Các nhà báo quốc tế tác nghiệp thế nào trong đại dịch Covid-19?

Bảo Bình| 02/08/2020 06:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc khủng hoảng COVID-19 gần như thống trị mọi tòa soạn báo trong vài tháng nay, mỗi ngày, mỗi giờ lại có thêm tin tức mới về virus Corona chủng mới này.

Làm thế nào các nhà báo thế giới, các kênh tin tức, truyền hình có thể phủ sóng mọi vấn đề liên quan đến COVID-19 một cách đầy đủ và nhanh chóng đến như vậy? Họ đã sử dụng những phương pháp thu thập thông tin nào, những công cụ tác nghiệp "hi-tech" như thế nào để đưa tin và phân tích về cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến cả thế giới lo lắng?

Bài viết này sẽ tập trung năm phương pháp cụ thể mà các nhà báo thế giới đã sử dụng thành công để giúp cộng đồng cập nhật và hiểu biết về đại dịch. Tất nhiên, đây không phải là danh sách những cách đưa tin hay nhất, tốt nhất song nó thể hiện sự đa dạng và sáng tạo mà các hãng tin tức đã áp dụng với một đại dịch toàn cầu như COVID-19.

Áp lực của bệnh viện sẽ phản ánh tất cả

Một mối quan tâm lớn ở mọi quốc gia khi xảy ra cơn khủng hoảng dịch bệnh chính là sự căng thẳng, áp lực mà căn bệnh lây lan nhanh chóng đã gây ra cho các dịch vụ y tế, cho các bác sỹ, y tá, các bệnh viện phải gồng mình chăm sóc trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, khiến tất cả rơi vào tình trạng thiếu thiết bị và đồ bảo hộ nghiêm trọng.

Số liệu thống kê giúp minh họa những thách thức mà đại dịch mang đến cho ngành y tế, nhưng dữ liệu cũng chỉ có thể kể một phần câu chuyện, đặc biệt chưa chắc số liệu đã lột tả hết thực tế khắc nghiệt. Chính vì thế, những câu chuyện hiệu quả nhất về chủ đề này là những bài viết đã đưa độc giả vào tận trong bệnh viện, để thấy những điều kiện khắc nghiệt mà các bác sỹ, y tá đang phải đối mặt.

Các nhà báo quốc tế tác nghiệp thế nào trong đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Trong bối cảnh đỉnh dịch lên cao, hãng tin Sky News đã tạo ra một bài viết hiệu quả từ bệnh viện ở Bergamo, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vào thời điểm đó ở Ý. Những hình ảnh bệnh nhân la liệt tại bệnh viện, bác sỹ, y tá mặc đồ bảo hộ kín mít đã giúp truyền đạt sự khẩn cấp của cuộc khủng hoảng, vào đúng thời điểm nhiều người vẫn đang mơ hồ chưa hiểu ảnh hưởng và nguy cơ của đại dịch.

Những hãng tin, đài truyền hình với chuyên môn xuất sắc đều có bài viết, video phản ánh thực tế bệnh viện trong đại dịch COVID-19. Chẳng hạn như bộ phim tài liệu RTBF-France 3 kể về bệnh viện ở La Louviere, Bỉ, hay bài viết của BBC về phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học College ở London và câu chuyện của ITV News từ Bệnh viện Hoàng gia Bournemouth.

Biểu đồ độc đáo cho thấy tại sao giãn cách xã hội vô cùng quan trọng

Về điểm này, phải nhắc đến một bài viết tương tác của báo Washington Post, bài viết rất thành công và trở thành bài viết được đọc nhiều nhất của Washington Post, ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã chia sẻ nó trên Twitter. Vì sao bài viết này lại thành công đến vậy?

Bởi vì, nó đã có những đồ họa sinh động nhất, dễ hiểu nhất về sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh và tầm quan trọng của giãn cách xã hội, chỉ bằng những dấu chấm. Nhưng với kỹ thuật đồ họa, xử lý hình ảnh chuyên nghiệp, bài viết đã lột tả được những điều trên. Chỉ là một dấu chấm, nhưng chỉ cần nó di chuyển, và chạm vào những dấu chấm khác, ngay lập tức những dấu chấm kia chuyển màu, và các con số bệnh nhân nhiễm bệnh tăng lên vùn vụt theo sự di chuyển của các dấu chấm.

Washington Post đã đăng bài viết đó nhiều ngôn ngữ khác nhau và nhiều nhà xuất bản trên thế giới đã sản xuất ra những câu chuyện tương tự cho khán giả địa phương của họ.

Những hình ảnh tương tác như vậy rất hữu ích trong việc lý giải tại sao giãn cách xã hội lại là một vũ khí hiệu quả để "làm thẳng đường cong" đồ thị số người nhiễm bệnh và kiểm soát sự bùng phát. Những hình ảnh này cũng giúp minh họa khái niệm khoa học hệ số lây nhiễm hay giá trị R, sẽ tiếp tục nổi bật trong các cuộc thảo luận về các biện pháp chính sách và chăm sóc sức khỏe.

Minh họa sự lây lan về mặt địa lý của virus

Rõ ràng COVID-19 lan rộng và gây gián đoạn lớn trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều câu hỏi được đưa ra về về nguồn gốc của virus: khi được phát hiện lần đầu tiên, Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp nào trong những ngày đầu và làm thế nào virus lây lan ra khỏi Trung Quốc?

Đây là những câu hỏi, những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn. Chính vì thế, một bài viết đã được xuất bản trong những tuần đầu tiên xảy ra đại dịch trên báo La Repubblica, trong đó khám phá chi tiết những biện pháp, hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trong giai đoạn quan trọng này.

Trong khi đó, các phóng viên New York Times lại có cách minh họa trực quan bằng đồ họa tương tác mô tả quy mô và tốc độ lan truyền của virus. Đồ họa mô tả cách thức virus lây lan lần đầu tiên từ Vũ Hán đến các thành phố khác ở Trung Quốc như thế nào, và sau đó là lan đến dòng người quốc tế để từ đó COVID-19 ra ngoài nước. Đó thực sự là một bài viết công phu, sử dụng những công cụ đồ họa hiện đại, công nghệ cao giúp người đọc hình dung rõ nét về đường đi nước bước của virus từ chợ hải sản Vũ Hán đến cả thế giới. Nếu bạn quan tâm, có thể mở bài viết đó để xem theo đường link này: https://www.nytimes. com/interactive/2020/03/22/world/coronavirus-spread.html

Báo chí dữ liệu và phân tích thống kê

Một phần quan trọng của tin tức đương nhiên là các số liệu thống kê mô tả sự lây lan của đại dịch. Nhiều nhà xuất bản liên tục duy trì các số liệu được thống kê theo thời gian thực về căn bệnh.

Chẳng hạn, báo Der Spiegel của Đức có một bộ biểu đồ được cập nhật thường xuyên về các so sánh quốc tế và sự lây lan của virus trong nước Đức. Tương tự, báo Sud Ouest ở Pháp cũng có bảng số liệu được cập nhật hàng ngày, bao gồm các dữ liệu cần thiết về sự lây lan của virus ở các khu vực khác nhau tại Pháp.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng này, ngày càng thấy rõ số liệu chính thức về các ca nhiễm COVID-19 và số người tử vong không phải lúc nào cũng phản ánh bức tranh đầy đủ về dịch bệnh. Ví dụ, loại hình, quy mô xét nghiệm đã khiến số liệu nhiều khi bị lệch chuẩn, hay điều kiện xét nghiệm trong dân cư của các nước nghèo, cũng khiến số liệu không phản ánh hết được thực tế.

Tuy nhiên, các nhà báo dữ liệu đã cố gắng lấp đầy những khoảng trống như vậy bằng các ước tính riêng của họ, chẳng hạn như báo Financial Times và New York Times. Tất nhiên, để làm được điều này, các nhà báo phải có khả năng phân tích, bình luận, tổng hợp số liệu, tin tức trên quy mô diện rộng.

Chống lại đại dịch tin giả

Cuối cùng, cùng với đại dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến một đại dịch tin giả lan rộng. Đó cũng là một cuộc chiến mà các nhà báo phải chống chọi. Thông tin sai lệch lưu hành trên nhiều nền tảng khác nhau, tạo ra một thách thức rõ ràng cho các nhà báo và nhà khoa học nhằm mục đích thông báo cho công chúng về căn bệnh này và giúp họ phát hiện thông tin sai lệch.

Một trong những nguồn thông tin sai lệch nhưng lại được lan truyền rộng rãi là video Plandemic, nó tuyên bố về một kế hoạch bí mật phía sau cơn đại dịch. Plandemic là một "bộ phim tài liệu" dài 26 phút. Ban đầu, nó được đăng trên YouTube, sau đó nhanh chóng lan truyền trên các cộng đồng online, trên các nhóm Facebook và trên các trang chuyên đưa ra những quan điểm anti-vaccine cùng những lý thuyết bí ẩn khác. Trong vòng 1 tuần, Plandemic đã được xem hơn 8 triệu lần và quét qua các nền tảng.

Chính vì thế, các nhà báo chân chính đã vào cuộc. Các nền tảng mạng xã hội cũng cùng nhau chống lại Plandemic và các nguồn thông tin sai lệch khác.

Báo ProPublica trong bài viết "Tôi là một phóng viên điều tra. Đây là những câu hỏi tôi đặt ra cho video Plandemic", đã không chỉ vạch trần tính chất sai lệch của video mà còn trang bị cho độc giả một danh sách cách phát hiện tin giả về đại dịch.

Mặc dù đã bị YouTube, Vimeo và Facebook xóa khỏi các nền tảng, video Plandemic vẫn tiếp tục lan truyền rộng rãi. Viện Reuters đã đưa ra một thông tin cũng hữu ích trong việc giúp mọi người cố gắng nhận diện thông tin sai lệch về COVID-19. Thông tin sai lệch như vậy đang gây ra hậu quả thực tế, chẳng hạn như các cuộc tấn công nhằm vào những nhân viên điện thoại và viễn thông ở Anh, hay những âm mưu anti-vaccine sẽ ngăn cản mọi người tiêm vắc-xin phòng chống virus Corona.

Với Plandemic, các phóng viên, biên tập viên, tòa soạn báo đã phải đặt ra những câu hỏi như "Ai đã cố lan truyền nó? Ai đứng đằng sau? Video xuất phát từ đâu?" Thậm chí, theo Firstdraftnews, đôi khi các nhà báo phải lùi lại và nói không phải lúc nào cũng nhất thiết phải có ai đứng đằng sau một luồng thông tin giả. Bởi vì, có những người, họ rất giỏi "bịa chuyện", chia sẻ và khiến tin giả lan truyền chóng mặt mà bản thân họ không có âm mưu "troll" bất cứ ai, bất cứ cái gì. Đó là một phần bộ mặt của đời sống Internet hiện đại.

Trong đại dịch COVID-19, trước đại dịch tin giả, các nhà báo, tòa soạn phải kiểm tra chéo tin tức. Ngoài ra, trong nỗ lực chống lại tin giả, các phóng viên, nhà báo kiểm tra số liệu trên toàn thế giới đã kết hợp với nhau thông qua Liên minh #CoronaVirusFacts Alliance, với cơ sở dữ liệu toàn cầu về những thông tin sai lệch bị phát hiện.

Thông tin sai lệch, hay tin giả đã được gọi tên đích danh là "infodemic", để thấy sức lan truyền và phá hủy khủng khiếp của tin giả là như thế nào. Chính Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom, đã sử dụng từ này, "infodemic", để cảnh báo chống lại tình trạng quá tải thông tin về virus Corona mới và căn bệnh mà nó gây ra, trong đó có không ít tin giả. Tình trạng này khiến việc quản lý khủng hoảng trở nên khó khăn hơn trên toàn cầu.

Chính vì thế, hơn lúc nào hết, đại dịch COVID-19 đã khiến "nhà báo khoa học" (science communication) trở nên cần thiết, cấp bách. Những bài báo mang tính nghiên cứu chuyên sâu, dựa trên các căn cứ khoa học, nhưng lại được chuyển tải bằng ngôn ngữ báo chí dễ hiểu với công chúng, sẽ giúp công chúng tin tưởng và hiểu biết, nhận diện những thông tin sai lệch.

Tài liệu tham khảo:

1. https://questproject.eu

2. https://datajournalism.com/

3. https://www.nytimes.com/

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các nhà báo quốc tế tác nghiệp thế nào trong đại dịch Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO