Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Hội nghị - Triển lãm Viễn thông thế giới (ITU Telecom World) nay trở thành ITU Digital World sau 50 năm lịch sử. Tên gọi mới, sứ mệnh mới, viễn thông, CNTT và công nghệ số giờ đây cần trở thành một ngành công nghiệp, không phải 3 ngành riêng rẽ, để tăng tốc chuyển đổi số. Đó là lý do vì sao ITU đổi tên sự kiện này.
Với chủ đề "Cùng nhau xây dựng thế giới số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thế giới số liên quan đến cải cách thể chế nhiều hơn là công nghệ. Chúng ta khuyến khích mọi người thử nghiệm nhiều hơn. Sandbox là một phương pháp tốt. Dịch chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Và chúng ta còn một chặng đường dài trước mắt phải đi. ITU đóng vai trò dẫn dắt hành trình này.
Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn của thế kỷ. Nhiều người thiệt mạng, kinh tế đình trệ, các chính phủ đang tìm cách giải quyết. Theo Bộ trưởng, mỗi thách thức đều đi liền với cơ hội. Thách thức lớn đi cùng cơ hội lớn. "Để đương đầu với đại dịch chúng ta cần nỗ lực mang tính toàn cầu. ICT đã thể hiện vai trò quan trọng giúp các quốc gia đương đầu với đại dịch bằng cách kích hoạt làm việc, học tập từ xa và có vai trò thiết yếu giúp phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội trong giai đoạn bình thường mới".
ICT đã trở thành hạ tầng kinh tế, không chỉ đơn thuần là hạ tầng viễn thông. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Chương trình quốc gia về chuyển đổi số để xây dựng một Việt Nam số, đổi mới sáng tạo hơn, thích nghi, có sức chống chịu tốt hơn và bền vững hơn. Cải cách thể chế, an toàn thông tin và các nền tảng số là những yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
"Việt Nam cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng ITU và các nước thành viên xây dựng thế giới số. Chúng ta sẽ đi cùng nhau vì chúng ta muốn đi xa. Trong các Hội nghị Bộ trưởng trong 2 ngày vừa qua, các Bộ trưởng đến từ các quốc gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về những chính sách thúc đẩy vai trò của ICT trong và sau Covid-19", Bộ trưởng khẳng định.
Cũng tại phiên Hội nghị này, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cho biết đây là lần đầu tiên ITU Telecom World được tổ chức với tên gọi mới ITU Digital World sau 50 năm phát triển. Đây là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức trực tuyến.
Trong Hội nghị Bộ trưởng tổ chức trong ngày 20 - 21/10 vừa qua, các Bộ trưởng đã nhóm họp và đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự hợp tác cũng như sự đổi mới sáng tạo. "Chúng ta cần sự sáng tạo, tinh thần doanh nhân để thúc đẩy phục hồi kinh tế, xã hội".
Tổng thư ký cũng vui mừng nhìn thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn bao giờ hết các doanh nhân công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với sự đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm và phát triển kinh tế.
Theo Tổng thư ký, điện toán đám mây, AI, 5G và các công nghệ mới khác cần được triển khai với sự hỗ trợ của chính phủ và các cơ quan quản lý. Vai trò của chính phủ và cơ quan quản lý đối với triển khai băng rộng cũng rất quan trọng.
Sau Covid-19, Tổng thư ký tin tưởng những gì các đoàn đại biểu chia sẻ sẽ giúp cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai trong đó khu vực nhà nước và tư nhân cùng phối hợp với nhau và cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy sự phát triển của ICT để tất cả chúng ta cùng hưởng lợi và không ai bị bỏ lại phía sau.
Số hóa để giải quyết các thách thức
Đại dịch Covid-19 cho thấy ICT đã trở nên quan trọng hơn bao giờ. Trong suốt các phiên thảo luận tại Hội nghị - Triển lãm, chính phủ nhiều nước đã khẳng định và đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ICT, hỗ trợ người dân để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại phiên họp này, ông Gift Machangete, Cục Bưu chính Zimbabue chia sẻ, trong đại dịch, Zimbabue đã sử dụng các công nghệ số để bảo đảm các hoạt động trong chính phủ, thương mại và giáo dục được liên tục. Các công nghệ số tốt hơn đã được sử dụng để truyền phát thông tin, phục vụ các mục tiêu hoạch định chính sách, truy vết tiếp xúc - điều thiết yếu để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Đại dịch cũng làm gia tăng việc sử dụng các công nghệ số, nhu cầu sử dụng băng thông. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục trong tương lai, mang lại thuận tiện cho cuộc sống người dân và hoạt động kinh doanh. Các nền tảng số hóa trong tương lai sẽ được sử dụng để dự đoán và chống lại các thảm họa tương tự.
Chính phủ Zimbabue đang dựa vào các nền tảng trực tuyến để tuyên truyền thông tin nâng cao nhận thức về virus và đánh bật các tin tức giả. Những nền tảng này sẽ tiếp tục được sử dụng ngay cả sau đại dịch. Chính phủ cũng dựa vào các ứng dụng số ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để dự báo sự bùng phát của virus, các ảnh hưởng của đại dịch và cho phép việc hoạch định chính sách, ứng dụng các biện pháp giảm thiểu phù hợp...
Đại dịch đã tạo ra nhu cầu lớn hơn về Internet và băng thông rộng tốc độ cao. Hiện nay, Zimbabue đang triển khai các trung tâm thông tin cộng đồng ở những vùng xa xôi, nông thôn để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận thông tin Covid-19 chính xác, cũng như đảm bảo trẻ em có quyền truy cập các nền tảng và các doanh nghiệp đang hoạt động có quyền truy cập các nền tảng thương mại điện tử.
Đại diện cho Bangladesh, ông Mustafa Jabbar, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông và CNTT chia sẻ: "Covid-19 tạo ra những thách thức và một trong những thách thức đó là sự chênh lệch số hóa. Chúng ta nhận ra rằng thực sự các làng quê không số hóa được bằng các thành phố, các người dân cũng không sở hữu các thiết bị số như nhau. Chúng ta chắc chắn phải có đường hướng tương lai cho số hóa".
Ông Deepak Balgobin, Bộ trưởng Bộ CNTT, Truyền thông và Sáng tạo Mauritius cho biết: tại Mauritius, số lượng người mất việc làm không lớn, đó là do nhiều tổ chức lớn đã ứng dụng CNTT, dựa vào các giải pháp công nghệ thông tin để tiếp tục hoạt động. Chính phủ Mauritius đã đúng khi nhận thức được số hóa xã hội như một thể thống nhất là nhân tố quan trọng để cung cấp dịch vụ hiệu quả, tối ưu cho người dân. Rõ ràng, chuyển đổi số cùng với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là một trong những cách duy nhất để tiến về phía trước.
"Covid-19 khiến các doanh nghiệp (DN) vẫn hoạt động theo cách truyền thống phải "mở mắt". Không chỉ các DN lớn mà các DN vừa và nhỏ, thậm chí mỗi công dân, đều phải xem lại về ứng dụng công nghệ", ông Deepak Balgobin cho hay.
Kinh nghiệm của Việt Nam
Đồng quan điểm với ông Deepak Balgobin, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT cho biết: Covid-19 đã buộc hầu hết mọi người phải thay đổi nhiều thứ, tạo ra thói quen mới để làm việc, học tập và giải trí. Những thói quen mới này đang thúc đẩy các công nghệ mới được chấp nhận nhanh hơn so với trước đây.
Để biến thách thức lớn thành cơ hội lớn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, hướng tới xây dựng "Việt Nam số" với ba trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Dưới sự bảo trợ này, nhiều ứng dụng và nền tảng số đã được ra mắt để đối phó với đại dịch và đưa cuộc sống của chúng ta về trạng thái bình thường mới.
Một mặt, Việt Nam là một trong những nước tiên phong áp dụng giải pháp truy vết dùng sóng Bluetooth năng lượng thấp trên thiết bị di động. Ứng dụng nguồn mở có tên Bluezone đã đạt 23 triệu lượt tải xuống sau một thời gian ngắn, cảnh báo gần 2.000 lượt tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc người nghi nhiễm Covid-19.
Mặt khác, để đưa cuộc sống cộng đồng trở lại bình thường mới, Chính phủ và các DN đã phát triển hiệu quả các nền tảng làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, mua sắm trực tuyến, sự kiện ảo, v.v.. Điều này minh chứng rằng những thay đổi mà Covid-19 mang lại đã phá tan các rào cản từng trì hoãn những đổi mới này.
"Một thế giới thịnh vượng, an toàn và bền vững là mục tiêu hàng đầu của tất cả mọi người và việc sử dụng hợp lý các nền tảng số sẽ giúp thực hiện mục tiêu đó", Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.