ASEAN nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực

TH| 23/04/2019 15:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEMR) lần thứ 25 diễn ra ngày 22-23/4 tại Phuket, Thái Lan, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thái Lan đã đưa ra 13 mục tiêu đầy tham vọng để đạt được hội nhập khu vực.

Các mục tiêu do Thái Lan đưa ra tập trung vào 3 trụ cột: hỗ trợ ASEAN chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR); tăng cường kết nối ASEAN thông qua thương mại, đầu tư và du lịch; và cho phép phát triển kinh tế bền vững trong ASEAN.

Bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết hai trong số các mục tiêu chính sẽ được thảo luận tại AEMR là kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và hoàn thành hệ thống thương mại Một cửa ASEAN (ASW - Asean Single Window) cho tất cả 10 nước thành viên ASEAN.

Nếu hoàn tất đàm phán, RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử, bao gồm các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN. Tổng GDP của các nước RCEP chiếm tới 28% tổng GDP và 30% giá trị thương mại toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan, trong năm 2017, có tới 60% hàng xuất khẩu của Thái Lan được chuyển sang các quốc gia RCEP.

Trong khi đó, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) cũng là một vấn đề ưu tiên của Thái Lan nhằm bảo đảm tất cả 10 nước ASEAN sử dụng hệ thống này vào cuối năm nay. ASW sẽ kết nối các nước thành viên ASEAN thông qua hệ thống trao đổi tài liệu thương mại điện tử nhằm đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa và thương mại xuyên quốc gia.

Theo đó, ASW được sử dụng để số hóa bản chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. ASW có khả năng rút ngắn thời gian mà hàng hóa phải chờ ở các biên giới từ 10 ngày xuống chỉ còn 1-3 ngày.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, tại chương trình nghị sự của hội nghị lần này, các Bộ trưởng còn ký kết hai văn kiện quan trọng, đó là Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) và Nghị định thư thứ 4 sửa đổi Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

Các thành viên ASEAN đã hoàn tất các cuộc đàm phán về hai văn kiện này trong cuối năm 2018. Hiệp định ATISA có ý nghĩa tăng cường và làm sâu sắc hội nhập các thị trường dịch vụ ASEAN và đưa ra các cam kết liên quan đến thương mại dịch vụ, tạo ra một môi trường tự do, ổn định và tin cậy cho các nhà cung ứng dịch vụ trong khu vực.

ATISA sẽ thay thế cho các thỏa thuận dịch vụ hiện tại được ký kết năm 1995 và dự kiến sẽ giảm bớt các trở ngại thương mại dịch vụ. Hiệp định này sẽ giúp tăng trưởng dịch vụ trong ASEAN, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch, khách sạn, nhà hàng, xây dựng, hội nghị và triển lãm.

ATISA bao gồm các nguyên tắc như cải thiện những quy định để tăng cường hiệu suất của ngành dịch vụ, tăng cường tính minh bạch về quy định của Chính phủ cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Bên cạnh đó, Nghị định thư thứ tư sửa đổi ACIA sẽ giải quyết vấn đề của các chính phủ trong việc đặt ra một số điều kiện nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường hơn nữa đầu tư trong khu vực. ACIA không chỉ bao gồm các nhà đầu tư ASEAN mà còn cả các nhà đầu tư có trụ sở tại các nước ASEAN, giúp cho khu vực này trở nên cạnh tranh hơn với đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, 4IR cũng là ưu tiên kinh tế quan trọng của ASEAN trong năm 2019, do đó, Hội nghị thảo luận về những gì ASEAN có thể làm với tư cách là một cộng đồng kinh tế để đáp ứng những thách thức của 4IR. Một mục tiêu 4IR quan trọng đang tiến triển thuận lợi hiện nay là việc soạn thảo Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIFAP) với chương trình Hội nhập Kỹ thuật số trong vòng 12 – 18 tháng tới. Bản dự thảo DIFAP sẽ được thảo luận tại AEMR lần thứ 25.

Đại diện khu vực tư nhân mong muốn nhìn thấy những tiến bộ rõ rệt trong các cuộc đàm phán RCEP và ASW sau Hội nghị AEMR lần này. Theo họ, Thái Lan nên thúc đẩy việc hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt. Hiệp định này sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Yunyong Thaicharoen, Phó Chủ tịch điều hành thứ nhất và là người đứng đầu Trung tâm thông tin kinh tế - Ngân hàng thương mại Siam, tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng sẽ thấy kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán thương mại”

Quan hệ thương mại chặt chẽ hơn có lợi cho sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, đặc biệt là nếu lợi ích của các bên liên quan được xem xét khi các hiệp định thương mại này đang được đàm phán.

Ông Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết, chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự phát triển của ASW cho tất cả các thành viên ASEAN nhằm tạo sự thuận lợi kinh doanh cho các công ty xuất khẩu tại khu vực ASEAN.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO