Chuyển đổi số

Bài học kinh nghiệm về triển khai ID số tại một số quốc gia

Anh Minh 13/11/2024 15:16

Các chuyên gia đều nhấn mạnh việc áp dụng thành công hệ thống ID số phụ thuộc vào tính minh bạch, quyền kiểm soát dữ liệu của người dùng và sự hợp tác với khu vực tư nhân để đảm bảo sự đổi mới phù hợp với các tiêu chuẩn của chính phủ.

Nghiên cứu năm 2023 của các nhà lãnh đạo chính phủ số trong Diễn đàn Chính phủ Toàn cầu (Global Government Forum - GGF) đã xác định hệ thống nhận dạng số (ID số) là yếu tố thiết yếu để cung cấp các dịch vụ công liền mạch và lấy công dân làm trung tâm. Tuy nhiên, nhiều chính phủ vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai kế hoạch ID số do lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư.

1134-scaled.jpg
Hệ thống ID số là yếu tố thiết yếu để cung cấp các dịch vụ công liền mạch và lấy công dân làm trung tâm. Ảnh minh họa

Estonia: Hệ thống ID số giúp tiết kiệm thời gian cho người dân nhờ giảm bớt thủ tục giấy tờ và biểu mẫu

Tại một hội thảo trực tuyến gần đây do GGF tổ chức, các chuyên gia đến từ châu Âu và Mỹ đã chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc triển khai ID số và các bước phát triển tiếp theo cho công nghệ này. Trong khi một số quốc gia vẫn tranh luận về ID kỹ thuật số, thì những nước khác đã triển khai thành công hệ thống này nhờ vào niềm tin của người dân và giá trị rõ ràng mà ID số mang lại.

Estonia là một ví dụ điển hình với hệ thống ID kỹ thuật số đã hoạt động hơn 20 năm. Khoảng 10 năm trước, nước này còn triển khai chương trình cư trú điện tử cho doanh nhân nước ngoài, cho phép họ thành lập doanh nghiệp (DN) và truy cập các giải pháp thanh toán, ngân hàng trên toàn Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cung cấp chữ ký số (CKS).

Katrin Vaga, Giám đốc Quan hệ Công chúng Quốc tế của Dự án Cư trú Điện tử (E-Residency Project) thuộc Cơ quan Đầu tư Estonia (Estonian Investment Agency), chia sẻ rằng hệ thống ID số đã giúp Estonia “gần như loại bỏ hoàn toàn nạn quan liêu”. Bà cho biết hệ thống này tiết kiệm cho mỗi người dân khoảng 5 ngày/năm nhờ giảm bớt thủ tục giấy tờ và biểu mẫu.

Hiện Estonia đang phát triển giải pháp cho người nước ngoài quan tâm đến chương trình cư trú điện tử và chuẩn bị áp dụng ví kỹ thuật số của EU. Mục tiêu là giữ vững mức độ bảo mật và bảo vệ dữ liệu tương tự như ID số của Estonia, đồng thời tạo thuận lợi cho người dùng.

Phần Lan: Khu vực công và tư cùng phối hợp triển khai chương trình ID số quốc gia

Phần Lan cũng có chương trình ID số quốc gia do khu vực công và tư nhân phối hợp thực hiện, bao gồm các ngân hàng Phần Lan, nhà mạng và chính phủ.

Ông Teemu Kääriäinen, cố vấn cấp cao về CNTT khu vực công của Bộ Tài chính Phần Lan, cho biết: “Cách tiếp cận này đã cho phép chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái ID điện tử quốc gia mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho cả khu vực công và tư nhân đang số hóa các dịch vụ của họ”.

“Chúng tôi thực sự thấy điều quan trọng là các giải pháp nhận dạng số được phát triển cả cho khu vực công và tư nhân”, ông Teemu Kääriäinen nói.

Phần Lan không chỉ chú trọng phát triển nhận dạng số cho công dân mà còn mở rộng cho các doanh nghiệp (DN). Hệ thống này cũng cho phép cá nhân có thể đại diện cho những người gặp khó khăn trong việc tự truy cập danh tính và dịch vụ số, chẳng hạn như trẻ vị thành niên, người cao tuổi, hoặc người khuyết tật.

Về các yếu tố thành công khác, ông Kääriäinen lưu ý rằng “niềm tin vào khu vực công ở các nước Bắc Âu và vùng Baltic nhìn chung rất cao” và đây là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp nhận dạng số.

Ông lưu ý: “Chúng tôi hiểu rằng điều này không thể áp dụng đồng nhất cho mọi quốc gia, và không có giải pháp ID số nào có thể phù hợp với tất cả. Mặc dù chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc triển khai ID số với mức độ bảo mật, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cao nhất, điều quan trọng là phải cân bằng hợp lý giữa tính dễ sử dụng và tính bảo mật. Chúng tôi nhận thấy rằng khả năng sử dụng là yếu tố then chốt để ID số được chấp nhận rộng rãi, và điều này cần được xem xét kỹ khi xác định các tiêu chuẩn".

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép người dùng lựa chọn, thay vì áp đặt một giải pháp duy nhất.

Giống như Estonia, Phần Lan hiện đang nghiên cứu về khả năng tương tác xuyên biên giới, bao gồm việc triển khai các bản cập nhật quy định eIDAS (Electronic Identification, Authentication and Trust Services) của EU. eIDAS là một quy định của EU nhằm thúc đẩy và quản lý các dịch vụ nhận dạng, xác thực và tạo niềm tin cho các giao dịch điện tử trong toàn EU.

Quy định eIDAS cho phép công dân và DN ở châu Âu sử dụng các phương tiện nhận dạng điện tử của quốc gia mình để truy cập dịch vụ công và tư nhân xuyên biên giới trong EU. Đồng thời, nó đặt ra các tiêu chuẩn cho các dịch vụ tin cậy như chữ ký điện tử, con dấu điện tử và xác thực website, nhằm đảm bảo tính hợp pháp và an toàn cho các giao dịch điện tử.

Bản sửa đổi eIDAS, được gọi là eIDAS 2.0, giới thiệu Ví nhận dạng kỹ thuật số châu Âu (European Digital Identity (EUDI) Wallet), cho phép người dùng lưu trữ và quản lý thông tin nhận dạng cá nhân như ID quốc gia, giấy phép lái xe hoặc bằng cấp và chia sẻ thông tin đó một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ công và tư trên toàn EU.

“Chúng tôi coi việc sửa đổi quy định eIDAS và Ví EUDI là một sáng kiến rất quan trọng nhằm thúc đẩy khả năng tương tác xuyên biên giới của danh tính kỹ thuật số ở EU”, ông Kääriäinen chia sẻ.

Vào tháng 4/2024, Bộ Tài chính Phần Lan đã khởi xướng dự án eIDAS quốc gia, giao nhiệm vụ cho cơ quan kỹ thuật số của chính phủ triển khai ví khu vực công của Phần Lan.

Ông Kääriäinen cho biết: “Dự án thực sự đang tiến triển rất tốt. Ví dụ, thông qua việc tham gia tích cực vào các chương trình thí điểm xuyên biên giới, chúng tôi hiện đã có sẵn một bản ví demo hoạt động phù hợp với các thông số kỹ thuật mới nhất từ nhóm chuyên gia eIDAS”.

entrust-1.jpg
Phần Lan ủng hộ mạnh mẽ việc triển khai ID số với mức độ bảo mật, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cao nhất. Ảnh minh họa

Ông cũng nhấn mạnh: “Mặc dù trọng tâm của chúng tôi là ở EU, nhưng không có lý do gì để loại trừ khả năng mở rộng danh tính kỹ thuật số có thể tương tác sang các khu vực ngoài EU. May mắn thay, Ủy ban châu Âu (EC) đã tích cực tham gia thảo luận với các đối tác ở Mỹ và Canada. Chúng tôi cũng coi khuyến nghị về nhận dạng số của OECD là động lực quan trọng để thúc đẩy khả năng tương tác trên quy mô rộng hơn, không chỉ giới hạn trong EU”.

Na Uy: Đề xuất hệ thống nhận dạng thống nhất

Ông Raffaele Angius, cố vấn cấp cao và quản lý sản phẩm trong đội ngũ chuyên gia về nhận dạng của Cục Di trú Na Uy, cho biết "nhận dạng số đã có ở Na Uy”. Ông chia sẻ: "Nó giúp cuộc sống hàng ngày của chúng ta trở nên đơn giản hơn".

Ông Angius giải thích sự khác biệt giữa các ID số thương mại như BankID ở Na Uy, được thiết kế cho các dịch vụ cụ thể, và các ID truyền thống do chính phủ cấp như thẻ ID, vốn chỉ dùng để xác minh danh tính mà không trực tiếp cho phép truy cập vào các dịch vụ.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống nhận dạng thống nhất kết hợp các ID và thông tin xác thực vào một nơi, để gom tất cả "danh tính" khác nhau của một người, chẳng hạn như vai trò là sinh viên, chủ nhà, người bơi lội, bạn đọc ở thư viện, dù điều này sẽ làm tăng sự phức tạp.

Ông cho biết: "Tôi thấy rằng BankID đã thử nghiệm trong khoảng 6 tháng nay với tính năng cho phép lưu trữ hộ chiếu hoặc thông tin thẻ ID trong ứng dụng. Đó là một điều tuyệt vời”.

Chỉ thị eIDAS của EU, hiện cũng đang được thử nghiệm ở Na Uy, sẽ đưa ra một tiêu chuẩn cho giải pháp cho phép người dân có cả ID và các thông tin xác thực khác trong cùng một hệ thống.

Ông Angius nhận định: "Ảnh hưởng xã hội sẽ rất lớn”, đồng thời cho rằng sự hòa nhập và niềm tin là yếu tố then chốt để ID số thành công. Ông nhấn mạnh hệ thống cần dễ sử dụng, được chấp nhận rộng rãi, đáng tin cậy với chất lượng dữ liệu cao và có cơ sở hạ tầng dịch vụ mạnh mẽ để hỗ trợ.

Tháo gỡ rào cản về niềm tin của công chúng để triển khai ID số thành công

Ông William R. Graves, Phó giám đốc phụ trách nhận dạng số tại Văn phòng Quản lý Nhận dạng Sinh trắc học (Office of Biometric Identity Management) thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xác minh sinh trắc học để chứng minh danh tính, bên cạnh các phương pháp truyền thống như bằng lái xe.

"Việc sử dụng sinh trắc học để thực sự xác minh danh tính của một người rất quan trọng, đó là lý do tại sao văn phòng quản lý sinh trắc học thuộc DHS”, ông nói và cũng thừa nhận những thách thức về niềm tin đối với công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nhận diện khuôn mặt, nhưng cho rằng việc xây dựng các tiêu chuẩn có thể giúp giải quyết một số vấn đề này.

Các chính phủ trên toàn cầu đang giải quyết tính phức tạp của các hệ thống nhận dạng số. Khi các chương trình này phát triển, điều quan trọng là các chính phủ cần ưu tiên xây dựng niềm tin và chứng minh giá trị rõ ràng cho người dân, đồng thời đảm bảo sự hòa nhập và khả năng tiếp cận.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh việc áp dụng thành công phụ thuộc vào tính minh bạch, quyền kiểm soát dữ liệu của người dùng và sự hợp tác với khu vực tư nhân để đảm bảo sự đổi mới phù hợp với các tiêu chuẩn của chính phủ./.

Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” (*)
    Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết.
  • 12 cách toà soạn khai thác AI để tăng hiệu quả hoạt động (Phần 1)
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa các ngành, lĩnh vực trên toàn thế giới và báo chí cũng không ngoại lệ. Các tổ chức tin tức đang tích hợp các công cụ AI nhằm kết hợp hiệu quả của công nghệ với sự sáng tạo của người làm báo.
  • Cảnh sắc chỉ có thể được bảo tồn khi chúng ta rung động trước vẻ đẹp của chúng
    Cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” mở ra cho người đọc một cách nhìn mới về vẻ đẹp của thiên nhiên, về cách rung cảm trước nhiều hình thái khác nhau của tạo hóa, thay vì chỉ qua những bức hình trên mạng xã hội.
  • An ninh mạng là rủi ro kinh doanh hàng đầu trên toàn cầu
    Trước đây, an ninh mạng chỉ là vấn đề bên lề của hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp, nhưng giờ đây đã, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức trên toàn thế giới.
  • Ngành an ninh mạng sẽ có những thay đổi lớn trong năm 2025
    Dự báo an ninh mạng 2025 của Google cung cấp cái nhìn toàn diện về bối cảnh mối đe dọa mạng đang phát triển và các chiến lược mà các tổ chức nên cân nhắc để giải quyết các mối đe dọa.
Đừng bỏ lỡ
Bài học kinh nghiệm về triển khai ID số tại một số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO