Bưu điện tỉnh Bình Định tham gia 4/5 bước giải quyết TTHC

AD| 19/10/2022 20:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 19/10, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp bàn về phương án triển khai việc giao doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Bưu điện Việt Nam có thể tham gia 4 bước giải quyết TTHC

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là các địa phương được phép giao một số nhiệm vụ hành chính công cho DN bưu chính công ích (BCCI) thực hiện.

Theo đó, trong 5 bước giải quyết TTHC là hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC và trả kết quả giải TTHC, DN BCCI - Bưu điện Việt Nam (BĐVN) có thể tham gia tại 4 khâu (hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả).

Tỉnh Bình Định hiện có 01 Trung tâm Phục vụ hành chính công, 11 Bộ phận một cửa (BPMC) cấp huyện, 159 BPMC cấp xã với 1.113 cán bộ công chức làm việc tại 3 cấp.

Theo ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định, trước mắt, Bưu điện tỉnh đề xuất chuyển giao cho nhân viên tham gia hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và BPMC. Sau đó, sẽ tiếp tục bố trí trụ sở BPMC của 3 huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh đặt tại Bưu điện huyện; đồng thời xây dựng BPMC phi địa giới hành chính tại Tam Quan - Hoài Nhơn và Bình Dương – Phù Mỹ để người dân có thể thuận lợi nộp hồ sơ giải quyết cho các cấp bất kỳ.

"Căn cứ số lượng hồ sơ phát sinh, chúng tôi sẽ bố trí nhân viên Bưu điện tham gia tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Một nhân viên Bưu điện sẽ đảm nhận một số lĩnh vực nhưng không quá tải, đảm bảo người dân không phải chờ đợi lâu", ông Bình cho biết thêm.

9 tháng đầu năm Bưu điện tỉnh đã tham gia tiếp nhận 8.200 hồ sơ và chuyển trả 24.941 kết quả giải quyết TTHC. 100% hồ sơ đều đảm bảo chất lượng, an toàn và thời gian thực hiện theo đúng quy định.

Theo ông Võ Gia Nghĩa, Phó Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Bình Định, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, mỗi nhân viên bưu điện tham gia tại BPMC đều phải thực hiện các nhiệm vụ như một công chức tại BPMC.

Ví dụ như, hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ, làm các TTHC; tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC; số hóa hồ sơ (số lượng hồ sơ số hóa do các cơ quan hành chính quy định), trả kết quả giải quyết TTHC. Các nhân viên này phải đạt được các tiêu chuẩn về lý lịch, tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm triển khai các dịch vụ hành chính công…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bình cho biết, Bưu điện tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp nhân viên có đủ trình độ, năng lực để thay thế cán bộ công chức tham gia hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và BPMC. Đồng thời, bố trí đặt trụ sở BPMC tại Bưu điện có vị trí, diện tích đảm bảo và phù hợp.

Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh cũng sẵn sàng tham gia triển khai số hóa hồ sơ, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; Luân chuyển hồ sơ giải quyết TTHC giữa các cơ quan với Trung tâm Phục vụ hành chính công, BPMC.

Ủng hộ phương án của Bưu điện tỉnh đề xuất, ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định cho biết, Sở TT&TT có 41 TTHC triển khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, mỗi năm có khoảng 165 hồ sơ, nếu chia ra mỗi tuần chỉ có 3 hồ sơ được thực hiện.

Trong khi đó, đơn vị này vẫn phải bố trí 01 cán bộ ngồi 8 tiếng/ngày để tiếp nhận hồ sơ. Đặc biệt, 95% hồ sơ đều được làm trực tuyến, lượng hồ sơ trực tiếp được thực hiện tại BPMC rất ít. Nếu Bưu điện bố trí nhân viên tham gia tiếp nhận hồ sơ tại đây, Sở TT&TT sẽ xung phong thí điểm đầu tiên.

Bưu điện tỉnh Bình Định có thể tham gia 4/5 bước giải quyết TTHC - Ảnh 1.

Tận dụng, phát huy mạng lưới BCCI cũng như chuyển giao một số công việc trong quá trình giải quyết TTHC cho Bưu điện đảm nhận sẽ giúp các địa phương có thể tiết kiệm được 27- 33% chi phí.

Tận dụng, phát huy mạng lưới BCCI trong quá trình giải quyết TTHC giúp tiết kiệm được 27 - 33% chi phí

Tại buổi làm việc, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết việc tận dụng, phát huy mạng lưới bưu chính công ích cũng như chuyển giao một số công việc trong quá trình giải quyết TTHC cho Bưu điện đảm nhận sẽ giúp các địa phương có thể tiết kiệm được 27 - 33% chi phí.

Đặc biệt, việc chuyển giao này cũng góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của BPMC, đẩy mạnh cải cách TTHC, cũng như đem lại sự thuận tiện và các lợi ích thiết thực cho người dân.

Đối với vấn đề nhân lực tham gia tại BPMC, Bưu điện tỉnh không chỉ lựa chọn chặt chẽ theo các tiêu chí về lý lịch, độ tuổi, năng lực, trình độ mà còn chú trọng thêm tới ngoại hình, kỹ năng giao tiếp… Trong trường hợp những cán bộ thuộc các Sở, ngành, địa phương có nhu cầu sang làm việc tại BPMC do Bưu điện nhận chuyển giao mà đảm bảo những yếu tố đó thì Bưu điện cũng sẵn sàng tiếp nhận.

Đặc biệt, BĐVN cũng đã phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia và các trường liên quan về hành chính công để đào tạo nguồn nhân lực phụ trách công tác này. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp với các Sở, ngành, địa phương để đào tạo, bổ sung thêm. Các học viên phải được đánh giá đạt yêu cầu, chất lượng mới được tham gia vào tiếp nhận các TTHC công tại BPMC.

"BĐVN cam kết sẽ hỗ trợ và đầu tư để Bưu điện tỉnh Bình Định có thể thực hiện tốt việc chuyển giao các nhiệm vụ hành chính công với mục tiêu cao nhất là góp phần tạo sự đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, hướng đến một nền hành chính vì dân phục vụ", ông Hào khẳng định.

Cả nước hiện có 22 tỉnh, thành phố đã giao cho nhân viên Bưu điện thực hiện các nhiệm vụ thay thế cán bộ công chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và BPMC các cấp. Đặc biệt, một số tỉnh đã giao 100% TTHC thuộc các Sở, ngành tại Trung tâm phục vụ hành chính công cho nhân viên Bưu điện thực hiện.

Điển hình như Gia Lai, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã đặt tại Bưu điện tỉnh. 18 Sở, ngành đã chuyển giao 100% TTHC cho 10 nhân viên Bưu điện thực hiện. Tại BPMC cấp huyện có 16/17 huyện đặt tại Bưu điện huyện, 100% TTHC chuyển giao cho 55 nhân viên Bưu điện thực hiện. Còn tại cấp xã cũng có tới 14 BPMC đặt tại Bưu điện Văn hóa xã. 100% TTHC tại đây cũng chuyển giao cho 14 nhân viên Bưu điện thực hiện./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện tỉnh Bình Định tham gia 4/5 bước giải quyết TTHC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO