COVID-19 ảnh hưởng đến xu hướng phát triển kinh tế
Cơn bão mang tên "COVID-19" đã và đang quét qua hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các trung tâm của chuỗi, các quốc gia chịu tác động nặng nề cũng đồng thời là các trung tâm của mạng sản xuất toàn cầu. Khi đại dịch bùng nổ, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất tạm dừng lại. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, thương mại, từ đó làm suy giảm tăng trưởng nền kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, khu vực nói riêng.
Tác động của COVID-19 cũng khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu bị thu hẹp "từ mức 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1.000 tỷ USD" (theo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD)). Dự báo trong năm 2021, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm thêm 5-10% và có thể bắt đầu phục hồi từ năm 2022. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, khả năng dòng FDI phục hồi là rất khó khăn.
Nhưng trong cái khó của "cơn bão" đại dịch, những xu thế phát triển kinh tế mới cũng được hình thành và dường như lại có thể mang lại hiệu quả. Các xu hướng đầu tư dài hạn trên toàn cầu được thúc đẩy và đặc biệt cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang thổi luồng gió mới cho kinh tế toàn cầu.
COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Thế giới đang trở nên số hóa hơn, tự động hơn và nhạy cảm với sự bền vững hơn khi lối sống và nền kinh tế đang có những thay đổi sâu sắc. Sự phát triển nhanh hơn của thương mại điện tử, giải trí trực tuyến và làm việc từ xa đã khiến con người trở nên phụ thuộc hơn vào thế giới số. Việc giá cổ phiếu của Zoom Video Communications Inc. và Netflix Inc. tăng vọt là những ví dụ điển hình cho thấy những thay đổi rộng khắp có thể mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư ra sao.
Theo một khảo sát của McKinsey đối với 899 Giám đốc cấp cao trên toàn cầu, tỷ lệ trung bình của các hàng hóa và dịch vụ đã được số hóa một phần hoặc hoàn toàn đạt 55% tính đến tháng 7/2020, so với con số 35% vào tháng 12/2019, sự gia tăng phải mất 7 năm nếu là trước đại dịch.
Bên cạnh đó, công nghệ 5G cũng đã được thừa nhận về tính hiệu quả của nó. Theo báo cáo triển vọng hàng năm công bố gần đây của UBS AG, công nghệ 5G đã tạo ra doanh thu tiềm năng hàng năm 619 tỷ USD trong các lĩnh vực tự động hóa, dịch vụ video tăng cường, giám sát và truy dấu, xe công nghệ, thực tế tăng cường và các lĩnh vực khác. Báo cáo cho rằng 5G mở ra vô số các mô hình kinh doanh và có thể thúc đẩy sự gia tăng của một thế hệ lãnh đạo các nền tảng, với sự thành thạo trong việc khai thác công nghệ này. Theo UBS, chi tiêu vốn hàng năm cho việc sản xuất, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị 5G ước tính tăng từ 7,5 tỷ USD vào năm 2019 lên đến 150 tỷ USD vào năm 2025, trong khi hơn 1 tỷ thiết bị sẽ được kết nối mạng 5G trong 3 năm tới.
Tiếp đó là tài chính! Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, thanh toán di động và từ xa, doanh thu hàng năm của lĩnh vực công nghệ tài chính có thể tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2030, so với 150 tỷ USD vào năm 2018. Các nhà bán lẻ cho biết doanh số bán trực tuyến tăng trưởng đáng kể và ngày càng nhiều các doanh nghiệp như nhà hàng, các cửa hàng tạp hóa cũng như các thương hiệu thời trang giữ khách bằng những lựa chọn trực tuyến.
Một xu hướng phát triển kinh tế mới cũng được các chuyên gia đề cập đến trong tình hình hiện nay là Kinh tế xanh (Green Economy). Khái niệm Kinh tế xanh đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đưa ra: "là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái". Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh.
Theo đó, Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Xu hướng phát triển Kinh tế xanh tập trung sẽ bám sát vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định khái niệm "Kinh tế xanh" không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích - phát triển bền vững.
Xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích - phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)
Với các xu hướng phát triển kinh tế xanh, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi dài trong phát triển mô hình kinh tế xanh, theo đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… ở châu Á; Đức, Anh, Pháp, Hà Lan... ở châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.
Hình thành trật tự mới
Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung, sự khó khăn của EU do vấn đề Brexit hay sự kiện Nhật Bản xung đột thương mại với Hàn Quốc là những biểu hiện cho thấy sự suy yếu các cường quốc kinh tế trước sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi. Trong khi Mỹ xem xét lại thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác, rút khỏi Hiệp định Thương mại TPP thì Trung Quốc đang giương cao ngọn cờ toàn cầu hóa kinh tế với chiến lược "Vành đai con đường" và thúc đẩy ký kết Hiệp định RCEP. Theo dự báo, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu và một nửa sản lượng toàn cầu sẽ là những điểm đến chính của thương mại thế giới.
Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên phức tạp hơn xoay quanh quyền chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. (Ảnh minh họa)
Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên phức tạp hơn xoay quanh quyền chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu, vấn đề môi trường khí hậu, năng lượng, tài chính và thương mại… Giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn vẫn duy trì trạng thái "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" theo phương châm: đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu trực tiếp, hòa hoãn nhưng tránh sa vào liên minh chống nước khác.
Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt. Nguy cơ chiến tranh thế giới là ít xảy ra song các cuộc chiến tranh sắc tộc, xung đột tôn giáo và vấn nạn khủng bố quốc tế vẫn tiếp tục xảy ra dưới những hình thức tinh vi hơn. Vì vậy, dù mỗi dân tộc có con đường khác nhau để đi đến sự phát triển đều muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, cục diện kinh tế và chính trị thế giới diễn ra những dịch chuyển lớn về tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia. Báo cáo "Các xu thế toàn cầu 2025: Một thế giới biến đổi" của Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ năm 2008 đã mô tả hệ thống quốc tế của năm 2025 sẽ là một hệ thống đa cực mang tính toàn cầu.
Cục diện đa cực được thể hiện qua các đặc điểm như: "đa cực hóa cân bằng", "đa cực hóa phi đối xứng", "đa cực hóa dựa vào nhau" và "thế giới vô cực" (National Intelligence Council, 2008). Nhiều quan điểm cũng đã đề cập đến một "thế giới đa cực hóa về kinh tế" trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (Calhoun và Georgi, 2011), thậm chí, còn đưa ra nhiều kịch bản khác nhau như quan điểm về ba cực Trung - Mỹ - EU, Trung - Mỹ - Ấn, Trung - Nga - Ấn, "3 thế giới" mới, cục diện "các cường quốc già cỗi và các cường quốc mới trỗi dậy khó phân cao thấp", thế giới "G-0" (Calleo David, 2009). Tuy nhiên, tương quan sức mạnh kinh tế giữa các cường quốc sẽ thay đổi khó lường; những quá trình dịch chuyển nói trên có thể chững lại, thậm chí đảo chiều.
Tóm lại, trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành với vai trò ngày càng lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi. Các chuyên gia bắt đầu nhắc đến nhóm E7 (Emerging 7) với những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng thay thế cho nhóm G7 bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hình thành của trật tự kinh tế thế giới mới sẽ kéo theo những thay đổi lớn đối với hệ thống kinh tế thế giới như các luật lệ kinh tế quốc tế mới, sự hình thành nên các trung tâm tài chính mới hay các thị trường hàng hóa mới trên quy mô toàn cầu.
Sự lên ngôi của công nghệ
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tiếp tục diễn ra nhanh chóng, đặc biệt với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robots, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3 chiều (hay còn gọi là công nghệ chế tạo đắp dần), công nghệ nano, công nghệ sinh học, cơ sở dữ liệu lớn... Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm, sản xuất và các quan hệ chính trị - xã hội.
So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc CMCN 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Tốc độ phát triển của những đột phá trong cách mạng công nghiệp lần này là không có tiền lệ trong lịch sử. Thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai, hiện thực hóa trong các phòng thí nghiệm và thương mại hóa ở quy mô lớn các sản phẩm trên phạm vi toàn cầu được rút ngắn đáng kể.
Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực như kể trên với tốc độ rất nhanh, tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Nhờ vậy, cuộc CMCN 4.0 sẽ có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp – toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia.
Ngoài ra, CMCN 4.0 đang tạo ra sự điều chỉnh lớn của nền kinh tế thế giới: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp: doanh nghiệp có những công nghệ mới sẽ tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ sẽ bị thu hẹp, kể cả đào thải.
Những thành quả công nghệ sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới: các quốc gia dựa vào khai thác tài nguyên sẽ suy giảm, các quốc gia dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ gia tăng sức mạnh.
Biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng
Thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều những thảm họa thiên tai khó lường và hết sức nguy hiểm. Biến đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng, có thể làm đảo lộn những tiến bộ xã hội - kinh tế mà thế giới đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua. Nó làm cho xung đột xuất hiện nhiều hơn bởi làn sóng người dân rời khỏi các khu vực bị hạn hán, hoặc bị nước biển dâng cao sẽ đe dọa sự ổn định của các lãnh thổ còn lại.
Một số chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu có thể cản trở quá trình toàn cầu hóa, khi các quốc gia sẽ chuyển sang xu thế hướng nội để bảo tồn các nguồn tài nguyên khan hiếm. Những thay đổi không cân bằng và rủi ro trên sẽ có chiều hướng gia tăng mạnh và ngày càng trở thành vấn đề chung của toàn cầu.
Nguy cơ về biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện những mô hình phát triển mới, thích ứng với những thay đổi về môi trường như tăng trưởng xanh. Những nền kinh tế chuyển đổi thành công sang mô hình mới này sẽ có nhiều dư địa phát triển và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; ngược lại, những nền kinh tế chậm chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nước sẽ tùy vào điều kiện và lợi thế của mình để lựa chọn những chiến lược, những ngành phát triển phù hợp.