Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài

Hoàng Linh| 23/10/2021 08:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thống nhất chuyển đổi số (CĐS) ngành GTVT là hướng tới giải quyết các bài toán khó để đáp ứng những yêu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân.

Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ Bộ GTVT giải bài toán khó

Trao đổi về các nội dung CĐS tại hội nghị CĐS ngành GTVT chiều tối ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ để hiểu về CĐS tiếng Anh có 3 từ cần phải làm rõ là: Digitization, Digitalization và Digital Transformation.

Digitization là quá trình số hóa thông tin. Digitalization gọi là ứng dụng CNTT, là số hóa các quy trình, là số hóa chiều dọc, số hóa các chức năng của tổ chức. Thí dụ của của việc này là phần mềm quản trị nhân lực, phần mềm kế toán... và đó cũng là vấn đề của công nghệ là chính. Giai đoạn digital transformation (CĐS) là số hóa toàn bộ tổ chức, 100% hoạt động của tổ chức được chuyển lên trên môi trường số và tiếp theo là thay đổi cách hoạt động của tổ chức.

Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Các DN công nghệ số nước nhà hoàn toàn có thể giải được các bài toán của ngành GTVT

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là công việc của người đứng đầu nhiều hơn là của người giám đốc công nghệ. Với Bộ GTVT, thời CNTT là thời của Giám đốc Trung tâm CNTT thuộc Bộ còn thời CĐS là thời của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bộ trưởng cũng chia sẻ trong CĐS có từ dữ liệu. "Dữ liệu của ngành GTVT thì người nhìn thấy giá trị rõ nhất nhiều khi không phải người trong ngành. Chúng ta sẽ không biết được ai sẽ là người tạo ra giá trị nhiều nhất từ dữ liệu ngành GTVT và vì thế mới có việc mở dữ liệu cho các DN khai thác và tạo ra giá trị cho đất nước".

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, có sự khác nhau về dữ liệu giữa thời CNTT và thời CĐS. Thời CNTT là cơ sở dữ liệu (CSDL), tức là cái ô tô này mua ngày nào, loại gì, ai là chủ sở hữu, biển số xe là bao nhiêu... Còn thời CĐS là cái ô tô này sinh ra dữ liệu gì, đi lại ở những con đường nào hàng ngày, thông tin về lốp xe hao mòn đã đến lúc thay chưa... "Cho nên thời CĐS, dữ liệu là hàng ngày, do các phương tiện giao thông sinh ra nên là dữ liệu sống. Và chủ yếu những dữ liệu này mới sinh ra giá trị. Đấy chính là dữ liệu của thời CĐS".

"CĐS là một công việc mới và sẽ là một quá trình rất dài và liên tục. Vậy nên, chúng ta hãy bắt đầu từ những dự án mà sau 1 năm, hoặc cùng lắm 2 năm phải mang lại kết quả và hiệu quả. Những trải nghiệm này sẽ mang lại niềm tin vào CĐS và để ra những quyết định lớn hơn. Hãy luôn nhìn vào giá trị và hiệu quả mà các dự án CĐS mang lại. Và hãy thận trọng với những dự án hoành tráng!", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.

Bộ trưởng cho biết thêm công nghệ chỉ chiếm 20 - 30% trong thành công của CĐS, còn phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi hoạt động của người đứng đầu và sự tường minh của bài toán mà tổ chức đó đặt ra cho giới công nghệ. Các DN công nghệ số nước nhà hoàn toàn có thể giải được các bài toán của ngành GTVT.

"Sự hợp tác hai bên này là điều kiện tiên quyết để dự án CĐS thành công. Tức là, vai trò của Bộ GTVT, của người trong ngành giao thông mang tính quyết định. Tri thức của ngành giao thông phải đưa ra cho công ty phần mềm, dữ liệu của mình phải đưa ra và mình phải dùng, trong quá trình dùng thì phần mềm thông minh lên, tạo ra nhiều giá trị hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

CĐS sẽ giúp giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài trong ngành GTVT. Các công nghệ mới như dữ liệu lớn, IoT, AI… có thể hỗ trợ giải các bài toán. Các quốc gia đều có những bài toán khá giống nhau. Nhiều bài toán của ngành GTVT Việt Nam đã được các nước giải quyết, đang hoạt động hiệu quả. Các bài toán GTVT ở các nước khá giống nhau, có thể chiếm tới 60-80%. "Trong thời đại thay đổi này thì học hỏi người đi trước luôn là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và cũng là dễ nhất".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng trao đổi: Bộ GTVT có thể nhờ Bộ TT&TT chủ trì một dự án. Thường thì dự án nào Bộ GTVT thấy khó thì có thể sẽ không khó với ngành TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng chia sẻ cách làm thời CNTT và CĐS. "Thời CNTT thì có thể làm từng phần, chỗ làm chỗ không, khi dùng thì nửa trong hệ thống, nửa ngoài hệ thống, nhân viên thì dùng nhưng Thủ trưởng thì không dùng. Dữ liệu thì nhà ai người đó giữ. Nói nhiều đến chi mà ít nói đến giá trị tăng thêm. Người bận rộn nhất là Giám đốc CNTT".

"Thời CĐS chỉ có thể tất cả các đơn vị trong tổ chức làm. Người đầu tiên dùng là Thủ trưởng, không vào hệ thống thì không làm gì được, không còn lúc trong lúc ngoài. Dữ liệu thì liên thông, không còn cát cứ. Câu hỏi đầu tiên là dự án mang lại giá trị tăng thêm là bao nhiêu, thay vì chỉ là chi phí là bao nhiêu? Và người bận rộn nhất là người đứng đầu tổ chức, khoe nhau là khoe có nhiều dữ liệu không".

Bộ trưởng cũng cho biết: "các DN Việt Nam và chỉ có các DN này giải các bài toán Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đây đi ra toàn cầu, chinh phục thế giới thì may ra Việt Nam mới phát triển được".

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng mong muốn Bộ GTVT mở bài toán của ngành GTVT và tin DN Việt Nam làm được. "Các DN công nghệ nước nhà sẵn sàng đầu tư, thí điểm, chỉ mong rằng Bộ GTVT cho các DN làm, hợp tác liên quan đến dữ liệu".

Bộ trưởng mong muốn Bộ GTVT và DN công nghệ số sẽ đẩy nhanh quá trình CĐS ngành GTVT, góp phần phát triển đất nước.

Tin tưởng hoàn toàn các DN công nghệ số Việt Nam

Thống nhất cao với các trao đổi của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Bộ GTVT hết sức trăn trở về ứng dụng CNTT, công nghệ 4.0 như AI để vận hành tốt nhất là ngành GTVT. Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng đề án về ứng dụng CNTT và thích ứng với cuộc CMCN 4.0 cho ngành GTVT, gồm cả xây dựng, sửa chữa, vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là các vấn đề Chính phủ đặt ra như xây dựng CPĐT, do đó, Bộ GTVT là một trong những ngành cung cấp nhiều dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giúp cho ngành GTVT vận hành tốt hơn.

Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Bộ GTVT và Bộ TT&TT cùng với các DN công nghệ số tạo ra cuộc cách mạng mới tạo trong khai thác hiệu quả hạ tầng ngành GTVT

Hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT luôn trăn trở việc quản lý, kết nối, quy hoạch, duy tu, sửa chữa các tuyến đường, cây cầu, bến cảng, đoàn tàu… bằng dữ liệu để khi cần thì có thể truy cập, sử dụng, cung cấp đáp ứng sự phát triển của xã hội. Thời gian qua, Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ phối hợp với một số DN công nghệ số để hình thành CSDL về cầu đường, các vấn đề liên quan, thậm chí cả CSDL phục vụ vận tải ở khu vực đô thị, các khu vực khác. "Hiện nay có hạ tầng rồi thì phải quản lý bằng công nghệ".

Bộ GTVT cũng trăn trở về tổ chức vận tải. Do đó, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phụ trách lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt… hợp tác với các DN công nghệ số để vận hành tốt nhất việc bán vé tự động các lĩnh vực này. Bộ GTVT mong muốn mọi người dân ở nhà bất cứ lúc nào, dù ban đêm, hay trời mưa bão đều có thể mua được vé tàu xe…

"Bộ GTVT và Bộ TT&TT cùng với các DN công nghệ số tạo ra cuộc cách mạng mới tạo trong khai thác hiệu quả hạ tầng ngành GTVT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Về đầu tư, để chuẩn bị cho giai đoạn trung hạn 2021 – 2025 của ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết rất mong muốn đầu tư lớn cho ứng dụng công nghệ bởi không có công nghệ thì quản lý giao thông không bao giờ lý tưởng, không giải quyết được các vấn đề như ùn tắc giao thông…

Có thể nói, hạ tầng mềm đang là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Phát triển hạ tầng mềm không chỉ là đối với ngành GTVT mà với các ngành. "Quan điểm là cần đầu tư lớn cho công nghệ để đón đầu, không bị tụt hậu. Bộ GTVT trăn trở để đột phát về công nghệ, điều hành giao thông thông qua công nghệ và theo đó, chúng tôi ủng hộ tất cả các giải pháp mà ngành TT&TT nêu ra", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, về công nghệ, các DN công nghệ Việt Nam không thua nước ngoài. DN công nghệ trong nước có thể bảo đảm dữ liệu ở trong nước. Nếu phối hợp tốt giữa các tập đoàn công nghệ với ngành GTVT sẽ có nhiều bài toán đặt ra và có các giải pháp của Việt Nam để vận hành GTVT tốt hơn.

"Bộ GTVT mong Bộ TT&TT hỗ trợ, tháo gỡ về một số thể chế, chủ trương như làm sao đề xuất một văn bản hành chính để 100% trạm BOT phải thực hiện thu phí không dùng tiền mặt…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất.

"Hạ tầng cứng giờ đã đến điểm bão hoà, đã đến lúc hạ tầng mềm là quan trọng. CNTT, Viễn thông, 5G cần được đầu tư nhiều, và được xem đây là con đường đột phá của Việt Nam. Phần mềm, hạ tầng số có vai trò quan trọng, mang tính quyết định để đưa Việt Nam vươn lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tương lai các sản phẩm sau này đều cạnh tranh bằng công nghệ, giảm chi phí nên rất cần nguồn chi riêng cho công nghệ để toàn bộ các hệ thống được vận hành bằng công nghệ để mang lại hiệu quả lớn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Đối với các DN công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị nếu có vướng mắc có thể đề xuất với Bộ GTVT để được hỗ trợ giúp ngành GTVT hiệu quả nhất. "CĐS là con đường tất yếu. GTVT phải đi trước mở đường về ứng dụng công nghệ để mang lại hiệu quả xã hội tốt nhất".

Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ký Chương trình hợp tác giữa Bộ GTVT và Bộ TT&TT

6 việc thúc đẩy CĐS ngành GTVT ngay trong năm 2021 - 2022

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ 6 việc có thể làm ngay trong năm 2021-2022 để thực hiện CĐS ngành GTVT.

Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ 6 việc có thể làm ngay trong năm 2021-2022 để thực hiện CĐS ngành GTVT.

Theo Thứ trưởng, thứ nhất là xây dựng khung kiến trúc giao thông thông minh. CĐS cần phải được thực hiện một cách toàn diện và tổng thể. Quá trình CĐS chỉ thành công khi được thực hiện dựa trên một định hướng tầm nhìn đủ rõ ràng, đủ tường minh, đủ đủ chi tiết để thực hiện. Đề xuất xây dựng khung kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh phù hợp với xu thế phát triển quốc tế và bối cảnh tại Việt Nam. Đây là việc cần làm sớm, cần làm ngay, cần làm đầu tiên.

Thứ hai, xây dựng CSDL toàn ngành và thực hiện kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành liên quan để hình thành CSDL quốc gia về GTVT.

Thứ ba, xây dựng dashboard điều hành hướng tới ra quyết định dựa trên dữ liệu. Dữ liệu thay đổi mô hình quản trị. Dữ liệu cập nhật tức thời, tổng hợp tự động thay thế báo cáo giấy. Dữ liệu không biết nói dối, không bị điều chỉnh qua các báo cáo cấp trung gian. Do vậy, người đứng đầu luôn nhìn thấy bức tranh mới nhất về mức độ phát triển của ngành. Dữ liệu hỗ trợ ra quyết định.

Thứ tư, bảo đảm an toàn an ninh mạng cho các hệ thống, CSDL, đặc biệt là các hệ thống quan trọng quốc gia. Đây là việc quan trọng và thường xuyên. Thời gian qua, Bộ TT&TT và Bộ GTVT đã có nhiều hoạt động hợp tác trong bảo đảm ATTT.

Thứ năm, phát triển các DN công nghệ số trong lĩnh vực GTVT. Trong Chương trình CĐS quốc gia có định hướng phát triển 04 loại hình DN công nghệ số.

Thứ sáu, nêu ra ra bài toán và tìm kiếm giải pháp CĐS cho Việt Nam và cho ngành GTVT. Bộ TT&TT tổ chức cuộc thi Viet Solutions hàng năm để tìm kiếm ra các giải pháp CĐS ngành, lĩnh vực. Bộ TT&TT rất mong nhận được sự ủng hộ và đồng hành của Bộ GTVT cho Viet Solutions trong những năm tiếp theo. Và sự ủng hộ thiết thực nhất là Bộ GTVT đặt hàng các DN công nghệ số để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực GTVT.

Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài - Ảnh 5.

Toàn cảnh hội nghị

Bộ GTVT mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670.000 hồ sơ trực tuyến

Thông tin thêm về một số kết quả về xây dựng CPĐT và định hướng CĐS của ngành GTVT trong thời gian qua, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GTVT cho biết Bộ GTVT đã ban hành kịp thời, đầy đủ các kế hoạch, chương trình triển khai xây dựng CPĐT Bộ GTVT; Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về CPĐT; Số lượng thủ tục trực tuyến, mức độ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến/tổng số hồ sơ liên tục tăng. Bộ GTVTđã bước đầu hình thành được CSDL dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ và các đơn vị trực thuộc.

Bộ GTVT đã kết nối các phần mềm quản lý văn bản của 60/60 đơn vị thuộc Bộ với Trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng. 100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) của các đơn vị thuộc Bộ được xử lý, gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử.

Bộ GTVT đã xây dựng, triển khai hệ thống thông tin báo cáo Bộ GTVT; duy trì Cổng DVC GTVT cung cấp 240 DVC (gồm 69 dịch vụ mức độ 3, đạt tỷ lệ 28,75%; 171 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ 71,25%), trung bình mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670.000 hồ sơ trực tuyến với gần 150.000 DN tham gia. Số DVC trực tuyến đạt tỷ lệ 58,8% tổng số thủ tục hành chính, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ đạt 70,83%. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngành GTVT là giải các bài toán khó, tồn tại lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO