Bình Phước ứng dụng CNTT giúp đồng bào DTTS phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống dịch bệnh

XT| 10/09/2021 09:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhờ ứng dụng CNTT, những số liệu thống kê, kết quả hoạt động của công tác DTTG ở BÌnh Phước có thể tổng hợp nhanh trong một vài giờ thay vì mất 3 - 4 ngày như trước đây. Ngoài ra, ứng dụng CNTT cũng giúp cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn phòng chống dịch Covid 19 đạt hiệu quả cao.

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số 994.679 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có 195.635 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 41 thành phần dân tộc sống đan xen thành cộng đồng tại 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn.

Những năm gần đây, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Bình Phước đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021", UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021" trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch ban hành nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) góp phần vào xây dựng Chính phủ điện tử để tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân…

Kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các nhiệm vụ đề ra phải có tính khả thi, được triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; lồng ghép thực hiện Đề án với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình, Đề án khác về phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động ứng dụng CNTT trung hạn, hàng năm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; trong quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Bình Phước ứng dụng CNTT giúp đồng bào DTTS phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống dịch bệnh - Ảnh 1.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được tỉnh quan tâm. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử UBDT).

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện, gồm: Khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL của cả nước thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Phối hợp cung cấp, tích hợp thông tin, số liệu PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử PBGDPL của cả nước theo Quy chế cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập cơ sở dữ liệu PBGDPL do Bộ Tư pháp ban hành; Xây dựng, hoàn chỉnh, quản lý, khai thác, vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Bình Phước.

Cùng với đó là: Xây dựng, cập nhật các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Bình Phước đảm bảo phù hợp và đáp ứng nhu cầu của cán bộ và Nhân dân; Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo trang thiết bị (máy tính, máy in, máy quét, đường truyền Internet…) để cập nhật thông tin, tài liệu lên Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; chuẩn bị điều kiện trang thiết bị (máy tính, đường truyền) tại các điểm khai thác Tủ sách pháp luật điện tử theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ làm công tác PBGDPL.

Phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc

Bình Phước là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 41 thành phần dân tộc sống đan xen trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, rất nhiều chính sách, chương trình của Trung ương và tỉnh triển khai đến đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Hiện Ban Dân tộc tỉnh đã ứng dụng phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc nhằm phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách về dân tộc đầy đủ, chính xác. Các số lượng, tỷ lệ về việc làm, thất nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo… về DTTS đều được thống kê để làm cơ sở cho lãnh đạo tỉnh đưa ra chính sách hợp lý.

Phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh có 60 thông tin tổng hợp, chuyên ngành thuộc 12 nhóm chỉ tiêu gồm nhiều lĩnh vực, từ đó góp phần thu thập dữ liệu chi tiết và đầy đủ nhất về lĩnh vực dân tộc.

Phần mềm có 5 chức năng quản lý: Danh mục, chỉ tiêu, nhập dữ liệu, khai thác báo cáo và kết nối, đồng bộ dữ liệu công tác dân tộc. Phần mềm cho phép danh mục dùng chung, danh mục chỉ tiêu đồng bộ trên toàn hệ thống và của Ủy ban Dân tộc (UBDT). Đồng thời, có thể tùy biến thêm các chỉ tiêu theo nhu cầu của tỉnh. Phần mềm cũng cho phép quản lý các phiếu, biểu mẫu nhập liệu, tìm kiếm và trích xuất dữ liệu thống kê chính xác.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, trước đây, để thống kê các chỉ tiêu về đồng bào DTTS, cơ quan chức năng phải thu thập số liệu của các dân tộc thông qua rất nhiều kênh, từ cơ sở đến các đơn vị sở, ban, ngành trong tỉnh. Đến nay, mọi việc đã đơn giản hơn rất nhiều. Phần mềm được triển khai theo chương trình phân bổ vốn công nghệ năm 2020, đến nay bước đầu đã có hiệu quả tích cực trong thống kê cập nhật số liệu.

Chị Bùi Thị Thu Hạnh, chuyên viên Phòng Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: "Từ khi phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đưa vào ứng dụng đã giảm rất nhiều quy trình rườm rà về thu thập dữ liệu. Việc phối hợp thống kê, cung cấp số liệu giữa các đơn vị liên quan không còn phải thông qua văn bản. Tất cả được chuyển qua nhập liệu trên một phần mềm chung. Mỗi đơn vị sẽ có một tài khoản riêng được phân quyền trong phần mềm".

Chị Nguyễn Thị Hiền Trang, chuyên viên Phòng Quản lý lĩnh vực xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh hiện đang phụ trách thống kê số liệu cho 6 chỉ tiêu, biểu mẫu liên quan đến đồng bào DTTS. Cụ thể gồm: Số lượng học viên học nghề; số lượng, tỷ lệ sinh viên DTTS đã tốt nghiệp chưa có việc làm; số hộ DTTS được cứu đói giáp hạt; số lượng, tỷ lệ DTTS nghèo và cận nghèo.

"Trước đây, tôi phải thực hiện thủ công mất 3 ngày hoặc lâu hơn, tùy theo tính phức tạp của số liệu và lĩnh vực cần rà soát, thống kê. Hiện nay thời gian hoàn thành công việc giảm xuống chỉ tính bằng giờ. Vì số liệu thống kê được các đơn vị, cơ sở cập nhật mới liên tục. Điều này còn phục vụ việc trích xuất, tìm số liệu khi có nhu cầu một cách nhanh nhất", chị Trang cho biết.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Lý Trọng Nhân: "Hiện nay, chúng ta kết nối, tích hợp thông tin về DTTS qua các cấp. Vì vậy, việc khai thác qua phần mềm quản lý công tác dân tộc giúp các ngành liên quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tốt hơn. Đối với người dân quan tâm đến chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS thì truy cập thông qua Smartphone để nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác. Từ đó, bảo đảm quyền lợi cá nhân cũng như cộng đồng mình".

Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý dân tộc còn giúp nâng cao chất lượng quản lý, giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là kênh thông tin toàn diện nhất về 40 thành phần DTTS trên địa bàn tỉnh ở tất cả chỉ tiêu. Nhờ đó, tạo sự quan tâm, tìm giải pháp phù hợp trong quá trình chăm lo mọi mặt cho đồng bào DTTS.

Điều này, còn góp phần để hệ thống cơ sở dữ liệu dân tộc tỉnh Bình Phước kết nối vào hệ thống dữ liệu của UBDT. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch bệnh

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, nhằm góp phần đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác phòng chống dịch và tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, tháng 8 vừa qua, tỉnh Bình Phước đã khai trương Cổng Thông tin COVID-19 và tiếp nhận thông tin phòng chống dịch COVID-19 trên Tổng đài 1022 Bình Phước.

Giám đốc Sở TT&TT Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các ứng dụng và các giải pháp CNTT vào phòng chống dịch có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong công tác phòng chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, tiến tới đẩy lùi COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Cổng Thông tin COVID-19 tỉnh Bình Phước được Sở TT&TT nỗ lực, tích cực triển khai xây dựng chỉ trong một thời gian ngắn (một tuần), có địa chỉ truy cập tại: Covid19.binhphuoc.gov.vn.

Bình Phước ứng dụng CNTT giúp đồng bào DTTS phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống dịch bệnh - Ảnh 2.

Cổng Thông tin COVID-19 tỉnh Bình Phước có địa chỉ truy cập tại: Covid19.binhphuoc.gov.vn.

Đây là kênh thông tin chính thống của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; được Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Sở TT&TT cập nhật, tổng hợp thông tin liên tục trong ngày từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ quan chức năng như: Sở Y tế, các sở, ban, ngành liên quan và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp.

Ngoài ra, Cổng còn cập nhật tin tức, văn bản, dữ liệu, báo cáo, hướng dẫn từ nhiều nguồn, nhiều cơ quan chức năng nhằm đa dạng, phong phú thông tin cung cấp cho cơ quan, tổ chức, người dân khai thác, sử dụng.

Cổng có giao diện thân thiện; hình thức truyền tải thông tin trực quan sinh động bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thông tin báo chí, thông tin văn bản, biểu đồ, video, infographic… giúp các cơ quan, tổ chức, người dân dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin về tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó để tiếp nhận, hỗ trợ thông tin trong phòng, chống dịch nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, tỉnh Bình Phước cũng triển khai thêm nội dung tiếp nhận, hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn qua Tổng đài 1022 Bình Phước.

Tổng đài sẽ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các thông tin: hỗ trợ khẩn về báo ho, sốt, báo triệu chứng sau khi tiêm phòng vắc xin COVID-19; hỗ trợ chính sách liên quan đến COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong thời gian bị giãn cách xã hội.

Tổng đài 1022 Bình Phước hoạt động 24/7, qua các kênh tiếp nhận sau:Người dân có thể gọi trực tiếp đến Tổng đài: 0271.1022; Gửi tin nhắn qua Fanpage: 1022 Bình Phước; Qua Zalo: IOC Bình Phước; Qua Emai: 1022@binhphuoc.gov.vn; Qua Website: 1022.binhphuoc.gov.vn; Hoặc qua App (ứng dụng): Bình Phước Today.

Các trường hợp phản ánh thông tin khẩn cấp: Ngay sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân, Tổng đài viên sẽ liên hệ trực tiếp đến số hotline các trạm y tế cấp huyện/cấp tỉnh để phối hợp hỗ trợ, giải quyết cho người dân. Các trường hợp khác sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ, giải quyết cho người dân trong thời gian sớm nhất theo quy định. Trong thời gian tới, Tổng đài 1022 Bình Phước sẽ áp dụng thêm Tổng đài ảo (voicebot, chatbot) để hỗ trợ tiếp nhận thông tin tự động cho người dân.

Mới đây, vào ngày 8/9, đoàn công tác của Tiểu ban Truyền thông Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Phước.

Tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Anh Dũng đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình, diễn biến dịch COVID-19 và công tác phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhân dân Bình Phước. Với tinh thần chủ động, quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, Bình Phước đã và đang nỗ lực kiểm soát tốt tình hình. Công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện có hiệu quả, triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Thông qua các nhóm Zalo, Facebook, cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, mỗi ngày có trên 500 lượt tin, bài được đăng tải. Mỗi tuần đăng tải hơn 3.300 tin bài, phóng sự, video/clip, nhạc… trên 4 loại hình báo chí. Bằng nhiều biện pháp, cách làm hay trong tuyên truyền đã làm thay đổi tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong phòng chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Cuộc chiến chống COVID-19 còn lâu dài nên cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Phước xác định tâm thế luôn sẵn sàng. Đối với công tác tuyên truyền, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm coi trọng và được các cơ quan, đơn vị tổ chức kịp thời, nhanh chóng, bám sát với định hướng của tỉnh. Các cơ quan báo chí đã lan tỏa tinh thần chính thống, tuyên truyền hiệu quả về phòng chống dịch.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước ứng dụng CNTT giúp đồng bào DTTS phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO