh, vận hành và quản trị ; có các use case tiêu biểu và thông lệ tốt nhất của ngành trong việc ứng dụng AI; hiện trạng về cơ chế hoạt động và quản trị dữ liệu tại DN; có mức độ sẵn sàng về tài chính, nhân lực, hệ thống và dữ liệu DN.
Cũng theo FPT Digital, hiện tại, đa phần các DN logistics tại Việt Nam có quy mô nhỏ và nguồn lực tài chính còn hạn chế trong khi CĐS và áp dụng AI đòi hỏi đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự, điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các DN vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI sẽ là chìa khóa giúp các DN logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quy trình vận hành, chủ động để phát triển bền vững.
Cần lựa chọn kỹ mô hình ứng dụng công nghệ
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Lê Thanh Phương, Khoa Kinh tế và Quản lý, trường Đại học Thủy lợi cho biết, ở Việt Nam hiện có khoảng 4.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa (trong đó, khoảng 1.300 DN hoạt động tích cực), tuy nhiên, đa số là vừa và nhỏ, chỉ 1% là DN lớn. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp.
Và để chủ động phát triển, DN Việt Nam cần có sự hợp tác giữa các DN, chính phủ và các tổ chức liên quan. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và khả năng của người lao động để sử dụng và điều hành các hệ thống AI trong logistics cũng là một yếu tố quan trọng.
Đặc biệt, DN Việt Nam cần xây đẩy mạnh việc xây dựng được chiến lược CĐS, mục tiêu CĐS và lộ trình CĐS cho chính DN mình; xác định rõ các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình ứng dụng công nghệ vào DN; lựa chọn kỹ mô hình ứng dụng công nghệ; đảm bảo quá trình chuyển đổi hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số…
Theo PGS.TS Phan Tố Uyên, trường ĐH Thuỷ Lợi, việc đầu tư công nghệ, thay đổi phương pháp quản lý sẽ giúp các DN logistics tăng sức cạnh tranh công bằng với các đối thủ nước ngoài. Đặc biệt, với các DN logistics nhỏ và siêu nhỏ, cần tích cực tham gia vào các thị trường ngách, quy mô nhỏ, chủng loại hàng đơn giản để phục vụ các DN bán lẻ, các cá nhân kinh doanh TMĐT trên mạng xã hội hoặc các nền tảng ứng dụng di động.
Các DN cần đẩy mạnh việc hỗ trợ tư vấn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ CĐS; chú trọng xây dựng nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics, kết nối các các bên liên quan trong chuỗi; chia sẻ dữ liệu; xây dựng hệ sinh thái kho vận số…
“Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ các DN logistics thông qua: ban hành chính sách, pháp lý, thuế, vốn; chú trọng đầu tư hạ tầng số; hướng dẫn DN áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh trên nền tảng ứng dụng CNTT…”, PGS.TS Phan Tố Uyên cho biết./.