Bộ, ngành, địa phương giảm thời gian, lệ phí thực hiện DVCTT

Hoàng Linh| 17/05/2022 11:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện DVCTT.

Hồ sơ giải quyết thủ TTHC trung bình của cả nước mới đạt 24,89%

Theo Bộ TT&TT, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, việc cung cấp DVCTT mức độ cao đã được đẩy mạnh, góp phần duy trì việc cung cấp dịch vụ của các cơ quan nhà nước trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các DVC đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; một số cơ quan nhà nước (CQNN) đã có những giải pháp để tăng cường hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, tiêu biểu như: ưu tiên về thời gian giải quyết thủ tục; ưu tiên về lệ phí thực hiện.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ TT&TT, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước mới đạt 23,02%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trung bình của cả nước mới đạt 24,89%.

Thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT

Để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số, Bộ TT&TT vừa có văn bản số 1832/BTTTT-THH ngày 16/05/2022 gửi các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị xem xét, chỉ đạo thực hiện ngay một số giải pháp sau đây.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát các TTHC và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 với các TTHC đủ điều kiện.

Thứ hai, giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng cơ quan nhà nước của bộ, tỉnh năm 2022; hướng tới đạt được mục tiêu nêu tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022), đó là: 80% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.

Thứ ba, ban hành chính sách khuyến khích người dân, DN sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện DVCTT.

Thứ tư, nghiên cứu, thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình DVCTT tương ứng với một số đối tượng người dân sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ.

Thứ năm, kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL dùng chung của bộ, tỉnh và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và DN, hướng tới người dân, DN chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT. Trước hết, kết nối, khai thác và sử dụng ngay các dịch vụ dữ liệu đã sẵn sàng cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Theo danh mục kèm theo văn bản có 17 CSDL/hệ thống thông tin đã kết nối, sẵn sàng cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP: (1) CSDL quốc gia về Đăng ký DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); (2) CSDL quốc gia về dân cư (Bộ Công an); (3) CSDL quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam); (4) CSDL đất đai quốc gia (phân hệ tập trung tại Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT); (5) CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); (6) CSDL quốc gia về giá (Bộ Tài chính); (7) CSDL đăng kiểm phương tiện (Bộ Giao thông vận tải - GTVT); (8) Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp); (9) Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); (10) Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính); (11) Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các CQNN phục vụ phát triển CPĐT Việt Nam (Bộ TT&TT); (12) Liên thông TNMT - Thuế (Bộ TN&MT); (13) Hệ thống quản lý GTVT (Bộ GTVT); (14) Cổng DVC của Bộ Xây dựng; (15) Hệ thống phục vụ DVC của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN); (16) Hệ thống mã bưu chính Vpostcode (Tổng công ty BĐVN); (17) Hệ thống dịch vụ, tiện ích của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Thứ sáu, triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng theo Văn bản số 793/BTTTT- THH ngày 05/3/2022 của Bộ TT&TT để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện CĐS, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Thứ bảy, kết nối toàn diện, triệt để Cổng DVC/Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ TT&TT để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng DVCTT của các CQNN; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT.

Một số kinh nghiệm của Bộ Công Thương, Đà Nẵng thực hiện DVCTT

Bộ Công Thương: DN nhận kết quả khai báo hóa chất trong vòng 15 giây sau khi nộp hồ sơ

Thủ tục khai báo hóa chất được Bộ Công Thương triển khai dưới hình thức DVCTT từ năm 2008. Tuy nhiên, kết quả của TTHC (công văn xác nhận) vẫn được phát hành dưới dạng bản giấy.

Bộ, ngành, địa phương giảm thời gian, lệ phí thực hiện DVCTT - Ảnh 1.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN nhằm phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã lần lượt rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất từ 7 xuống còn 5 ngày và đến năm 2018, DN nhận được kết quả điện tử ngay sau khi nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Từ ngày 11/01/2018, toàn bộ các đơn vị khai báo hóa chất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thông tin khai báo sẽ tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương và được phản hồi tự động qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới các tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan.

