Từ năm 2013, tại Chiến lược phát triển GTVT (GTVT) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ), Chính phủ đã xác định GTVT là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; là một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Chiến lược khẳng định rõ việc phát triển GTVT phải theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.
Trong giải pháp, chính sách áp dụng khoa học, công nghệ mới chú trọng hiện đại hóa phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, điều hành, khai thác hệ thống GTVT.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành và khai thác hệ thống GTVT là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành GTVT.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GTVT lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ ra phương hướng đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm về GTVT đồng bộ, hiện đại, phát triển cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển vận tải và dịch vụ logistics theo hướng hiện đại với chất lượng ngày càng nâng cao, chủ động tiếp cận, ứng dụng và làm chủ công nghệ.
Việc xây dựng và hoàn thành hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu (CSDL) trong 05 lĩnh vực quản lý của ngành GTVT để phục vụ công tác quản lý, bảo trì, đầu tư kết cấu hạ tầng, công tác vận tải và an toàn giao thông được coi là một trong những khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành GTVT, đây chính là một trong những sự thay đổi nhận thức về cơ bản của ngành trong bối cảnh phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Để thực hiện Chiến lược phát triển ngành GTVT và Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ XIX của Bộ GTVT, cần phải mạnh mẽ trong CĐS Bộ GTVT để mục tiêu hiện đại hóa mang tính toàn diện và thay đổi căn bản các phương thức quản lý, điều hành và sử dụng dịch vụ giao thông ở phạm vi toàn xã hội.
Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định GTVT và logistics là lĩnh vực ưu tiên CĐS. Đây là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho ngành GTVT chuyển đổi phương thức một cách mạnh mẽ theo hướng sử dụng công nghệ số một cách toàn diện để phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).
Trước yêu cầu đó, tháng 12/2020, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình CĐS Bộ GTVT và định hướng, đến năm 2030. Trong đó xác định ngành GTVT trở thành ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, CĐS toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Mục tiêu và giải pháp thực hiện CĐS ngành GTVT
Với mục tiêu tổng thể quản lý điều hành trên dữ liệu số, Bộ GTVT đã xác định 5 mục tiêu cụ thể CĐS ngành GTVT như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về CĐS một cách sâu rộng trong Bộ GTVT, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT. Một trong những điểm quan trọng và mới là Bộ GTVT sẽ đồng hành với DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT trong mọi hoạt động CĐS.
Thứ hai, kiến tạo thể chế cho phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới một cách kịp thời đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông. Xây dựng chính sách sử dụng công nghệ số toàn diện cho tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
Thứ ba, phát triển Chính phủ số theo hướng xây dựng CSDL cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số có tính pháp lý, được cập nhật chính xác và liên tục cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định. Tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và DN theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.
Thứ tư, phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực, ứng dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ cho quản lý và điều hành giao thông để đưa Việt Nam là nước có hệ thống giao thông hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới nhờ công nghệ số.
Thứ năm, phát triển nền kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý theo hướng ứng dụng các công nghệ số nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, Bộ đã đề ra 4 giải pháp chính cần thực hiện là: xây dựng nền tảng cho CĐS; Phát triển chính phủ số, phát triển kinh tế số và triển khai CĐS trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Nền tảng cho CĐS: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; xây dựng nền tảng, bảo đảm an toàn thông tin mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho CĐS.
Phát triển chính phủ số: Triển khai xây dựng, nâng cấp các hệ thống phục vụ người dân và DN; nâng cao hiệu quả hoạt động trên môi trường số của các cơ quan, đơn vị Bộ GTVT; đổi mới phương thức quản lý, ra quyết định được dẫn hướng bởi dữ liệu số.
Phát triển kinh tế số: Phát triển DN số trong lĩnh vực GTVT; xây dựng nền kinh tế số GTVT; xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo với dữ liệu mở.
CĐS trong các lĩnh vực chuyên ngành: Tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động vận tải trong tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa; nâng cấp mở rộng các hệ thống thông tin quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện bảo đảm kết nối chia sẻ với hệ thống CSDL nền tảng dùng chung của Bộ GTVT; xây dựng hạ tầng công nghệ số phục vụ kiểm tra, đăng kiểm phương tiện trên nền tảng số.
Kết quả, hiệu quả đã đạt được
Với quyết tâm ứng dụng CNTT, triển khai CĐS, đến nay ngành GTVT đã đạt được những thành quả quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của ngành.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành: Bộ GTVT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 phê duyệt Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”.
Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản mang tính định hướng, chỉ đạo điều hành về Chính phủ điện tử (CPĐT), CĐS của Bộ GTVT như: Chương trình Chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kiến trúc CPĐT Bộ GTVT, phiên bản 2.0; Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin (ATTT) của Bộ GTVT giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT của Bộ GTVT giai đoạn 2021 - 2025...
Về xây dựng nền tảng phát triển CPĐT: Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (LGSP). Nền tảng đã kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP), tích hợp danh mục dùng chung phát triển CPĐT và CSDL đăng ký DN; kết nối, chia sẻ dữ liệu của Bộ GTVT với hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Trong công tác xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, DN: Bộ GTVT đã triển khai kết nối các phần mềm quản lý văn bản của 52/52 đơn vị thuộc Bộ với Trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng. 100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) được xử lý, gửi, nhận trên môi trường điện tử.
Đã triển khai kết nối hệ thống thông tin báo cáo Bộ GTVT với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; kết nối và cập nhật dữ liệu các chỉ tiêu kinh - tế xã hội, chỉ tiêu điều hành của Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT đang cung cấp 325 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 284 dịch vụ mức độ 4, 41 dịch vụ mức độ 3).
Về tạo lập CSDL để CĐS: Chương trình CĐS Bộ GTVT xác định, cần sớm xây dựng và hoàn thành 5 bộ CSDL nền tảng dùng chung, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện, CSDL DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT và CSDL không gian giao thông; từ đó, phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện số hóa và quản lý được 7.354 cầu đường bộ, tình trạng mặt đường của của 24.598 km đường, 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; 1.570 phương tiện hàng hải, 235.000 phương tiện thủy nội địa, 4.416.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô), 5.823 phương tiện đường sắt, 264 phương tiện hàng không; 48.876.253 người điều khiển mô tô, 10.268.842 người điều khiển ô tô, 2.973 người điều khiển phương tiện hàng không, 81.302 người điều khiển phương tiện hàng hải; 91.832 DN, hợp tác xã vận tải đường bộ.
Về triển khai CĐS trong các lĩnh vực chuyên ngành: Bộ GTVT đã xây dựng và triển khai nhiều ứng dụng nhằm đẩy mạnh quản lý, điều hành dựa trên các hệ thống CNTT trong các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không.
Trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đã triển khai: hệ thống quản lý giám sát hành trình xe ô tô, hệ thống quản lý cầu đường bộ, hệ thống giám sát thu phí, hệ thống kiểm tra tải trọng xe, hệ thống quản lý đào tạo, sát hạch xe ô tô, hệ thống quản lý phương tiện đường sắt, hệ thống quản lý kiểm định xe cơ giới, hệ thống quản lý kiểm tra xe máy chuyên dùng, hệ thống quản lý xe cơ giới nhập khẩu,...
Trong lĩnh vực hàng hải, nhiều hệ thống ứng dụng đã được triển khai: hệ thống thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS), hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa tàu biển (LRIT), hệ thống nhận dạng tự động tàu biển (AIS), hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS), hệ thống quản lý đăng kiểm tàu biển, hệ thống quản lý đăng kiểm tàu sông;
Trong lĩnh vực hàng không, các hệ thống đã được triển khai bao gồm: hệ thống quản lý các chuyến bay chuyên cơ; Hệ thống thiết kế phương thức bay của PANADES, hệ thống đọc, giải mã, phân tích thiết bị ghi tham số bay và thiết bị ghi âm buồng lái, hệ thống quản lý thông tin về máy bay.
Về công tác bảo đảm ATTT mạng: Bộ đã xây dựng hệ thống giám sát ATTT mạng và phòng chống mã độc, hệ thống đã kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Các hệ thống thông tin của Bộ GTVT được bảo vệ theo mô hình “4 lớp”. Bộ GTVT là cơ quan đầu tiên trong các bộ, ngành, địa phương tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm ATTT mạng.
Theo đánh giá xếp hạng của Bộ TT&TT, năm 2021, Bộ GTVT xếp hạng A (cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) về chỉ số ATTT mạng.
Về triển khai các hệ thống giao thông thông minh (ITS): Bộ GTVT đã triển khai hệ thống ITS trên 6/21 tuyến đường cao tốc để hỗ trợ điều hành và quản lý giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại 112 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc, đã dán thẻ cho hơn 1,9 triệu phương tiện đăng ký sử dụng dịch vụ. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 30-70% lưu lượng xe qua trạm thu phí.
Trong hoạt động logistics:Hệ thống hạ tầng GTVT phục vụ hoạt động logistics như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận... đang được đầu tư và dần hoàn thiện. Hạ tầng giao thông kết nối các điểm phục vụ hoạt động cũng đang được đầu tư, mở rộng theo nhiều phương thức khác nhau.
Thách thức còn nhiều trong triển khai CĐS
Mặc dù công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành GTVT đã đạt được những kết quả đáng nghi nhận, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành cũng như phục vụ người dân và DN, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội như trong quá triển khai, ngành GTVT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thách thức lớn nhất để thực hiện Chương trình CĐS ngành GTVT là vấn đề nhận thức của các cán bộ quản lý trong ngành. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công từng bước nếu nhận thức của các cán bộ quản lý phải ứng dụng công nghệ số trong những công việc hàng ngày, hoạch định chiến lược và thực hiện quyết liệt, dám chấp nhận những mô hình kinh doanh mới của xã hội theo hướng thúc đẩy phát triển thay vì tạo rào cản về tư duy quản lý.
Các ứng dụng CNTT mới đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, hiện đã có Kiến trúc CPĐT của Bộ GTVT nhưng tiến độ triển khai còn chậm, chưa hình thành các CSDL nền tảng dùng chung và chuẩn hóa các CSDL nghiệp vụ phục vụ chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định.
Tình trạng ứng dụng CNTT của các đơn vị vào các yêu cầu nghiệp vụ chuyên ngành còn mang tính tự phát, chưa ứng dụng sâu rộng và sử dụng dữ liệu trong công tác điều hành còn hạn chế. Chưa tiến hành cải cách quy trình thực hiện các nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện.
Phát triển kinh tế số ngành GTVT chưa sâu rộng, nhiều DN vừa và nhỏ chưa tìm được giải pháp, lộ trình phù hợp.
Nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch CĐS chưa đầy đủ tương xứng với cơ hội hiện có. Cần huy động nhiều hình thức để có thể có kinh phí cho các ứng dụng CĐS trong phạm vi toàn ngành.
Định hướng triển khai chuyển đổi số trong thời gian tới
Mục tiêu chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025 là hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành Bộ GTVT phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2025; phát triển CPĐT, Chính phủ số theo hướng xây dựng CSDL cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định. Tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và DN theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.
Với mục tiêu trên, giai đoạn 2021 - 2025 Bộ GTVT tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
i) Xây dựng thể chế và nâng cao nhận thức
Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số trong ngành GTVT. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của từng cơ quan, tổ chức.
Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho CĐS, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành GTVT. Nghiên cứu đổi mới, ban hành các quy trình nghiệp vụ được số hóa và vận hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT.
i) Tiếp tục phát triển Chính phủ số
Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống CNTT (cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dữ liệu mở) nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính và khai thác dữ liệu của ngành giao thông ở mức độ cao nhất, thuận lợi nhất.
Triển khai các hệ thống thông tin quản lý tác nghiệp nội bộ, hệ thống thông tin quản lý phục vụ một số nghiệp vụ quản lý đa lĩnh vực trong ngành GTVT như chiến lược - quy hoạch, vận tải - logistics, kế hoạch - đầu tư, dự án - công trình, thanh tra - kiểm tra, nhằm đổi mới phương thức quản lý, ra quyết định được dẫn hướng bởi dữ liệu số.
Xây dựng các bộ CSDL nền tảng dùng chung của ngành, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện, CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương khác để hình thành dữ liệu dùng chung quốc gia.
Bảo đảm ATTT mạng để CĐS thành công, bền vững.
iii) Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Phát triển doanh nghiệp số trong lĩnh vực GTVT thông qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn; đồng thời tạo hành lang pháp lý để DN đẩy mạnh CĐS.
Xây dựng nền kinh tế số GTVT thông qua xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi số các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống của doanh nghiệp sang phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ phục vụ nhu cầu di chuyển của khách hàng để giảm dần số lượng sở hữu các phương tiện cá nhân, từ đó giảm áp lực cho hạ tầng cho giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt trong các hoạt động GTVT.
Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo với dữ liệu mở dựa trên phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên sự hình thành giá trị gia tăng từ các nguồn dữ liệu mở trong ngành GTVT.
iv) Đẩy mạnh xây dựng nền tảng số
Đẩy mạnh xây dựng và triển khai các nền tảng số giao thông được phát triển, làm chủ bởi các DN Việt Nam để triển khai nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Các nền tảng ưu tiên xây dựng, triển khai trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: nền tảng quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông; nền tảng nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động; nền tảng giám sát, điều hành giao thông thông minh; nền tảng số quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện; không gian về kết cấu hạ tầng giao thông; nền tảng số cho các dịch vụ vận tải và logicstics.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)