Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ

Bình Minh| 13/11/2020 19:17
Theo dõi ICTVietnam trên

“Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp Thái Nguyên thực hiện nhiều giấc mơ, giấc mơ này tiếp nối giấc mơ khác”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ tại buổi làm việc chiều 12/11 với đoàn công tác của Bộ TT&TT.

Vị nữ Bí thư Tỉnh ủy cho biết, từ giờ đến cuối năm, Tỉnh ủy Thái Nguyên sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số.

Khu CNTT tập trung Yên Bình với tổng diện tích 200ha là thế mạnh của tỉnh. Địa phương muốn “dọn tổ để đón đại bàng” trong ngành CNTT. Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa mong muốn được giới thiệu nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm về lĩnh vực công nghiệp CNTT đến triển khai dự án đầu tư; hỗ trợ tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý, trình Thủ tướng quyết định thành lập khu CNTT tập trung Yên Bình theo quy hoạch được duyệt.

Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc chiều 12/11 với đoàn công tác của Bộ TT&TT. Ảnh: Xuân Lộc.

Cùng với đó là nghiên cứu, xem xét ban hành quy định cụ thể trong việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông (cột ăng ten, cống bể cáp) tại các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị mới, các tuyến giao thông nội thị...; quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông để nâng cao chất lượng sóng 3G, 4G và hướng đến phát triển mạng 5G trên địa bàn các tỉnh; hỗ trợ tỉnh đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở; nâng cấp nền tảng chia sẻ dữ liệu LGSP và thực hiện chuyển đổi số. Lựa chọn Thái Nguyên triển khai điểm về chuyển đổi số trên toàn quốc. Trước mắt hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại 4 xã miền núi, đặc biệt khó khăn…

Ngay tại buổi làm việc, nhiều lời giải cụ thể cho từng vấn đề khó khăn, vướng mắc của địa phương đã được đưa ra. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để giải các bài toán giúp địa phương, ngành TT&TT cần chủ động nhận lấy việc khó của tỉnh, tìm hiểu những “nỗi đau” của lãnh đạo, của nhân dân để dùng công nghệ, truyền thông giải quyết. Làm những việc khó, sau khi được ghi nhận thì thay đổi góc nhìn, biến khó thành dễ.

Về việc xây dựng Khu CNTT tập trung Yên Bình với định hướng phát triển Thái Nguyên thành trung tâm công nghiệp điện tử công nghệ cao của khu vực chứ không chỉ của Việt Nam, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ CNTT khuyến nghị: Có 2 hình thức lựa chọn chủ đầu tư là giao một đơn vị của tỉnh hình thành dự án đầu tư công hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Vụ CNTT sẽ nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu cho tỉnh những nhà đầu tư lớ, hỗ trợ hoàn thiện đề án thành lập khu CNTT tập trung.

Hiện nay số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Thái Nguyên hiện quá ít, mới có 276 doanh nghiệp/1.000 dân, tỷ lệ chỉ 0,22%, thấp hơn mức trung bình 0,62% của cả nước. Thái Nguyên phải có 1.300 doanh nghiệp công nghệ số thì mới thành trung tâm của khu vực trung du miền núi, có thể hỗ trợ chuyển đổi số cho các tỉnh xung quanh. Lãnh đạo tỉnh cũng cần quan tâm nâng tỷ lệ chi cho CNTT ít nhất là 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Hiện mức chi cho CNTT tại địa phương còn quá thấp, chỉ chưa đến 30 tỷ đồng/năm, đạt tỷ lệ 0,2% tổng chi ngân sách. Chi vào CNTT rẻ hơn nhiều vào làm đường mà hiệu quả mang lại rất lớn.

Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ - Ảnh 2.

Buổi làm việc giữa tỉnh Thái Nguyên và Bộ TT&TT được kết nối trực tuyến với các huyện thị trong tỉnh. Ảnh: Xuân Lộc.

Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường cho biết: Thái Nguyên có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, cáp quang đã kết nối 100% xã, độ phủ 2G, 3G cũng đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ dùng chung trạm phát sóng mới đạt 9% (thấp hơn so với mức trung bình toàn quốc là 15%).  Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, đến năm 2021, tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông tối thiểu tại Thái Nguyên phải đạt 20%. Đến tháng 6/2021, 100% người dân ở Thái Nguyên đều có 4G để sử dụng. Tỉnh có thể tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh đã đạt tỷ lệ dùng chung tới 30%, rồi lập kế hoạch, phân công các doanh nghiệp cùng làm. Các doanh nghiệp đều muốn làm việc này vì sẽ tiết kiệm chi phí, nhưng cần có người của tỉnh đứng ra cầm trịch.

Bộ TT&TT đang xây dựng chương trình hỗ trợ viễn thông công ích giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến từ nguồn này sẽ giúp Thái Nguyên hỗ trợ truy cập băng rộng cố định cho các hộ dân nghèo.

MobiFone và VinaPhone đã có kế hoạch triển khai 5G tại Thái Nguyên. Địa phương cần phối hợp doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, xây dựng hạ tầng. Sở TT&TT cần xây dựng lộ trình, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nhanh nhất để năm 2021 Thái Nguyên sẽ có 5G.

Để xóa xã, phường “trắng” truyền thanh cơ sở, tỉnh có thể sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Cách khác là sử dụng đài truyền thanh thế hệ mới do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Địa phương có thể mời doanh nghiệp vào đầu tư, sau đó thuê lại, không phải bỏ kinh phí nuôi bộ máy, bảo hành, bảo trì. Với cách này, 100% xã, phường, thị trấn sẽ nhanh chóng có loa, đài truyền thanh.

Tại buổi họp, các bên cũng đã thống nhất thí điểm chuyển đổi số ở 2 xã La Bằng ở huyện Đại Từ, và xã Sảng Mộc ở huyện Võ Nhai do các công ty Bkav, Hanoi Telecom triển khai. Bộ TT&TT đã triển khai thí điểm chuyển đổi số cho 12 xã trên cả nước, một số xã nhanh chóng đạt hiệu quả cao. Như một xã ở Bắc Kạn, sau khi ứng dụng sàn thương mại điện tử để bán hàng, thu nhập của các hộ gia đình từ 1 – 1,2 triệu đồng/tháng giờ tăng lên 3 – 3,5 triệu đồng. 40% hộ dân ở một xã tại Ninh Bình đã cài ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, trung bình mỗi tháng tiết kiệm 600 triệu đồng chi phí đi lại để khám chữa bệnh, người dân được tiếp cận các bác sĩ giỏi.

Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ - Ảnh 3.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cùng Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Thái Nguyên về hợp tác phát triển TT&TT. Ảnh: Xuân Lộc.

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho biết, công ty IOTLink muốn giúp huyện Định Hóa số hóa 3D – 4D khu ATK. Trước sự hào hứng đón nhận “món quà” đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng TT&TT đề nghị việc số hóa ATK cần hoàn tất trước Tết Âm lịch.

Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đề nghị tỉnh Thái Nguyên ủng hộ xu hướng chuyển từ cấp phát kinh phí sang đặt hàng báo chí. Với xu hướng thông tin chính thống phải chiếm lĩnh không gian mạng mới có công cụ để chiến đấu khi xuất hiện thông tin xấu độc, ông Lâm đề xuất địa phương có thể giao đơn vị báo chí làm thông tin chính thống phát trên các nền tảng, trên không gian mạng.

Trước đây, Thái Nguyên có 3 giấc mơ lớn: Kết nối giao thông với Thủ đô; Trở thành thủ phủ công nghiệp; Trở thành thủ phủ du lịch lịch sử. Giờ đây có thêm giấc mơ trở thành hình mẫu ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu thành công, Thái Nguyên sẽ thành biểu tượng về hiện thực hóa giấc mơ.

Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Xuân Lộc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số, người đi sau có cơ hơn người đi trước, không phải tuần tự. Vấn đề chính nằm ở chỗ ứng dụng nó để thay đổi cách vận hành tổ chức, đổi mới quản trị quốc gia. Ứng dụng là câu chuyện của địa phương

Bộ trưởng nhấn mạnh mong muốn Thái Nguyên trong 5 năm tới sẽ có vài giấc mơ mới nữa và sẽ thành công, tạo cảm hứng cho các địa phương khác.

Tại phiên truyền hình trực tuyến kết nối 9 điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ định hướng chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giới thiệu về “Cẩm nang Chuyển đổi số”. Bộ TT&TT vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO