AI có thể thúc đẩy ngành bán lẻ tại Đông Nam Á?

TH| 18/02/2020 16:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại những thay đổi quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người. Trong đó, ngành bán lẻ cũng đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ áp dụng các tính năng mới dựa trên nền tảng công nghệ này.

Những năm gần đây có thể được xem là năm lên ngôi của công nghệ tìm kiếm bằng hình ảnh dựa vào AI.

Các công cụ nhận diện hình ảnh sẽ giúp các thương hiệu nắm bắt được các ý kiến phản hồi về sự trải nghiệm của khách hàng để có những bước điều chỉnh phù hợp về giá cả, kiểu dáng… của hàng hóa. Còn người tiêu dùng cũng được hưởng lợi đáng kể, họ có thể lựa chọn và mua sắm nhiều món hàng từ nhiều nguồn khác nhau và sau đó nhận chúng tại nhà.

Các cửa hàng không còn hoạt động độc lập mà có sự kết nối giữa các thương hiệu và cửa hàng với những điểm tương tác kỹ thuật số sử dụng các công nghệ gương tương tác mà các thương hiệu bán lẻ quốc tế lớn như Burberry đang thử nghiệm.

Amazon đang dẫn đầu thế giới về mua sắm trực tuyến, tại đó có hầu hết mọi thứ bạn muốn và chỉ cần một cú click chuột là xong. Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến cung cấp nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng - từ các thương hiệu khác nhau đến mức giá và vị trí - tất cả đều có sẵn trên một trang giúp người dùng dễ dàng xem và lựa chọn.

Tại Đông Nam Á, công ty thương mại điện tử nổi tiếng Lazada mặc dù mới tròn 8 tuổi nhưng đã có tài sản ròng trị giá 4 tỷ USD.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) trực tuyến đã phát triển bùng nổ. Để thu hút cả người bán lẫn người mua, nhiều sàn TMĐT đang phát triển thêm những ứng dụng, dịch vụ mới nhằm giúp người bán dễ tiếp cận khách hàng còn người mua có thêm nhiều lựa chọn khi tìm kiếm sản phẩm.

Đầu tháng 10/2019, Lazada đã công bố kế hoạch và chiến lược trọng tâm - đầu tư vào công nghệ, logistics cũng như gia tăng trải nghiệm và quyền lợi của cả người mua và nhà bán hàng. Cụ thể là ra mắt dịch vụ Điểm nhận hàng cùng dịch vụ giao hàng nhanh 2 giờ. Về việc mở rộng hình thức thanh toán, Lazada đang xây dựng mối quan hệ đối tác với nhiều nhà phát hành thẻ như Mastercard, JCB để thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt.

Tương tự, Shopee cũng kết hợp việc mua sắm trực tuyến cùng các trò chơi giải trí độc đáo, thú vị. Ngoài ra, hãng còn tập trung đầu tư cho các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh thông qua các đại sứ thương hiệu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng Việt yêu thích.

Shopee cũng cung cấp hệ thống thanh toán không tiền mặt (thẻ ATM (thẻ ghi nợ nội địa), thẻ tín dụng, và Ví AirPay) vừa nhanh chóng, tiện lợi vừa đảm bảo được tính an toàn, bảo mật.

AI trong bán lẻ

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Microsoft châu Á và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) châu Á/Thái Bình Dương có tiêu đề “Doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai: Đánh giá ngành bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương với AI”, tiết lộ rằng các doanh nghiệp bán lẻ trong khu vực mong muốn AI sẽ cải thiện 5 vấn đề chính: sự tham gia của khách hàng, kinh doanh thông minh, tỷ suất lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và đổi mới.

Những lợi ích mà AI mang lại cho lĩnh vực bán lẻ (Nguồn: Microsoft Asia)

Nghiên cứu cho thấy các công ty đang ứng dụng AI đã có sự cải thiện trung bình 16 - 29% 5 vấn đề trên và dự kiến sẽ cải thiện thêm 37 - 44% vào đầu năm 2021.

Ông Raj Raguneethan, Trưởng nhóm kinh doanh bán lẻ và hàng tiêu dùng của Microsoft châu Á, cho biết: “Để duy trì tính cạnh tranh, cần phải chuyển đổi sang bán lẻ thông minh để dễ dàng bổ sung, thuận tiện, cá nhân hóa và tự động hóa đối với các quy trình và hoạt động kinh doanh, trải nghiệm của khách hàng cũng như chính các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp”.

Theo ông, điều này có thể được thực hiện bằng cách chuyển sang các công cụ đám mây và AI như là mô liên kết cơ bản để số hóa và chuyển đổi kinh doanh.

Công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Singapore, Trakomatic, đã đầu tư vào các giải pháp AI nhằm đưa tiếp thị cá nhân hóa lên một cấp độ hoàn toàn mới. Một khách hàng đã đăng ký với Trakomatic sẽ được nhận dạng ngay khi vào một trung tâm mua sắm, nhờ vào AI và các công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Sau đó, giải pháp này sẽ gửi cho khách hàng một tin nhắn văn bản được cá nhân hóa, ví dụ như giới thiệu huấn luyện viên nếu họ là những người đam mê thể thao. Trên đường đi, biển báo kỹ thuật số sẽ biết khi nào người đó tới gần và thay đổi nội dung cho phù hợp với nhu cầu. Khi khách hàng vào cửa hàng, hệ thống sẽ thông báo cho nhân viên dịch vụ thông qua thiết bị của họ, để giúp nhân viên nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa hoặc các ưu đãi, giảm giá nếu có.

Năm 2019, ba thương hiệu bán lẻ hàng đầu Singapore là Pick & Go, Octobox và OMO Store đã lần đầu công bố kế hoạch triển khai các cửa hàng tự động, không có nhân viên. Theo đó, mỗi khách hàng sẽ được lập một tài khoản, khi đến mua sắm, người dùng đặt bàn tay vào máy quét, khi chọn xong hàng cần mua, họ ra khu vực thanh toán để thiết bị RFID nhận diện mặt hàng và đặt tay vào máy quét một lần nữa để thanh toán bằng ví điện tử.

“Ngay cả khi TMĐT đang phát triển, người tiêu dùng vẫn muốn chạm và cảm nhận sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp đang tìm cách kết hợp vật lý và kỹ thuật số để giảm bớt số lượng cửa hàng trên hệ thống của mình, thu hút người tiêu dùng qua nhiều kênh khác nhau, góp phần tăng doanh số bán hàng của họ”, Shaun Kwan, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (COO) tại Trakomatic cho biết.

Qua nhiều năm, Trakomatic đã phát triển công nghệ để thu thập và phân tích các luồng dữ liệu của người mua hàng một cách an toàn, đồng thời hợp tác với Microsoft để mang đến các trải nghiệm bán lẻ kỹ thuật số và ngoại tuyến tích hợp.

Có thể thấy, xu hướng mua sắm trên toàn cầu không ngừng biến đổi và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang thử nghiệm những công nghệ khác nhau nhằm khai thác tối đa các lợi ích mà chúng mang lại.

Thị trường mua sắm trực tuyến tại ASEAN hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhưng bán lẻ truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển song hành. Các trung tâm thương mại hiện cung cấp nhiều trải nghiệm tiên tiến cho người tiêu dùng như thiết kế các trung tâm thể thao trong nhà, không gian xanh và cửa hàng ẩm thực để tạo sự khác biệt với các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Việc ứng dụng AI tại các trung tâm mua sắm có thể mang lại những cơ hội và doanh thu mới đáng kể cho các trung tâm này nhằm theo kịp sự bùng nổ theo cấp số nhân của mua sắm trực tuyến hiện nay. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của các nhà bán lẻ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến và giải quyết khó khăn trong việc thuê nhân công.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI có thể thúc đẩy ngành bán lẻ tại Đông Nam Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO