Bộ Công thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA phát triển kinh tế số

PV| 28/10/2021 20:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số – Bộ Công Thương và Công ty TNHH phần mềm FPT (FPT Software) đã thống nhất hợp tác toàn diện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa vận hành doanh nghiệp (Robotic Process Automation - RPA) trong phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2025.

Theo "Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA phát triển kinh tế số" giữa Bộ Công Thương và FPT Software, giải pháp ứng dụng RPA toàn diện akaBot và giải pháp phần mềm tự động đọc và xử lý hóa đơn UBot Invoice được lựa chọn để giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tham gia sự kiện có ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số và ông Trần Đăng Hòa – Phó Tổng Giám đốc FPT Software.

Nhờ Akabot, Bộ Công thương sẽ giúp DN tăng 7% năng suất hàng năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Quang (thứ 3 từ trái sang) và ông Trần Đăng Hòa (thứ 2 từ trái sang) trong lễ ký kết

Thỏa thuận hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số và tăng năng suất lao động trung bình hàng năm 7% theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia và ngành Công Thương. Chương trình hợp tác góp phần đồng hành cùng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn cả về kinh tế và nguồn lực khi quay lại sản xuất trong thời kỳ "bình thường mới".

Theo thỏa thuận, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ phối hợp với FPT Software nghiên cứu, phát triển và triển khai thử nghiệm RPA trong các  doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ, quản lý nội bộ, tài chính… cũng như hướng tới phát triển chính phủ điện tử tại Bộ Công thương. Cụ thể, hai bên sẽ tập trung vào những điểm mấu chốt như triển khai ứng dụng RPA trong các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp; tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ RPA; nghiên cứu và xây dựng đề án triển khai RPA phục vụ quản lý điều hành tại Bộ Công Thương.

Ngoài ra, FPT Software sẽ triển khai bộ quà tặng độc quyền cho các doanh nghiệp chuyển đổi số vận hành gồm gói tư vấn giải pháp tự động hóa "may đo" theo nhu cầu và quy mô riêng biệt của doanh nghiệp, và "gói dịch vụ tự động xử lý dữ liệu 1.000 hóa đơn" với giải pháp UBot Invoice. 

Theo Gartner, RPA nằm trong top 10 xu hướng công nghệ hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng trưởng trên 20% mỗi năm. RPA giúp doanh nghiệp đảm bảo vận hành kinh doanh không gián đoạn, cắt giảm tới 40% chi phí vận hành nhờ tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại trên máy tính. Giải pháp này này cũng giúp tăng cường tính chính xác cho các quy trình vận hành xuyên suốt, giảm thiểu thủ tục và quy trình phức tạp, giảm tối đa sai sót nhờ loại bỏ quy trình thủ công, đảm bảo trải nghiệm tối ưu cho khách hàng và anhân viên.

Sau 3 năm phát triển, akaBot - Ubot của FPT Software đã có hơn 180 khách hàng tại 13 quốc gia, nằm trong top 20 nền tảng RPA nổi bật trên toàn cầu. Với mục tiêu "mỗi doanh nghiệp đều có thể tự động hóa vận hành", akaBot đồng thời phát triển SaaS - nền tảng phân phối phần mềm trên điện toán đám mây ứng dụng công nghệ RPA. Trong khi giải pháp UBot sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu hành trình tự động hóa chỉ trong vài phút.

Trong năm 2022-2023 tới đây, akaBot cũng đặt mục tiêu tăng tốc phát triển sản phẩm để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với khả năng tự động hóa xử lý hàng tỷ hóa đơn, chứng từ, tài liệu mỗi năm. Đây một trong những yếu tố tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO