Cải cách thủ tục hành chính - “chìa khóa” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang

T.H| 13/10/2021 20:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện giải quyết TTHC những năm qua luôn được Hậu Giang chú trọng thực hiện, từ đó làm cho nền hành chính ngày càng minh bạch, dân chủ, có tính chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Kết quả tích cực

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính được tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động cụ thể như: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đều phát huy hiệu quả.

Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, gắn với thực hiện xây dựng chính quyền điện tử; đồng thời, tăng cường ứng dụng các dịch vụ công gắn với rà soát, cắt bỏ các quy trình trung gian, chồng chéo, những thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện trong từng thủ tục hành chính còn rườm rà không cần thiết, dễ dẫn đến tham nhũng, từ đó làm cho nền hành chính ngày càng minh bạch, dân chủ, có tính chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, cải cách TTHC được xem là một trong những "chìa khóa" quan trọng giúp tỉnh Hậu Giang thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn tỉnh đã thực hiện đạt 100% một cửa, một cửa liên thông.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện Việt Nam chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại Bưu điện đối với 11/13 đơn vị.

Ấn tượng hơn cả, Hậu Giang còn là tỉnh đầu tiên đưa ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công 1900866895. Với Tổng đài hoạt động 24/24 giờ, đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm, người dân hay doanh nghiệp đều có thể tham khảo các thông tin cần thiết trước khi thực hiện dịch vụ công, từ đó tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đi lại. Đây không chỉ là bước đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh mà còn tạo hướng mới cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.

Cùng với đó, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hậu Giang cũng được khai trương, giải quyết TTHC theo nguyên tắc "4 tại chỗ": tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả; "5 tại chỗ": tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả. Trung tâm còn được trang bị máy lấy số, máy tính, máy quét tài liệu cho người dân nộp trực tuyến, màn hình hiển thị tại các quầy…  tra cứu TTHC, máy tính bảng đánh giá hài lòng tại các quầy và màn hình hiển thị kết quả đánh giá mức độ hài lòng.

Hiện Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hậu Giang có 26 thủ tục hành chính thực hiện theo nguyên tắc "4 tại chỗ" và 233 TTHC theo nguyên tắc "5 tại chỗ" với hơn 10.000 hồ sơ, đạt 97% trên tổng số hồ sơ của các TTHC đã đăng ký. Số dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 được cung cấp tại Trung tâm là 436, đạt 34%. Số hồ sơ trực tuyến là 6.959, trung bình đạt 45%, riêng Sở Công thương có số hồ sơ trực tuyến nhiều nhất với hơn 4.100 hồ sơ.

Trước đó, tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ, phần mềm để hiện đại hóa hành chính công ở tỉnh như thiết lập tài khoản Zalo "Phản ánh về thủ tục hành chính Hậu Giang"; phần mềm Quản lý văn bản giúp các đơn vị tra cứu, khai thác văn bản; triển khai ứng dụng "Hậu Giang" hỗ trợ phản ánh hiện trường, đặt lịch khám bệnh, xem lịch làm việc...; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh…

Cải cách thủ tục hành chính - “chìa khóa” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang - Ảnh 1.

Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh Hậu Giang. (Ảnh Cổng TTĐT Hậu Giang).

Nâng mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính

Nhằm phát huy kết quả đạt được, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và yêu cầu của công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn mới, Hậu Giang đã triển khai thực hiện Đề án về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước 3 cấp thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Thủ tục hành chính được cải cách cơ bản, nâng mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh. Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2025; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đạt mức trên 80%.

Triển khai mô hình thí điểm chính quyền điện tử và đô thị thông minh tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, phấn đấu đến năm 2025 thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy trở thành đô thị thông minh của tỉnh,...

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, các Sở, ban, ngành và địa phương luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, nội dung cải cách hành chính của Nhà nước.

Tăng cường sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Tiếp tục sử dụng công cụ, biện pháp thiết thực để phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính như tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn nhân lực và tài chính cho cải cách hành chính.Thực hiện đúng quy định về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước; tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn lực chất lượng cao; triển khai đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính.

Đồng thời, tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội với doanh nghiệp, người lao động, nhân dân,…; huy động sự tham gia tích cực của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tích cực phản ánh, kiến nghị, góp ý về các dự thảo văn bản, các chủ trương, chính sách để tăng tính phản biện.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cải cách thủ tục hành chính - “chìa khóa” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO