Chuyển đổi số doanh nghiệp: Đi nhanh, đi trước để chiếm ưu thế

TH| 18/11/2020 19:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, ngày 18/11, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị "Xây dựng CPĐT và chuyển đổi số doanh nghiệp" và "Lễ khai trương Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn".

Đi nhanh, đi trước để chiếm ưu thế

Hội nghị do ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban chủ trì, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và công nghệ, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Những năm gần đây, khi cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp (DN), đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội như truyền thông đại chúng, y học, khoa học,… Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các quốc gia, DN trên thế giới phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Chuyển đổi số doanh nghiệp: Đi nhanh, đi trước để chiếm ưu thế - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện cho được theo đúng chủ trương, chỉ đạo tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Ủy ban với trách nhiệm của mình, phải tiếp tục đồng hành với DN và phải thực hiện cho được việc xây dựng CPĐT của Ủy ban theo mô hình kiến trúc CPĐT 2.0; tăng cường kết nối với DN về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành và đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, nâng cao chất lượng thông tin giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DN".

Thực tế, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đều nắm giữ những nguồn lực lớn và trọng yếu trong nền kinh tế (như: nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp, CNTT và viễn thông). Việc xây dựng nền kinh tế số quốc gia sẽ được hiện thực hóa nếu đẩy mạnh chuyển đổi số ở 19 Tập đoàn, Tổng công ty này.

Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đồng thời giúp các đơn vị thành viên nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trên thị trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, với vai trò xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình cho các đơn vị thành viên, sẽ là tác nhân hỗ trợ, đồng hành cùng các DNtrong chuyển đổi số.

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh đã xác định hai vai trò chính của các đơn vị thành viên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thứ nhất, các Tập đoàn/Tổng công ty phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế. Thứ hai, các DN công nghệ trực thuộc Ủy ban phải thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương và các DN khác (trong đó có các DN thuộc Ủy ban). Để làm được điều này, các đơn vị cần chuẩn bị tốt về năng lực số như hạ tầng số, phát triển sản phẩm giải pháp số theo lĩnh vực cũng như xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao.

Cùng với đó, Ủy ban đã đặt ra những định hướng chuyển đối số trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các đơn vị thành viên cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm về việc chuyển đổi số. "Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường", Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Đồng thời, Uỷ ban xác định rõ các định hướng chủ yếu. Đầu tiên, chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung, muốn vậy phải coi khách hàng/người dân là trung tâm để phục vụ tốt hơn, qua đó mở rộng được thị trường và tăng mạnh được doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, các Tập đoàn, Tổng công ty phải xác định sớm lộ trình và kế hoạch cụ thể của mỗi Tập đoàn/Tổng công ty; phải coi việc này vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp; trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của các Tập đoàn, Tổng công ty phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường triển khai nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Ủy ban và của các Tập đoàn, Tổng công ty. Nếu như con người và quy trình gắn với đặc thù của DN, thì có thể bắt đầu nền tảng dùng chung ở lĩnh vực hạ tầng, nền tảng, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng.

Ngoài ra, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được xác định là vấn đề then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh được gắn liền với số hóa thì an ninh mạng được ví như sinh mạng của mỗi DN.

Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn/Tổng công ty trực thuộc Ủy ban cũng đã trình bày thực trạng quá trình chuyển đổi số tại DN. Trong đó, những khó khăn, bất cập, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là vấn đề được nhiều DN đề cập.

Chuyển đổi số doanh nghiệp: Đi nhanh, đi trước để chiếm ưu thế - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT tham luận tại hội nghị

"Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn vướng mắc của DN nhưng cũng sẽ gia tăng các yêu cầu và áp lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại DN theo đúng quy định, chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Người đứng đầu Ủy ban khẳng định trong phát biểu bế mạc hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của các tập đoàn, tổng công ty trong việc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, cũng lưu ý lãnh đạo các đơn vị cần nâng cao hơn nữa nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số và vai trò của người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức mình phụ trách.

Khai trương Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn

Cũng tại Hội nghị này, Ủy ban đã thực hiện Lễ khai trương "Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn". Trục được xây dựng theo định hướng mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết nối vào "Trục liên thông văn bản quốc gia" phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa Ủy ban, các Tập đoàn, Tổng công ty và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính trong cả nước.

Chuyển đổi số doanh nghiệp: Đi nhanh, đi trước để chiếm ưu thế - Ảnh 3.

Lãnh đạo Ủy ban QLVNN khai trương trục liên thông văn bản của ủy ban do Tập đoàn VNPT xây dựng, đánh dấu một bước tiến trong chuyển đổi số.

Trục liên thông văn bản là hệ thống do Trung tâm Thông tin thuộc Ủy ban phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển. Trước đó, VNPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Thành quả này tiếp tục khẳng định sự phát triển vững mạnh của các DN nhà nước và vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số doanh nghiệp: Đi nhanh, đi trước để chiếm ưu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO