CĐS là xu thế tất yếu
Trước băn khoăn của nhiều SME có cần CĐS, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV cho biết việc dịch chuyển lên mạng là xu hướng tất yếu của thế giới. Trừ một số ngành nghề đặc biệt, còn bây giờ tất cả các ngành nghề đều lên mạng, trực tuyến (online). Ngồi ở một nơi, hiện nay chúng ta đều có thể tiếp cận hàng triệu người, khách hàng trên khắp thế giới. Như vừa rồi truyền thông có đưa tin một bạn kinh doanh online đã nộp 23 tỷ đồng tiền thuế. Như vậy, có thể nói bạn này đã đã tiếp cận được hàng triệu, hàng tỷ khách hàng trên các nền tảng số khắp thế giới.
"Chúng ta không thể cưỡng được xu hướng lên môi trường mạng bởi vì môi trường mạng mang lại nhiều lợi ích, làm thay đổi cách thức hoạt động, kinh doanh, đem đến hiệu quả, mang lại cơ hội cho nhiều người", ông Quảng nhấn mạnh.
Còn theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Misa, xu hướng online đã rõ ràng hơn khi thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Trong đại dịch, DN muốn duy trì phải nghĩ đến giải pháp online. Năm 2020, Bộ TT&TT đã quyết liệt thúc đẩy CĐS. Năm 2021 là thời điểm mà gần như các DN, các cơ quan hiểu được giá trị cần thiết của CĐS. Chương trình SMEdx thực sự là có ý nghĩa đối với lại các DN cũng như các cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình CĐS.
Còn theo ông Lê Việt Thắng, đồng sáng lập 1Office, CĐS là giúp các DN có được chiếc đồng hồ đo để DN có được những quyết định đúng đắn tại những "khúc cua" trong quá trình kinh doanh. Bởi theo phân tích của ông Thắng, DN giống như một chiếc xe nếu tháo hết đồng hồ đo mét ra, xe vẫn chạy được nhưng chạy đến biển báo tốc độ 60km thì không biết cách để dừng lại hay đến đoạn đường đẹp cần tăng tốc thì không biết tăng tốc vì không có đồng hồ đo.
"Câu chuyện là DN không CĐS vẫn hoạt động được bình thường nhưng nếu muốn phát triển được thì buộc cần phải có một thước đo, đảm bảo đo đúng, đo đủ. Các dòng xe cao cấp đo tất các thông số và đo "đẹp", theo đó, người cầm lái có căn cứ để tăng ga hay giảm tốc khi có khúc cua".
Ông Thắng cho biết năm 2021 là năm 1Office bùng nổ. Điều này đã được kiểm chứng qua đợt đỉnh điểm của dịch Covid-19 trong năm 2020, doanh thu của 1Office khi đó là cao nhất. Nếu không có đồng hồ đo thì 1Office không bao giờ có thành quả này.
CĐS quan trọng bắt đầu từ người lãnh đạo
CĐS là xu thế, vậy CĐS từ đâu? Bà Quỳnh Anh, Yeah1 chia sẻ CĐS đầu tiên là phải chuyển đổi tư duy của người lãnh đạo cao nhất. Người lãnh đạo phải có tư duy về số. "Không phải cứ chuyển tệp (file), chuyển tất cả các tài liệu lên nền tảng đám mây là CĐS hay quy trình xong rồi mà vẫn bắt in ấn thì không phải CĐS. CĐS là bắt đầu từ việc chuyển đổi tư duy".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết CĐS trong DN thì đầu tiên phải chuyển đổi về nhận thức và tư duy, đặc biệt là của người đứng đầu, sau đó đến từng nhân viên. Mỗi nhân viên phải tham gia vào guồng máy CĐS và đi theo, nếu không sẽ bị loại. Như vậy, CĐS là toàn diện nên tất cả bắt đầu từ người đứng đầu.
Theo ông Đỗ Công Anh, từ trước tới nay cơ quan nhà nước (CQNN) hay các tổ chức thực hiện các chương trình thường ra văn bản, hướng dẫn, tuyên truyền nhưng chương trình SMEdx sẽ khác. "Cục Tin học hóa nhận thức, sáng tạo của DN là sự va đập trong quá trình kinh doanh, nhờ đó DN mới có sự trưởng thành, sáng tạo hơn. Sáng tạo cũng từ việc va đập và sự trưởng thành, kiến thức cũng từ sự va đập".
"CĐS cũng được xác định là phải va đập và kiến thức CNTT, CĐS không phải bằng cách chúng ta tổ chức hội thảo, nói ra rả mà phải thúc đẩy việc dùng thử, dùng thử thấy lợi thì dùng tiếp", ông Đỗ Công Anh nhấn mạnh.
Cục Tin học hóa xác định 3 tháng là khoảng thời gian vừa đủ để DN cảm nhận được có cần CĐS hay không. Nếu cần, có lợi DN sẽ làm tiếp. 15 nền tảng số đã được công bố trong chương trình để hỗ trợ cho DN, từ đó DN thấy cần, có lợi thì triển khai.
Lấy ví dụ thêm, ông Đỗ Công Anh cho biết trong 1 xóm có 5 DN, thì có 2 DN CĐS và doanh thu tăng lên, thu hút được nhiều khách hàng, theo đó, DN còn lại không CĐS sẽ thay đổi nhận thức, tư duy. "Đây là quan điểm, cách làm mới của Chương trình, đó là đi vào thực tiễn để thay đổi nhận thức về CĐS".
95% DN muốn một giải pháp CĐS
Thông tin về mong muốn của DN đối với CĐS, ông Nguyễn Trung Thực, Phó Viện trưởng Viện Tin học DN VCCI chia sẻ VCCI kết hợp với Misa, VNPT thực hiện khảo sát cộng đồng DN trong năm 2020, theo đó, có tới 95% DN mong muốn được ứng dụng một trong những giải pháp CĐS.
Cộng đồng DN rất là mong chờ có những đơn vị cung cấp nền tảng uy tín như Misa, BKAV, 1Offfice… Tuy nhiên, theo khảo sát, các DN muốn có đầu mối liên hệ và hỗ trợ nguồn lực, đặc biệt DN siêu nhỏ có khả năng chi phí đầu tư cho công nghệ thấp. Theo điều tra của VCCI, nhiều DN nhỏ chỉ có thể cam kết đầu tư cho công nghệ được mức 50 triệu đồng trở xuống để để ứng dụng CĐS. DN cũng lo ngại đầu tư cho công nghệ mới khi tốc độ lỗi thời nhanh nên cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ.
Tiếp theo là vấn đề về nguồn lực để tiếp nhận các giải pháp CĐS. Hiện nay, các DN siêu nhỏ đang rất là khó khăn, không có đội ngũ hiểu biết về công nghệ và đặc thù.
Nhiều DN cũng lo ngại việc bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) khi thực tế xảy ra là rất nhiều vụ việc DN đã bị mất thông tin, như vậy, DN lên "đám mây" có đảm bảo ATTT.
Đồng hành cùng DN CĐS
Chia sẻ về lo ngại có an toàn khi lên mạng, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết lên online cũng có một số rủi ro về dữ liệu nhưng thực tế hiện nay chỉ ra cho thấy mọi thứ vẫn đảm bảo.
Khi dịch chuyển lên online thì phải sử dụng các nền tảng, DN nào không đảm bảo thì không có khách hàng nữa, còn những anh nào tồn tại được thì tức là đã đảm bảo. Tuy nhiên, cũng luôn luôn có sự tiềm ẩn, vì vậy, từng DN đều phải tự lo cho mình nữa ngoài các nền tảng mình sử dụng thì cũng phải lo cho hệ thống của mình.
Đơn cử, trong một hệ thống mà DN sử dụng có rất nhiều nền tảng, ứng dụng khác nhau nên không thể trông chờ từng nền tảng mà phải đảm bảo theo tổng thể, bởi 1 thành phần, 1 nền tảng trong hệ thống có lỗ hổng thì cả hệ thống gặp rủi ro. Vậy cần có những biện pháp tổng thể bao gồm cả các chính sách, nhận thức về công nghệ.
"Hiện nay tất cả các giải pháp đều toàn diện nên cả thế giới vẫn trực tuyến", ông Quảng cho hay.
Theo ông Quảng, trước đây chúng ta lo ngại gửi tiền vào ngân hàng. Giờ đây mọi người đã quen gửi tiền của mình vào ngân hàng, rồi cũng quen dùng thẻ thay vì đến ngân hàng, giờ quen cả sử dụng ví điện tử, dùng các phương thức online.
"Đấy là một quá trình mà cả xã hội đang từng bước tiếp cận và từng bước quen với việc online. Các công ty an ninh mạng như Bkav cũng phải tiến hóa để thích ứng với việc đó. Hãy yên tâm là mọi thứ sẽ được đảm bảo".
Hỗ trợ DN kinh doanh hiệu quả hơn nhờ CĐS, bà Quỳnh Anh chia sẻ Yeah1 là DN truyền thống số mạnh, luôn tìm giải pháp cho DN.
Yeah1 có nhiều cộng đồng mạng, theo đó, có thể tìm hiểu giúp DN xem cộng đồng thích, tiêu dùng như thế nào, mua ở đâu. Khi Covid bùng phát, ngân sách và nhiều chi phí vận hành của DN bị cắt giảm. Đối với hàng hóa tiêu dùng hàng ngày được bán ra thì phải thông qua 2 kênh chính là GT (bán lẻ, tạp hóa) và kênh MT là chuỗi các cửa hàng thì hàng hóa mới đến được hộ gia đình, và đặc biệt kênh GT chiếm tới 82%. Khi dịch bệnh bùng phát thì duy trì kênh GT rất là khó vì người tiêu dùng không đi mua trực tiếp và DN mất khách hàng lớn. Đây cũng là thách thức của những nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ tương tự.
Thông qua các nền tảng số như Yeah1Sell, Yeah1Shop, Yeah1 có thể giúp DN phân phối hàng hóa trực tiếp đến hộ gia đình. Trọng cồng đồng của Yeah1, DN cung cấp trực tiếp những quảng cáo, hậu mãi, khuyến mãi… Càng nhiều đơn vị, thương hiệu tham gia mạng lưới Yeah1 thì người dùng cuối có thể tận hưởng được rất nhiều giá trị như vậy.
Đại diện của Yeah1 chia sẻ trong 3 tháng qua, Yeah1 tạo ra cộng đồng, chương trình cho Tân Hiệp Phát, theo đó, kết quả là 1 ngày chạy sản phẩm cho Tân Hiệp Phát bằng 90 ngày Tân Hiệp Phát bán ra thị trường theo cách truyền thống.
Còn bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Misa cho biết với 26 năm hoạt động, Misa đã có hơn 250.000 khách hàng. Tham gia chương trình CĐS quốc gia, Misa cung cấp 4 nền tảng, cam kết đồng hành cùng DN hỗ trợ phần mềm kế toán online của Misa.
Bà Thúy cũng cho rằng: "Trong chủ trương của Chương trình CĐS quốc gia đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, các đối tượng cùng tham gia và dưới góc độ những nhà cung cấp giải pháp công nghệ số như Misa thì đều hướng đến mọi loại hình, đối tượng DN để có thể hỗ trợ, cung cấp giải pháp phù hợp".