Chuyển đổi số

Đề án 06: "Điểm sáng" của cuộc cách mạng chuyển đổi số

Trường Thanh 02/10/2024 14:47

Đề án "Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (Đề án 06) là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số nước ta trong 2 năm qua.

Thông tin về kết quả triển khai Đề án 06 tại hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức ngày 1/10, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, Đề án 06 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số (CĐS) nước ta trong 2 năm qua.

Chính phủ đã xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của CĐS quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất.

dsc_9165.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Chính phủ đã xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của CĐS quốc gia.

Năm nguyên tắc để đảm bảo triển khai thành công Đề án 06

Quá trình thực hiện, Chính phủ đã nhận diện và đề ra 5 nguyên tắc để đảm bảo triển khai thành công Đề án 06, đó là:

Thứ nhất: Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian", có cơ chế kiểm tra, giám sát.

Thứ hai: Nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo.

Thứ ba: Quán triệt việc triển khai để tạo giá trị "văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm".

Thứ tư: Việc tổ chức triển khai đảm bảo xuyên suốt 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Thứ năm: Để thực hiện thành công Đề án phải hoàn thiện được 5 vấn đề về: pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người) để triển khai.

Năm 2024 được xác định là năm hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp (DN).

Với tinh thần càng khó càng phải quyết tâm, khó mấy cũng phải làm, vướng mắc thì tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương chia sẻ: "Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp mũi nhọn về: (1) hoàn thiện thể chế, pháp lý, (2) hạ tầng công nghệ, (3) xây dựng, phát triển và kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu, (4) công tác đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, (5) nguồn lực triển khai”.

Một số kết quả nổi bật của Đề án 06

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, từ những giải pháp, định hướng, bước đi đúng đắn, Đề án 06 đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

Đến nay, Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia (DVCQG) đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các cơ quan, đơn vị; tích hợp, cung cấp 4.500/6.287 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 3.688 DVCTT toàn trình; có hơn 16,39 triệu tài khoản; hơn 328 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 14.528 tỷ đồng.

Đồng thời, đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp 43 dịch vụ, trong đó có 36 DVC thực hiện toàn trình, nhiều dịch vụ có kết quả triển khai nổi bật như: dịch vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe đến ngày 20/6/2024 đã tiếp nhận 350.000 hồ sơ, trả kết quả 310.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 88,57%. Đối với 2 DVC liên thông: đến hiện tại đã thu nhận 1.052.261 hồ sơ liên thông khai sinh; 240.772 hồ sơ liên thông khai tử.

Về triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh, đến nay, đã có với 65.786 DN, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng (tăng 28.244 DN, hộ kinh doanh so với tháng 12/2023), số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 489,6 triệu hóa đơn; Triển khai thực hiện chi trả chế độ an sinh qua tài khoản ngân hàng cho 1.960.749 người với số tiền trên 8 tỷ đồng; Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hiện đã thực hiện chi trả qua tài khoản đối với khoảng hơn 70% người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó đã thực hiện xác thực, làm sạch đối với 43,9 triệu dữ liệu hồ sơ ngân hàng, cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ căn cước qua thiết bị đọc mã QR tại quầy ngân hàng; thực hiện xác thực đối với gần 90% tổng số thuê bao di động cả nước, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước hơn 164 tỷ đồng, loại bỏ tình trạng “sim rác”, lừa đảo trên không gian mạng.

Tính đến ngày 10/7/2024, cả nước đã tiếp nhận 214.864 hồ sơ Căn cước (đối với trẻ dưới 6 tuổi là 30.923 hồ sơ, trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi là 35.737 hồ sơ, từ 14 tuổi trở lên là 148.204 hồ sơ); Đã in trả 128.471 Căn cước (đối với trẻ dưới 6 tuổi là 7.204 Căn cước, trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi là 21.016 Căn cước, từ 14 tuổi trở lên là 100.251 Căn cước).

Bộ Công an đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử (tăng 5,55 triệu tài khoản so với tháng 12/2023), tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 72,98%; Hoàn thành cung cấp 10 tiện ích trên VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được người dân hưởng ứng sử dụng với hơn 246,3 triệu lượt truy cập, trung bình có 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID/01 ngày; Triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại TP Hà Nội, Thừa Thiên Huế, bước đầu được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, ước tính tiết kiệm 10 tỷ đồng/năm.

Về triển khai sổ sức khoẻ điện tử, đã có 1,77 triệu tài khoản được tạo lập; giúp tiết kiệm chi phí mua sổ sức khỏe giấy ước tính là 83 tỷ đồng/năm.

Về thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 64 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh, đến nay, theo thống kê, đã có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng...

“Những bước đi và kết quả mà Đề án 06 đạt được trong thời gian qua đã tạo nên một nền móng vững chắc về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an toàn an ninh thông tin, nguồn nhân lực… và là động lực quan trọng để các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả, góp phần đưa Đề án 06 hoàn thành các lộ trình, mục tiêu và sứ mệnh lịch sử của mình”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.

Xây dựng chiến lược dữ liệu để phát triển chính phủ số

Cũng tại hội thảo, chia sẻ các quy định về dữ liệu của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), bà Lê Thị Thùy Trang, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết: Dữ liệu được ví như “dầu mỏ” trong nền kinh tế số và trở thành động lực chính tạo giá trị gia tăng cho xã hội.

dsc_9192.jpg
ThS. Lê Thị Thùy Trang: Bộ TT&TT đã ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn cơ bản về kỹ thuật, công nghệ.

Dữ liệu là những vấn đề then chốt đã được Đảng và Nhà nước xác định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xác định được vai trò của dữ liệu đối với phát triển Chính phủ số, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã đặt vấn đề Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải có chiến lược về dữ liệu để định hình phương hướng và tầm nhìn khi triển khai xây dựng dữ liệu với sự dẫn dắt của Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030…

“Việc Việt Nam kịp thời xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp về quản lý tài nguyên số để thúc đẩy việc kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa cơ quan nhà nước, tiến tới cung cấp dữ liệu mở cho xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình CĐS. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở cũng là hướng đi theo đúng xu thế chung trên toàn thế giới”.

Bộ TT&TT là cơ quan chủ trì, xây dựng các tiêu chuẩn chung về dữ liệu, về công nghệ thông tin, hướng dẫn các bộ, ngành địa phương xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu về cấu trúc dữ liệu trong phạm vi ngành, lĩnh vực và cơ sở dữ liệu mình quản lý.

Để thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về dữ liệu, Bộ TT&TT đã có văn bản hướng dẫn số 1016/BTTTT-CĐSQG gửi các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn xây dựng, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đến nay, Bộ TT&TT đã ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn cơ bản về kỹ thuật, công nghệ.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thùy Trang, tiêu chuẩn về cấu trúc dữ liệu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành do các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm ban hành vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ, chỉ một số loại dữ liệu cơ bản được xây dựng. Hình thức ban hành tiêu chuẩn cấu trúc dữ liệu cũng chưa được đồng bộ.

Giải pháp để thúc đẩy việc này là, các bộ, ngành quản lý lĩnh vực cần sớm xây dựng tiêu chuẩn đối với dữ liệu thuộc phạm vi ngành mình quản lý. Sau đó, phân định rõ dữ liệu nào Trung ương xây dựng, dữ liệu nào địa phương xây dựng theo các tiêu chuẩn thống nhất. Trên cơ sở các tiêu chuẩn dữ liệu chuyên ngành, chủ quản CSDL xây dựng các quy định kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đề án 06: "Điểm sáng" của cuộc cách mạng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO