Cần sớm có chính sách hỗ trợ DN Việt trong nền kinh tế chia sẻ

Thế Phương| 09/12/2020 20:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Dự thảo Báo cáo về kinh tế chia sẻ tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp (DN) Việt đang đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm thông qua việc mua lại cổ phần. Từ đó, dự thảo báo cáo đưa ra kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ, lựa chọn các DN Việt mũi nhọn để đầu tư vốn, công nghệ và nhân lực.

Sẽ có thêm nhiều mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Theo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư xin ý kiến tháng 12/2020, ở Việt Nam, mặc dù kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như tại nhiều nước trên thế giới, nhưng trong những năm gần đây, mô hình này đã có bước phát triển nhanh chóng. Như trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam, theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng gần 70.000 xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng dịch vụ trực tuyến với Grab, Gojek, be, Fastgo...

Cần sớm có chính sách hỗ trợ DN Việt trước khi bị nước ngoài chi phối - Ảnh 1.

Sự xuất hiện của các ứng dụng kinh tế chia sẻ ngoại như Grab đã góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh với các dịch vụ truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tương tự, trong lĩnh vực lưu trú du lịch, theo nghiên cứu của Outbox (2019), đã có 18.230 chủ nhà cho thuê trên nền tảng Airbnb. Tổng số lượt khách đặt phòng qua Airbnb tới Việt Nam năm 2017 khoảng 400.000 người, trong đó 84% khách hàng là người nước ngoài.

Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending), hiện có khoảng 100 công ty đang hoạt động. Trong đó, chỉ tính riêng công ty Tima đã có trên 6 triệu đơn vay được tư vấn… Điều đó cho thấy sự sôi động của hoạt động kinh tế chia sẻ trên thị trường.

Từ đó, bản dự thảo báo cáo khẳng định, trong thời gian tới, khi mô hình kinh tế chia sẻ phát triển mạnh cả về loại hình và quy mô hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có thể phát sinh nhiều mô hình trong các lĩnh vực kinh doanh khác (ngoài lĩnh vực vận tải, lưu trú và cho vay ngang hàng như hiện nay).

Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn vào phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Từ đó, sẽ kéo theo nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số và các lĩnh vực logistics khác, tạo ra hiệu ứng tràn về đầu tư đối với nền kinh tế, nhờ đó nâng cao quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần sớm có chính sách hỗ trợ DN Việt trước khi bị nước ngoài chi phối - Ảnh 2.

Các ứng dụng P2P Lending như Tima đã giúp mở rộng thị trường cho lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Kinh tế chia sẻ đã giúp thúc đẩy cạnh tranh và mở rộng thị trường

Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế khẳng định, sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, thị trường dịch vụ vận tải, sự xuất hiện của Grab, Uber đã khiến thị trường có thêm những nhà cung cấp dịch vụ vụ mới như VATO, be, Fastgo, Gojek.

Điều này đã tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Đồng thời, do có cơ chế phản hồi và đánh giá dịch vụ qua ứng dụng, các đối tác vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

Câu chuyện tương tự trong thị trường lưu trú (Airbnb, Luxstay…) và tài chính ngân hàng (Tima, Fiin...) đã vừa tạo ra sự cạnh tranh lên các dịch vụ truyền thống, vừa khiến thị trường mở rộng hơn, giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn.

Như vậy, với sự xuất hiện và phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ đã trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy phát triển các đơn vị kinh doanh, là động lực để các đơn vị tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh. Đồng thời, kinh tế chia sẻ cũng tạo hiệu ứng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường một số ngành sản phẩm dịch vụ ở Việt Nam.

Còn tồn tại nhiều lỗ hổng gây bất lợi cho thị trường

Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm. Hiện nay, đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ của Việt Nam. Thậm chí, các tập đoàn nước ngoài chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, như đối với nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, nhà nước cần sớm ban hành và triển khai chiến lược, chính sách hỗ trợ các DN trong nước để tránh bị các DN lớn của nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia chi phối hoàn toàn thị trường kinh tế chia sẻ trong nước.

Trên thực tế, thị phần của kinh tế chia sẻ trên thị trường một số ngành sản phẩm dịch vụ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do các DN nước ngoài cung cấp nền tảng kết nối chi phối. Ví dụ, Grab Car, Gojek trên thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến; Airbnb, Expedia trên thị trường dịch vụ chia sẻ phòng ở….

Trong khi đó, hệ thống pháp luật lại không theo kịp diễn biến này trên thị trường trong nước, đang để ngỏ nhiều khoảng trống pháp luật. Điều này không phải là không có cơ sở, trong chương trình Shark Tank mùa 3 năm 2019, khi kêu gọi đầu tư cho Luxstay, Shark Dũng đã nhấn mạnh, nếu DN Việt như Luxstay không quyết tâm và không làm được, thị trường sẽ rơi vào tay các DN nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có rất ít sản phẩm công nghệ đủ cạnh tranh với sản phẩm ngoại.

Cần sớm có chính sách hỗ trợ DN Việt trước khi bị nước ngoài chi phối - Ảnh 3.

Nếu không sớm có các chính sách hỗ trợ các DN Việt Nam, thị trường kinh tế chia sẻ sẽ rơi vào tay nước ngoài.

Lựa chọn DN Việt mũi nhọn để đầu tư

Từ đó, bản dự thảo đã đưa ra một số kiến nghị bao gồm: Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý kinh tế chia sẻ, tạo sự cạnh tranh giữa DN theo mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình truyền thống, giữa DN trong và ngoài nước; Tạo điều kiện, hỗ trợ DN truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; Chủ động giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; Nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ, phát triển nhanh các công nghệ nền tảng; Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và đảm bảo an ninh mạng;

Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thị trường lao động liên quan đến phát triển từng loại hình; Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến quan hệ lao động cả trên phương diện kỹ thuật; Chủ động xây dựng điều chỉnh chính sách thuế và các công cụ của chính sách...

Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo còn kiến nghị việc quy định mọi giao dịch thanh toán xuyên biên giới đều phải thông qua cổng thanh toán quốc gia, đơn vị cung cấp và vận hành do Ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động; chủ động ứng phó nguy cơ bị nước ngoài "thâu tóm" thị trường trong nước; Tổ chức nắm tình hình việc các tập đoàn, tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư và mua lại cổ phần tại các DN thuộc các loại hình kinh tế chia sẻ trong nước.

Cũng theo Dự thảo, cần nghiên cứu xây dựng các rào cản kỹ thuật để hạn chế việc các DN công nghệ lớn, các DN cung cấp nền tảng lớn bị thâu tóm trong nước bằng cách chủ động lựa chọn các DN trong nước đóng vai trò mũi nhọn. Từ đó đầu tư vốn, công nghệ và nhân lực nhằm tạo ra những DN trong nước mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Bản dự thảo kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đánh giá tác động của từng loại hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình qua đó đề xuất cơ chế quản lý phù hợp; Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định về phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; Chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ.

Cuối cùng, Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể về các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới, trong đó có các loại hình kinh tế chia sẻ theo quy định tại Luật Đầu tư 2020.

Bản dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ TT&TT: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật có liên quan; Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng Nghị định liên quan đến kinh tế chia sẻ.

Bộ TT&TT cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất và tham mưu Chính phủ chính sách mở để thu hút, đưa các nền tảng công nghệ, dịch vụ lớn trên thế giới đặt tại Việt Nam, có cơ chế quản lý công bằng giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài, trước hết là chính sách về cung cấp dịch vụ Internet, kết nối Internet, trạm trung chuyển Internet, trung tâm dữ liệu, đặc biệt là các IDC tập trung.

Cuối cùng, Bộ TT&TT chủ trì nghiên cứu và tham mưu chính phủ xây dựng chiến lược phát triển Việt Nam thành Hub Internet khu vực, trong đó các mạng độc lập tăng cường kết nối VNIX để trao đổi lưu lượng, đảm bảo kết nối Internet trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng dụng, dịch vụ kinh tế số, kinh tế chia sẻ phát triển.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm có chính sách hỗ trợ DN Việt trong nền kinh tế chia sẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO