Diễn đàn

Để khai thác ChatGPT hiệu quả cần có những quy định quản lý cụ thể

Tâm An 27/02/2023 06:09

Sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, dù chưa chính thức được đăng ký dịch vụ, tuy nhiên, nó vẫn hiện hữu và lan toả cũng như tác động tới rất nhiều tầng lớp trong xã hội với đánh giá và phản biện đa chiều tích cực có và tiêu cực cũng có.

ChatGPT được ứng dụng rộng rãi nhưng không nên quá lo ngại

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ứng dụng ChatGPT đã tạo nên cơn sốt khi cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu. Đây được xem là ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay trong giới công nghệ.

Chia sẻ tại tọa đàm chuyên đề “ChatGPT và các góc nhìn đa chiều” do Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức, TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI) cho biết, về bản chất, ChatGPT là một chatbot được sinh ra dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất (Transformer). Trong đó, các thành phần trong câu (các từ) được dự đoán theo xác suất sao cho sai số thấp nhất.

ong-tuan(1).jpg
TS. Đặng Minh Tuấn: ChatGPT chỉ là xác suất thống kê, không thể phân tích về ngữ nghĩa, do đó ứng dụng này không thông minh, như mọi người nghĩ.

Chatbot là phần mềm có khả năng tương tác, hội thoại với người dùng qua text hoặc voice (callbot) thường dùng để trả lời các câu hỏi, hỗ trợ, tư vấn khách hàng. Công nghệ này thường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phân tích và hiểu ý định của người hỏi, tìm câu hỏi tương đồng trong bộ câu hỏi được xây dựng sẵn rồi đưa ra câu trả lời.

Chatbot không phải là công cụ mới. Tại Việt Nam, chatbot đã được sử dụng trong lĩnh vực bán hàng như tư vấn trực tuyến. Trong y tế, chatbot làm tư vấn trong đại dịch COVID-19. Trong lĩnh vực nhân sự, khi có nhân sự mới, chatbot sẽ hỗ trợ trả lời những câu hỏi quen thuộc, giúp tiết kiệm chi phí và nhân sự cho công việc này.

Trong khi đó, ChatGPT là Chatbot được OpenAI phát hành vào 30/11/2022, dựa trên GPT-3. Với khả năng giao tiếp, tương tác với người dùng như là người thật, ứng dụng này được xem là chatbot tốt nhất từ trước đến nay.

TS. Đặng Minh Tuấn cho biết đặc điểm nổi bật của ChatGPT là trả lời câu hỏi, được huấn luyện trên dữ liệu lớn với 175 tỷ tham số và 300 tỷ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng. Tuy nhiên, ChatGPT được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất, không phải hệ cơ sở dữ liệu tri thức, do đó không hiểu nghĩa câu trả lời.

"Bản chất ChatGPT như một con vẹt, nó chỉ học và lặp lại những gì được huấn luyện trước mà không hiểu ngữ nghĩa chúng ta nói như nhiều người vẫn tưởng. Thực chất ChatGPT chỉ là xác suất thống kê, không thể phân tích về ngữ nghĩa, cú pháp, về các thành phần giống như là chúng ta vẫn thường phân tích về ngôn ngữ, do đó ứng dụng này không thông minh, như mọi người nghĩ", ông Tuấn nhìn nhận.

ChatGPT ra đời có những chức năng chính như: Tra cứu thông tin qua câu hỏi (trả lời thẳng vào câu hỏi, ngắn gọn); tạo nội dung theo yêu cầu theo nhiều lĩnh vực, định dạng, cách thức (ý tưởng, kịch bản phim, truyện, khóa luận, viết bình luận, làm thơ, viết mã công nghệ thông dạng code, trả lời email…); dịch thuật và tóm tắt văn bản… Do đó, ChatGPT có khả năng áp dụng trong hầu hết các ngành nghề.

“Ngành nghề nào chúng ta cũng cần thông tin, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số chúng ta đều phải tìm kiếm, cập nhật thông tin hoặc tạo ra những ý tưởng mới. Những điểm đó, ChatGPT đều làm được, nên ứng dụng này có thể hỗ trợ con người bất kỳ lĩnh vực nào”, ông Tuấn chia sẻ.

Ưu điểm là vậy nhưng ChatGPT có những hạn chế nhất định như: Câu trả lời có thể không chính xác hoặc vô nghĩa, thiên kiến, gây tranh cãi; câu trả lời có thể chưa được cập nhật, thậm chí, nhiều câu trả lời của ChatGPT chưa cập nhật thông tin sau năm 2021. Phần lớn câu trả lời của ChatGPT đều thiếu dẫn nguồn, minh chứng, dẫn đến việc người dùng cần thời gian để kiểm chứng.

Bên cạnh đó, điểm yếu của ChatGPT còn nằm ở việc thiếu khả năng sáng tạo (những sáng tạo của ứng dụng này hiện tại chỉ trong khuôn khổ tổng hợp những gì đã được huấn luyện), khả năng suy diễn hạn chế (chỉ dựa vào xác xuất, độ tương đồng và trọng số) do không phải là hệ cơ sở dữ liệu tri thức.

Với những đặc điểm của mình, ChatGPT cũng có thể được sử dụng để làm phương tiện gian lận hay tạo ra đoạn văn để lừa đảo. "Thông thường, kẻ lừa đảo phải nghĩ nội dung hấp dẫn để gửi những đường link độc hại qua email mọi người, nhưng phần lớn không thể linh hoạt, tùy biến được. Còn giờ đây, ChatGPT có thể giúp họ tạo ra hàng loạt nội dung email khác nhau", ông Tuấn cho biết.

Với khả năng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhiều ý kiến hiện nay đang lo ngại hoặc thổi phồng quá mức sức mạnh của ChatGPT khi cho rằng công nghệ này có thể thay thế con người, làm biến mất nhiều ngành nghề.

Tuy nhiên, dựa vào những đặc điểm và hạn chế của ứng dụng, ông Tuấn nhận định ChatGPT chỉ là công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu và mô hình tìm kiếm tương đồng ngữ cảnh theo xác suất thống kê và trọng số (không phải hệ tri thức). Do đó, con người có thể sử dụng ChatGPT này như một công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất lao động (tìm kiếm nhanh, gợi ý, ý tưởng...) nhưng cần kiểm chứng thông tin câu trả lời, có trách nhiệm khi sử dụng và quyết định ứng dụng.

111.jpg
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm “ChatGPT và các góc nhìn đa chiều”.

Để khai thác ChatGPT hiệu quả - cần có những quy định quản lý cụ thể

Chia sẻ góc nhìn về ChatGPT, TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, trong ngành giáo dục, Chatbot đã được sử dụng rất nhiều. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, các học sinh đã sử dụng nhiều công nghệ để thuận lợi cho việc học của mình. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ChatGPT, bà bị bất ngờ vì nó quá mạnh so với với các công cụ từng được biết đến trước đó.

“Những bài toán tôi lấy ở trong sách giáo khoa, ChatGPT đều giải được. Với tôi ChatGPT mạnh hơn rất nhiều so với các công cụ chatbot trước đây”, TS. Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

cam-tho.jpg
TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng ChatGPT mạnh hơn rất nhiều so với các công cụ chatbot trước đây.

Ở một góc độ khác, điều làm TS. Chu Cẩm Thơ lo ngại khi nhắc tới ChatGPT là sự đối phó của học sinh trong học tập, cụ thể là có thể phát sinh những hành vi gian lận và lười suy nghĩ. Đây chính là những thách thức cho người làm quản lý giáo dục sắp tới.

Trong khi đó, với tư cách cũng là một người từng tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, theo PGS. TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, ChatGPT khác hoàn toàn với các chatbot mà thế giới từng biết.

PGS. TS Lê Phước Minh đánh giá: “ChatGPT rất lý thú và tôi đang trông đợi vào sự hoàn thiện của công cụ này. Người làm nghiên cứu và giảng dạy rất khổ cực trong chuyện soạn thảo, chuẩn bị bài giảng, điều này sẽ có thể thay đổi nhờ sự xuất hiện của nó”.

le-phuoc-minh1.jpg
PGS. TS Lê Phước Minh chia sẻ tại tọa đàm “ChatGPT và các góc nhìn đa chiều”.

Hiện nay chúng ta mới đang tiếp cận vui chơi với ChatGPT. Nếu công cụ này vào Việt Nam thì người ta sẽ không còn đùa vui nữa mà sẽ sử dụng nó vào công việc hàng ngày. Sinh viên có thể dùng nó trong việc làm khóa luận, thậm chí các nhà khoa học viết bài báo, tạp chí cũng có thể dùng nếu không có cơ chế cấm,… lúc đó sẽ có vàng thau lẫn lộn.

Trước những lo ngại đó, PGS. TS Lê Phước Minh cho rằng, ChatGPT giống như một “khẩu súng”, vừa có mặt tiêu cực, nhưng cũng có tác dụng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. “Chúng ta có thể có luật lệ hay quy định để quản lý, nhưng nếu chỉ thấy mặt xấu của ChatGPT để rồi cấm đoán thì đó là sự thất bại của giới quản lý và các nhà khoa học”, PGS. TS Lê Phước Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý Nhà nước, theo TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học & Công nghệ), ChatGPT hay các chương trình AI tương tự đều chỉ là công cụ, việc chúng ta ứng xử với những công cụ này như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều khía cạnh.

TS. Chử Đức Hoàng cho biết: “Đầu tiên, cần thúc đẩy và ủng hộ việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Với những thứ quá mới, chúng ta cần phải nghiên cứu phương án tạo ra cơ chế thử nghiệm (sandbox) để có cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ. Và cuối cùng là cần bám theo chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp 4.0”.

Với cả những ưu và nhược điểm đó của ChatGPT, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng chúng ta chỉ nên dừng lại ở việc coi ChatGPT là một công cụ, một trợ lý giúp giải phóng sức lao động con người với những dữ liệu phổ thông, để chúng ta tập trung sáng tạo vào các công việc khác./.

Bài liên quan
  • ChatGPT và thời cơ để làm báo chí sáng tạo, hiện đại hơn
    “Một khi ChatGPT có thể làm thay Phóng viên, Biên tập viên ở một số khâu thì đó lại là điều kiện thuận lợi để chúng ta cơ cấu lại tòa soạn, sắp xếp lại bộ máy để cho ra đời những sản phẩm báo chí sáng tạo và hiện đại hơn”. Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ như vậy với Tạp chí Thông tin và Truyền thông về hiện tượng “cơn sốt” ChatGPT trên truyền thông, trong đó có lĩnh vực báo chí.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để khai thác ChatGPT hiệu quả cần có những quy định quản lý cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO