AI thúc đẩy ngành công nghiệp fintech tại Philippines

Ngọc Diệp| 04/08/2022 17:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý dữ liệu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh sẽ thúc đẩy ngành công nghệ tài chính (fintech) của Philippines.

Thúc đẩy bao trùm tài chính

Hiện nay, fintech được xem như một động lực để thúc đẩy bao trùm tài chính trên toàn cầu. Hoạt động mua bán và sáp nhập fintech đạt mức cao mới là 348,5 tỷ USD vào năm 2021, trong khi đầu tư tư nhân vào fintech cũng đạt mức cao đáng kể. Philippines cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Trong gần 3 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19 và tỷ lệ sử dụng Internet gia tăng, quá trình số hóa ở Philippines đã tăng tốc nhanh chóng. Người dân Philippines dần trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến và chấp nhận điều kiện "bình thường mới" được thúc đẩy bởi các công nghệ số.

Chính nhờ cú hích từ đại dịch, ngành công nghiệp fintech của Philippines đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Nó đã thúc đẩy người tiêu dùng Philippines chấp nhận các công nghệ số, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán điện tử và thương mại điện tử, và các hoạt động kinh tế khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trên môi trường trực tuyến.

Kể từ khi quốc gia này lần đầu tiên triển khai hệ thống tiền điện tử, hiện đã có 20 triệu người dùng đã đăng ký và hơn 63.000 DN đối tác chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử.

Theo Robocash Group, từ năm 2016 đến năm 2021, giá trị thị trường fintech của Philippines đã tăng 224%, từ 3,4 tỷ USD lên 11 tỷ USD.Số lượng các công ty fintech tại Philippines đã tăng từ 126 lên 222 công ty kể từ năm 2016. Trung bình mỗi năm có khoảng 15 - 20 công ty khởi nghiệp mới, trong khi 10 - 15 công ty đóng cửa, do không trụ được trước sự cạnh tranh khốc liệt. Trong đó, các phân khúc ví di động, thanh toán trực tuyến và chuyển khoản ngân hàng có mức tăng trưởng lớn nhất.

Số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ fintech đã tăng từ 1,7 triệu người vào năm 2016 lên 54,1 triệu người vào năm 2021. Mức độ thâm nhập của các dịch vụ fintech đạt 48,7% vào năm 2021, khiến gần như mỗi giây đều có ít nhất một dịch vụ fintech được người dân Philippines sử dụng, vì vậy, fintech đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày và các hoạt động kinh doanh.

Theo Provenir, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý dữ liệu hiệu quả với các hoạt động của DN có thể châm ngòi cho cuộc cách mạng fintech của Philippines nhằm thay đổi ngành công nghiệp này.

"Đại dịch và những hạn chế của nó đã dẫn tới việc sử dụng gia tăng đột biến các dịch vụ kỹ thuật số ở nhiều thế hệ và đòi hỏi các DN phải tự thích ứng với tốc độ rất cao", Tổng giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của Provenir Bharath Vellore cho biết.

Để trở thành một phần của sự tăng trưởng này, các tổ chức, DN dự kiến sẽ mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng trong tương lai gần để đa dạng hóa nguồn doanh thu mới, điều chỉnh hành trình của khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Tương lai của ngành công nghiệp fintech

Chia sẻ tại diễn đàn "Fintech: Cuộc cách mạng của người dân Philippines" (FinTech: A people's revolution in the Philippines), ông Bharath Vellore, Tổng giám đốc khu vực APAC của Provenir, cho biết tương lai của fintech là sự chuyển đổi của bất kỳ DN nào sang fintech. Ông tuyên bố rằng ứng dụng AI trong fintech sẽ làm đa dạng hóa các sản phẩm và các khả năng, đồng thời mở ra cánh cửa số hóa các ngành công nghiệp giàu tín dụng. Khi đưa ra các đề nghị cá nhân hóa cho khách hàng, sự nhanh nhẹn và tốc độ trong việc tùy chỉnh là những yếu tố quan trọng hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng.

Do tốc độ đổi mới nhanh chóng trong ngành công nghiệp fintech, việc cân bằng giữa trách nhiệm và an toàn với việc duy trì sự nhanh nhạy và tốc độ của các giao dịch số cho cả DN và người tiêu dùng ngày càng trở nên phức tạp.

Việc ứng dụng AI có thể giúp chuyển đổi khối lượng lớn dữ liệu thành những thông tin có giá trị, như các mô hình người tiêu dùng hỗ trợ phát hiện gian lận và đánh giá rủi ro DN, cũng như cách AI phát hiện gian lận nhanh chóng, hiệu quả.

Theo Vellore, AI giúp các công ty xác định các mô hình dữ liệu mới cho phép họ tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn. Không chỉ vậy, AI còn có thể tiết kiệm chi phí giao dịch, tăng cường quản lý dữ liệu và thúc đẩy năng suất của nhân viên.

Các siêu ứng dụng: mang lại nhiều lợi ích cho người dùng

Trước sự bùng nổ của các giải pháp fintech phục vụ cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau, 77% tổ chức tài chính đã đặt sự đổi mới làm trọng tâm để tăng cường giữ chân khách hàng. Ngày nay, AI đã trở thành một trong những tính năng của các ứng dụng dành cho thiết bị di động, như đăng ký khách hàng thông qua nhận diện khuôn mặt.

Không những vậy, AI có thể tiết lộ các biến số phức tạp và bất ngờ mà những phân tích thủ công không thể làm được. Nó có thể "tư vấn cho các nhà quản lý về cách sử dụng thông tin để tối đa hóa lợi nhuận".

"Thông qua AI, ví điện tử không chỉ là một kênh để thanh toán hóa đơn mà giờ đây còn là một ngân hàng, và nó chứa cả danh mục đầu tư, bảo hiểm của bạn,..." Vellore cho biết.

Năm ngoái, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines đã đưa ra lộ trình quốc gia về AI, trong đó đặt mục tiêu đưa Philippines trở thành một trong 50 quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới về phát triển AI. Theo đó, Philippines sẽ là một cường quốc về AI ở Đông Nam Á và tận dụng AI để thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu của các DN địa phương.

Fintech, nếu được triển khai đúng cách, có tiềm năng thúc đẩy không chỉ Philippines mà toàn bộ khu vực ASEAN bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi số./.

Bài liên quan
  • Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong báo chí hiện đại
    Trí tuệ nhân tạo đang mở ra những cơ hội mới cho báo chí, từ việc nâng cao chất lượng nội dung đến việc tăng cường tác động xã hội. Nó giúp tăng cường hiệu suất làm việc, giảm bớt gánh nặng công việc thủ công và tạo điều kiện để nhà báo tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo và phân tích…
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI thúc đẩy ngành công nghiệp fintech tại Philippines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO