Đào tạo AI cho nhà báo cần chú ý những điểm gì?
Để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin đặc biệt là trong hoạt động báo chí, việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người làm báo ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải nhanh chóng, kịp thời để thích ứng với xu thế hiện nay.
Đào tạo, bồi dưỡng về AI để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động báo chí
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI) đã thúc đẩy việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí.
Thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam cho thấy một số tòa soạn đã ứng dụng AI khá sớm như báo điện tử Vietnam Plus, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh. . . thử nghiệm ChatGPT vào đầu năm 2023 để xây dựng kịch bản chương trình phóng sự. Nhiều Đài truyền hình, tòa soạn khác cũng ứng dụng những thuật toán hoặc ứng dụng AI trong quá trình sản xuất, xuất bản. Mỗi cơ quan áp dụng ở mức độ khác nhau.
Tại "Hội thảo tác động của AI đối với báo chí - Thách thức và cơ hội" do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trung tuần tháng 8 tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban truyền thông, Báo Người lao động - Giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM đã chia sẻ, để ứng dụng AI trong báo chí - truyền thông, phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.
Vào tháng 3/2024, Báo Người lao động đã phối hợp với một đơn vị thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) - Bộ TT&TT cùng các chuyên gia đến từ ALM, Keystone tổ chức khóa đào tạo kéo dài 21 ngày theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các học viên được trang bị kiến thức tổng quan về AI và công cụ cập nhật dữ liệu tự động; AI trong sản xuất tin, bài viết dạng văn bản; podcast, talking photo (làm ảnh tĩnh chuyển động); tổng hợp phân tích tin tức và tạo infographic; sản xuất video clip ngắn; kỹ thuật làm phóng sự bằng livestream đa tương tác…
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết sau khóa học có nhiều chuyển biến khi một số phóng viên (PV), nhất là PV trẻ hiểu được nguyên lý hoạt động của AI, sử dụng AI để nâng cao hiệu ứng hình ảnh và video; có khả năng sử dụng AI để tạo ra các bản tin bằng văn bản, podcast nhanh chóng hơn trước; có khả năng sử dụng AI và các công cụ hỗ trợ để tạo ra các video/clip ngắn từ hiện trường; có khả năng sử dụng AI để tổng hợp phân tích dữ liệu tạo thành chuỗi sự kiện để tạo ra các bản tin infographic, các biểu đồ.
Cũng tại hội thảo trên, chia sẻ thêm thông tin về hướng đào tạo báo chí trong ứng dụng AI, giảng viên Cù Thị Thanh Huyền, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Đại học Văn Lang cho rằng, hiện nay, đồ họa cũng là một trong các công việc mà AI có thể giúp con người rất tốt. Điều này cũng diễn ra trong các cơ quan báo chí khi AI đang hỗ trợ người làm thiết kế một cách hiệu quả. Trong chương trình đào tạo ngành báo chí và ngành truyền thông đa phương tiện hiện nay, các trường đang đẩy mạnh đầu tư cho các học phần thiết kế đồ họa, game… có tính tương tác rất cao. Thiết kế bảo tàng - phòng tranh online cũng không nằm ngoài khả năng của sinh viên…
Bồi dưỡng, đào tạo về AI cần liên kết “3 nhà”
Bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng AI cho lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng gặp không ít khó khăn như hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về AI mới chỉ là bước đầu, cần thời gian để tiếp tục cập nhật kiến thức phù hợp. Trong khi đó, nhà báo đa phần đều chưa được đào tạo bài bản về công nghệ nên dẫn đến việc chưa thể áp dụng tối đa các công cụ hỗ trợ mà AI mang lại. Hơn nữa, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng xong cần có môi trường, điều kiện thực tế, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để thực hành…
Theo nhà báo Nguyễn Phú Huân, biên tập viên VOV, cần sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ sở đào tạo báo chí cần cập nhật chương trình giảng dạy để tích hợp các môn học liên quan đến công nghệ AI và các kỹ năng số. Điều này có thể bao gồm cả việc thiết kế các khóa học về phân tích dữ liệu, viết nội dung tự động, và sử dụng các công cụ AI trong báo chí.
Tại Việt Nam, các cơ sở đào tạo cần kết hợp nhiều giải pháp như liên kết với các công ty/tập đoàn công nghệ, các cơ quan báo chí truyền thông để đưa sinh viên thực tập từ năm 2, năm 3. Thực tiễn cho thấy thời đại chuyển đổi số, cần có hợp tác kiềng 3 chân: (1) cơ sở đào tạo truyền thông; (2) cơ quan báo chí và (3) công ty công nghệ.
Song song với đó cần đổi mới hoạt động nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo thông qua các khóa tập huấn. Ở đó, có các chuyên gia, nhà báo có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ về AI và các kỹ năng kỹ thuật số xây dựng chương trình tập huấn gắn chặt với thực hành để đem lại hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng về AI cho học viên.
Đồng quan điểm, Trưởng Ban truyền thông, Báo Người lao động Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, tùy theo đặc điểm của cơ sở đào tạo, mỗi đơn vị, các nội dung về AI có thể vận dụng, thay đổi từ các góc độ khác nhau. Mặt khác, về đội ngũ giảng viên, chuyên gia hướng dẫn phải kết hợp từ nhiều nơi khác nhau, từ các cơ sở đào tạo, các công ty công nghệ, các tòa soạn, cơ quan báo chí truyền hình để từ đó tận dụng ưu điểm, thế mạnh của các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo…
“Các phần mềm ứng dụng AI tuy nhiều tính năng vượt trội, nhưng rõ ràng, xét đến cùng, đó chỉ là một công cụ mà người làm báo phải học để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ tác nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm, tác phẩm báo chí theo nguyên tắc nghề nghiệp, để tôn vinh, bảo vệ các giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng là thông tin khách quan, chân thật vì lợi ích cộng đồng của đất nước và nhân dân”, nhà báo Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ./.