Thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (CQNN) và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia. Sau một thời gian xây dựng và thử nghiệm, ngày 31/8/2020, Bộ TT&TT chính thức tổ chức Lễ khởi động Cổng dữ liệu quốc gia.
Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu (CSDL) của cơ quan nhà nước (CQNN). Cổng cũng cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết Việt Nam vừa được Liên Hợp Quốc xếp hạng thứ 86 về CPĐT. Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và việc triển khai thành công Cổng dữ liệu quốc gia thì xếp hạng về CPĐT trong thời gian tới chắc chắn sẽ thăng hạng.
Thứ trưởng cho biết: Hiện nay có 3 CSDL quan trọng nhất, đó là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đất đai và CSDL quốc gia về doanh nghiệp (DN). CSDL quốc gia về DN cơ bản đã hoàn thành. CSDL quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong 1 năm qua, dự kiến được hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ triển khai CSDL quốc gia về đất đai hiện vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ. Với sự quyết liệt triển khai 3 CSDL quốc gia này và Cổng dữ liệu quốc gia data.vn cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các DN, cộng đồng xã hội thì chúng ta sẽ có một bước tiến dài về CPĐT hướng tới chính phủ số.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh và mong muốn các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tích cực hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương mình. Đây chính là yếu tố tiên quyết đến sự thành công của Cổng dữ liệu quốc gia.
Các mục tiêu quan trọng của Cổng dữ liệu quốc gia
Cổng dữ liệu quốc gia được xây dựng với mục tiêu sau:
- Thúc đẩy quản trị dữ liệu trong CQNN: Cổng sẽ là nền tảng dùng chung - nơi các CQNN công bố hiện trạng thông tin về dữ liệu của mình; kiểm kê dữ liệu, minh bạch về dữ liệu; chia sẻ các phương tiện, công cụ, kỹ năng để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu bền vững trong Chính phủ điện tử (CPĐT).
- Quản lý và hỗ trợ thực hiện các yêu cầu về khởi tạo các kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN; giám sát việc chia sẻ dữ liệu, giải quyết vướng mắc trong chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN.
- Cổng dữ liệu quốc gia sẽ là nơi từng bước cung cấp các dịch vụ số mới của quá trình phát triển Chính phủ số, cho phép người dân, DN tiếp cận các dữ liệu của mình, về mình do CQNN nắm giữ; các dịch vụ số khác trên CSDL phân tích định lượng, dữ liệu được tổng hợp dữ liệu tự động từ nhiều nguồn khác nhau.
- Cổng sẽ là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của CQNN; người dân, DN, cộng đồng sẽ có điều kiện khai thác dữ liệu của CQNN để phục vụ nghiên cứu, học tập, sáng tạo sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của nhà nước và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế. Cung cấp dữ liệu mở cũng là hoạt động nằm trong chủ trương Nhà nước kiến tạo phát triển của Chính phủ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các CQNN.
- Cổng dữ liệu quốc gia cũng là một kênh thông tin để tiếp nhận đóng góp của các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân cho CQNN để các CQNN có nhiều dữ liệu hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, DN tốt hơn.
Người sử dụng cũng có thể sử dụng tài khoản PostID của Tổng công ty BĐVN để truy cập Cổng dữ liệu quốc gia đối với những hạng mục cần định danh.
Trong giai đoạn đầu, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và ra mắt một số phân hệ cơ bản của hệ thống, bao gồm đăng tải thông tin về hiện trạng dữ liệu trong CQNN, phân hệ dữ liệu mở của CQNN.
Bên cạnh đó, Cổng cũng kết nối tích hợp một số nền tảng như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode... nhằm tăng tiện ích, hỗ trợ người dùng ở mức tối ưu nhất. Đây là bước khởi đầu cho việc phát triển xây dựng Cổng. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng từng phân hệ và thành phần của Cổng để Cổng sẽ là công cụ, là nền tảng và đóng vai trò đắc lực thực hiện chủ trương dữ liệu là cốt lõi, là nền tảng trong phát triển CPĐT, Chính phủ chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, đơn vị chủ trì triển khai Cổng cho biết: Quản trị dữ liệu được đánh giá là 1/9 trụ cột quan trọng của Chính phủ số để bảo đảm quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc về CPĐT năm 2020, lần đầu tiên bổ sung chỉ số về dữ liệu mở của chính phủ (OGDI). Việt Nam xếp thứ 97/193 về OGDI, 6/11 Đông Nam Á, thuộc nhóm Trung bình. Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đều thuộc nhóm rất cao, có số điểm OGDI tuyệt đối.
Năm 2014 rất có ít nước trên thế giới có Cổng dữ liệu quốc gia nhưng đặc biệt từ năm 2018 - 2020 đã có 80% quốc gia trên thế giới đã có Cổng dữ liệu quốc gia. Trong top 10 nước đứng đầu về CPĐT thì tất cả các nước đều có chính sách về dữ liệu mở và Cổng dữ liệu quốc gia. Quản trị dữ liệu được đánh giá là 1 trong 9 vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất của Chính phủ để đảm bảo quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phát triển CPĐT.
Theo PwC, có 5 mức độ trưởng thành về quản trị dữ liệu: Mức 1: Chưa nhận thức, Mức 2: Phân mảnh, Mức 3: Chuẩn hoá, Mức 4: Quản lý, Mức 5: Tối ưu. Hiện nay, theo đánh giá, đa số tổ chức của Việt Nam đã đạt giữa mức độ 2, một số tổ chức đạt mức độ 3, nhưng mục tiêu là phải đạt được mức độ 5.
Ông Đỗ Công Anh nhấn mạnh: Cổng dữ liệu quốc gia sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về toàn bộ dữ liệu của các CQNN, công bố chiến lược, kế hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn về dữ liệu của mỗi Ngành. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Nhiều địa phương rất mong mỏi dữ liệu của nhiều Bộ ngành. Cục Tin học hóa cũng đang xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành của dữ liệu quốc gia.
Đại diện của Ngân hàng thế giới (WB), bà Trần Thị Lan Hương chia sẻ: Trong quá trình làm việc với các địa phương, câu chuyện dữ liệu, chia sẻ dữ liệu luôn là vấn đề nhức nhối.
Tại Lễ khởi động, đại diện các đơn vị thuộc: Bộ TT&TT; Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký biên bản hợp tác về thúc đẩy dữ liệu mở và đồng hành trong việc xây dựng và triển khai hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia.
Việc ký kết hợp tác thể hiện sự cam kết của các CQNN trong việc triển khai các hoạt động quản trị dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, xã hội. Đồng thời cũng thể hiện tính gắn kết, sự đồng hành giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, DN trong công tác phối hợp thúc đẩy triển khai dữ liệu mở.