Theo quy định này, thủ tục khai báo hóa chất được thực hiện đơn giản, nhanh gọn (24/24h và ở bất cứ địa điểm nào), DN không phải trực tiếp nộp bản cứng tại Bộ Công Thương và Hải quan, kết quả được phản hồi tự động ngay sau khi tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ, không tốn thời gian đi lại, chờ đợi kết quả (giảm từ 5 xuống còn 0 ngày làm việc). Tính từ thời điểm DN nộp hồ sơ đến lúc nhận kết quả chỉ khoảng 15 giây, tùy theo điều kiện đường truyền.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương không phải nhập số liệu thủ công, giảm chi phí in ấn, lưu trữ hồ sơ; Chi cục Hải quan các cửa khẩu cũng có thể tra cứu thông tin khai báo hóa chất của DN qua mạng Internet.

Thủ tục khai báo hóa chất là một trong những thủ tục có số lượng hồ sơ lớn nhất tại Bộ Công Thương; 100% hồ sơ và kết quả thủ tục từ năm 2018 đã được thực hiện dưới hình thức điện tử (DVCTT mức độ 4).

Đà Nẵng: Người dân, du khách nhiễm COVID-19 khai báo và nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trực tuyến

Ngày 19/3/2022, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 593/STTTT-CNTT gửi Sở Y tế và UBND các quận, huyện, phường, xã về việc sử dụng phân hệ hỗ trợ cho người dân điều trị COVID-19 (F0) đăng ký, nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trực tuyến.

Theo văn bản này, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Y tế, BHXH thành phố để triển khai một số tính năng trên Ứng dụng quản lý, hỗ trợ F1, F0 cách ly/điều trị tại nhà. Cụ thể:

- Đối với người dân: Khai, đăng ký trực tuyến trước để cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bằng cách sử dụng ứng dụng Danang Smart City. Trạm y tế sẽ nhận thông tin khai, đăng ký. Người dân có thể khai báo cùng lúc với khai báo ban đầu là F0 điều trị tại nhà hoặc khi khai báo lại tình trạng sức khoẻ hằng ngày.

- Đối với cán bộ trạm y tế: Nhận thông tin đăng ký và thực hiện cấp các giấy tờ liên quan cho F0 trên phần mềm; thực hiện một lần cho nhiều F0; thay vì thực hiện thủ công cho từng F0.

Ngoài ra, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Du lịch thành phố bổ sung một số tính năng mới trên ứng dụng quản lý, hỗ trợ F1, F0 cách ly/điều trị tại nhà/cơ sở du lịch cho cả người dân thành phố và du khách đến thăm quan, du lịch tại thành phố. Cụ thể, người dân, du khách là F0 có thể khai báo thông tin, đăng ký nhận các giấy tờ liên quan trực tuyến trên ứng dụng di động Danang Smart City: khai báo là F0 và đề nghị cách ly tại nhà/cơ sở du lịch; nhận quyết định cách ly do cơ quan chức năng gửi trực tuyến (trên ứng dụng, qua tin nhắn SMS, Zalo); khai báo thông tin tình hình sức khoẻ hằng ngày; khai báo thông tin và đề nghị nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; thông báo đã âm tính và đề nghị hoàn thành cách ly tại nhà/cơ sở du lịch; nhận giấy xác nhận/quyết định hoàn thành cách ly, điều trị được cơ quan chức năng gửi trực tuyến.

Việc triển khai các tính năng mới trên ứng dụng quản lý, hỗ trợ F1, F0 cách ly/điều trị không những giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho người dân của TP. Đà Nẵng bị nhiễm COVID-19 khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, mà còn hỗ trợ cho du khách đến Đà Nẵng, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của thành phố trong điều kiện bình thường mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ, ngành, địa phương giảm thời gian, lệ phí thực hiện DVCTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO