CĐS có trọng tâm, trọng điểm để phát triển nhanh, bền vững hơn

AD| 31/05/2022 22:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng Chính phủ (VPCP) mới đây đã phát hành Thông báo số 159/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) ngày 27/4/2022.

Thông báo nêu rõ, CĐS quốc gia là công việc lớn, có nhiều khó khăn, thách thức, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS trong sự phát triển chung của đất nước, thực hiện các mục tiêu quan trọng của Đại hội XIII của Đảng đề ra, yêu cầu của sự phát triển gắn với thực tiễn.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Quốc gia về CĐS đã hoạt động rất tích cực, thúc đẩy công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện CĐS quốc gia, đã có báo cáo chuyên đề hàng tuần cung cấp nhiều thông tin, nội dung hay, bổ ích với bức tranh toàn cảnh.

Dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu khu vực ASEAN về CĐS

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ CĐS đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở tất cả các cấp, ngành đã có chuyển biến, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS nhưng so với yêu cầu hành động phải đẩy mạnh hơn nữa, bằng hành động thực chất.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo, có trọng tâm, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định về CĐS, trong đó lựa chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia để thúc đẩy công tác này.

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số (CPS) được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt CSDL quốc gia về dân cư, được tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư với trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên.

Đồng thời, triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân (CCCD); cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thể CCCD trong khám chữa bệnh... từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số...

Trong khi đó, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng DVC quốc gia đã tích hợp 3.552 DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) (triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - đã tích hợp thêm 11/25 DVCTT mức độ 3, 4). Hệ thống hóa đơn điện tử cũng đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và DN...

Đặc biệt, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế ngày càng tăng. Số DN công nghệ số thành lập mới tăng gần 500 DN so với năm 2021. Đào tạo nhân lực cho CĐS tiếp tục được quan tâm; quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn cho gần 1.000 cán bộ, công chức. Mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được 10.000 cán nộ, công chức về CĐS.

Xã hội số, với trọng tâm là công dân số được chú trọng, một số ứng dụng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, được đông đảo người dân sử dụng; số người nộp thuế, thanh toán trực tuyến tăng nhưng so với sự phát triển đòi hỏi phải tăng cao hơn nữa.

Các hoạt động CĐS được quốc tế đánh giá cao và dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu khu vực ASEAN về CĐS.

Khắc phục những hạn chế để CĐS đi vào thực chất và hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để CĐS đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Trước hết là nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở các bộ, ngành, địa phương tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc, việc thực hiện còn mang tính hình thức, cần quyết liệt loại bỏ căn bệnh này.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp, cần huy động vai trò của người dân, DN vào việc xây dựng thể chế.

Chất lượng cung cấp DVCTT chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế, tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT và hồ sơ trực tuyến còn thấp; chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được hưởng thụ nhiều tiện ích quan trọng mang lại như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… để giúp mọi người bình đẳng hưởng thụ, phát triển.

Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, nhất là CSDL đất đai quốc gia cần phải được đẩy mạnh. Nhiều nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử triển khai vẫn còn chậm, kết nối giữa các nền tảng còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ dữ liệu người dân, an toàn công nghệ số chưa được chú trọng đúng mức.

Công tác đào tạo về ứng dụng CNTT ở nhiều nơi vẫn còn chưa được chú trọng, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Nguồn lực triển khai CPS, kinh tế số, xã hội số vẫn còn hạn chế.

Thực hiện CĐS có trọng tâm, trọng điểm để phát triển nhanh và bền vững hơn - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về CĐS ngày 27/4/2022.

Cần hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. 

Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất một số quan điểm trong việc triển khai như: liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, kết thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được nhằm tạo không gian phát triển mới, động lực mới. 

Có tư duy đột phá để tạo ra nguồn lực có tính chất đột phá vì nguồn lực xuất phát từ tư duy và phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phát triển có lộ trình, an toàn, bền vững, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Phát huy tính chủ động, sáng tạo và huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy CĐS gắn với thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo;…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2022 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban Chỉ đạo CĐS của bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển CPS, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về CĐS.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT sớm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban thành lập Văn phòng hoặc bộ phận tham mưu cho Ủy ban để kiện toàn bộ phận giúp việc có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế; Hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ CĐS, phát triển CPS, kinh tế số, xã hội số.

Bộ TT&TT phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, dựa vào phong trào thanh niên, phải có trọng tâm, trọng điểm, vừa có lợi ích quốc gia, lợi ích chung gắn với lợi ích cá nhân để tạo động lực cho mỗi người.

Đồng thời, chủ động đôn đốc, kiểm tra, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển CPS, kinh tế số và xã hội số theo các chiến lược, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; báo cáo tình hình triển khai tại các phiên họp của Ủy ban.

Bộ TT&TT cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc đổi tên đơn vị chuyên trách về CNTT bảo đảm thống nhất, phù hợp với định hướng cải cách, tinh gọn bộ máy.

VPCP phối hợp với Bộ TT&TT kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện các chương trình chung của Ủy ban; tập trung xây dựng, phát triển, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số…

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, nhất là những vấn đề mới nhằm tạo sự đồng thuận, nắm bắt được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chính sách đi vào thực thi, đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách…./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS có trọng tâm, trọng điểm để phát triển nhanh, bền vững hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO