Ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua đơn vị đã chú trọng cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ; quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ. Trong đó, bộ TTHC của ngành được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015), đến nay còn 27 thủ tục; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp (DN) giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019) và hiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng thế giới (WB) để công nhận còn 129 giờ/năm trong đợt công bố báo cáo môi trường kinh doanh năm nay.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC liên quan đến "cấu phần nộp BHXH" nhằm nâng xếp hạng chỉ số "Nộp thuế và BHXH" đạt mục tiêu Chính phủ đề ra. Cụ thể, định hướng năm 2021, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng lên 30 đến 40 bậc so với công bố báo cáo của WB năm 2018.
Theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhằm giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, DN. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công bố, cập nhật, công khai TTHC đảm bảo đúng quy định; tiếp tục đề xuất, xây dựng các giải pháp cải cách TTHC nhằm cải thiện chỉ số liên quan đến số giờ nộp BHXH trong Bảng đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Có thể khẳng định, thời gian qua BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành BHXH Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để có những bước tiến mạnh mẽ, qua đó mang lại sự thuận lợi, tiện ích cho người dân, DN; góp phần tạo niềm tin cho quyết tâm thực hiện đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của đất nước.
Xây dựng hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH
Cũng theo BHXH Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành, giúp nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN.
Điểm nhấn quan trọng trong cải cách TTHC và ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam là trong năm 2020, ngành đã hoàn thành và triển khai ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên nền tảng thiết bị di động. Ứng dụng này được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và người dân đánh giá rất cao. Cũng trong năm 2020, các hoạt động ứng dụng CNTT, đổi mới các quy trình nghiệp vụ được đẩy mạnh, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH.
Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các TTHC của ngành; thực hiện chi trả cho khoảng 48% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị… Với việc triển khai kết nối, tích hợp, cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 giao dịch trực tuyến trên cổng.
Trong đó, tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do hỏng, mất cho 2.616 trường hợp; 5.859 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình cho 4.022 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 1.706 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho 131 trường hợp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra nhanh chóng, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với vai trò là cơ quan thực hiện các chính sách an sinh xã hội quan trọng của đất nước, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt tận dụng sức mạnh lan tỏa của số hóa CNTT để thực hiện mục tiêu xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, DN. BHXH Việt Nam đã cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ số, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích cho tổ chức và cá nhân.
"Ngay từ thời điểm đầu xây dựng hệ thống, BHXH Việt Nam đã hướng tới hệ sinh thái 4.0, phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Hiện ngành đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và DN với các dịch vụ: tin nhắn SMS, thanh toán trực tuyến, hệ thống Chatbox, hỗ trợ khách hàng, thiết lập Fanpage truyền thông và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên mạng xã hội...", Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong chuyển đổi số
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, vì vậy toàn thể ngành BHXH Việt Nam phải nhận thức rõ về chuyển đổi số, các nội dung chuyển đổi số, cách thức chuyển đổi số phù hợp với nhiệm vụ ngành đang triển khai. Trong đó, ưu tiên những vấn đề trọng tâm như xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm, những nội dung kỹ thuật mới như liên kết tài khoản, về thanh toán, về thực hiện đăng ký tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC...
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, cần nhanh chóng nghiên cứu, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Thực hiện phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, ứng với từng hoạt động chuyên môn, từng nghiệp vụ của các đơn vị trong ngành, cũng như trách nhiệm trong phối hợp chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số Ngành BHXH Việt Nam với những kế hoạch, nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị theo từng năm, từng giai đoạn.
Đối với việc kết nối, chia sẻ CSDLQG về dân cư với Bộ Công an, ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là đi đầu, đồng hành cùng với Bộ Công an trong việc chủ động tạo thuận lợi cho người tham gia chính sách BHXH, BHYT với gần 10 triệu người được xác thực thông tin có trong CSDLQG về dân cư. Trên cơ sở đó, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động, lan tỏa, trong đó hướng đến việc ký kết Quy chế phối hợp toàn diện với Bộ Công an để hai bên tiếp tục chia sẻ, liên thông dữ liệu trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý cũng như an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân.
Đối với xây dựng CSDLQG về bảo hiểm, cần xem xét và đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời với trách nhiệm được Chính phủ giao là cơ quan chủ quản CSDLQG về bảo hiểm, tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của ngành BHXH Việt Nam. Cùng với đó, cụ thể hóa tiêu chí cần các Bộ, ngành liên quan cung cấp chia sẻ, phối hợp trong giai đoạn triển khai.
Trong 3 năm liên tiếp từ 2017-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và giữ vị trí số 2 trong bảng xếp hạng ICT Index, đồng thời đứng thứ nhất trong bảng đánh giá phát triển chính phủ điện tử. Ngoài ra với hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam đã nhận được giải thưởng của Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á và Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế.