Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên

Bài và ảnh: Hoàng Linh| 30/03/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã cho thấy lợi thế rất lớn cho việc tiêu thụ nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và hậu đại dịch. Qua 6 tháng triển khai Kế hoạch 1034 của Bộ TT&TT về đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực.

Những dấu hiệu tích cực ban đầu trong tiêu thụ nông sản ở Thái Nguyên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, một số địa bàn cơ sở bị phong tỏa, cách ly nhưng hoạt động SXNN vẫn diễn ra bình thường, các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên đảm bảo tiêu thụ tốt, không bị ứ đọng.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở TT&TT, Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên,… đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT Postmart.vn, voso.vn. Qua 6 tháng triển khai, tỉnh đã có hơn 60.000 hộ SXNN được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; gần 55.000 hộ SXNN được mở gian hàng trên sàn TMĐT và được cung cấp tài khoản thanh toán số; gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đưa lên sàn TMĐT; 02 sàn Postmart và Vỏ sò đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 50 tấn nông sản địa phương.

Cùng với tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thống, Sở NN&PTNT cũng hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo, các trang TMĐT, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh, trang TTĐT của Sở và các đơn vị trực thuộc.

Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên - Ảnh 1.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) Thái Nguyên đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số và các trang mạng xã hội (MXH). Năm 2021, đã hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản sản phẩm trên MXH trực tiếp cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người bằng hình thức trực tuyến; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác, catalogue sản phẩm; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho 132 DN, HTX. 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, thiêu thụ trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee,...

Nhờ có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) đã tiếp cận và tích cực sử dụng các công cụ, ứng dụng số trong SXKD sản phẩm nông nghiệp. Một số cơ sở đã đầu tư kinh phí, thời gian để xây dựng nội dung quảng bá, liên kết tiêu thụ, thanh toán qua các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng số, doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Đặc biệt, nhờ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT đã giúp doanh thu năm 2021 của HTX Miến Việt Cường đạt 20 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020 là 10 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của người lao động trong HTX được duy trì ổn định ở mức 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. HTX Chè Hảo Đạt đã bán hàng qua một số sàn TMĐT như Postmart.vn, hoặc qua các kênh Zalo, Facebook. Sản lượng chè trung bình mỗi năm khoảng 180 - 200 tấn. Mức doanh thu năm 2021 đã cao hơn khoảng 30%.

Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên - Ảnh 1.

Còn theo Theo Sở Công thương, năm 2021, tỉnh đã có 560 sản phẩm được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT, trong đó có 81 sản phẩm OCOP, 25 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, còn lại là các sản phẩm trà, gạo, miến...

Thông tin một số kết quả đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT Postmart, Vỏ Sò, hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo Kế hoạch của tỉnh số 177 ngày 7/10/2021 triển khai trực tiếp Kế hoạch 1034 của Bộ TT&TT về đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết có những kết quả là sự chuyển hóa, không nhìn thấy được. Có những kết quả định lượng được luôn. Một số kết quả chuyển hóa như về kỹ năng số, người dân được đào tạo, hình thành thói quen mới, kinh doanh trên sàn, trên không gian số.

Vẫn còn một số khó khăn

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên Dương Sơn Hà, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện đã đem lại một số kết quả, nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ ở bước đầu, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên - Ảnh 3.

Ông Dương Sơn Hà: việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện đã đem lại một số kết quả, nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ ở bước đầu

SXNN tỉnh Thái Nguyên tuy đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với các sản phẩm chè, lúa gạo, rau, cây ăn quả, sản phẩm chăn nuôi… nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và phát triển TMĐT cho các sản phẩm này còn hạn chế; hầu hết DN, HTX, cơ sở SXKD nông sản còn thiếu cán bộ hiểu biết về CNTT, quy trình bán hàng, marketing…

Cụ thể, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sản xuất chế biến nông sản chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô nông hộ. Một số cây trồng và sản phẩm chủ lực của tỉnh như rau, cây ăn quả tuy diện tích khá lớn song quy mô vùng sản xuất tập trung, sản xuất sản phẩm an toàn được cấp chứng nhận VietGap, hữu cơ còn thấp; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu.

Việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu thông qua các hình thức truyền thống như bán tại chợ, thu gom qua thương lái theo thời vụ, chưa có sự liên kết chặt chẽ bằng hợp đồng giữa nông hộ sản xuất với đơn vị thu mua, chế biến dẫn đến việc tư thương ép giá nông sản, nguy cơ "được mùa mất giá" vẫn hiện hữu.

Công tác triển khai hỗ trợ tại một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số nên việc triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ. Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và thị trường nông sản còn hạn chế đặc biệt là các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến phân phối, tiêu dùng còn thiếu, nhất là đối với các hộ sản xuất. Một số DN, đơn vị chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật CNTT ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo, khả năng tiếp cận kiến thức về CNTT còn hạn chế.

Tiếp tục thúc đẩy tháo gỡ khó khăn

Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT, Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Quang Hiếu cho biết là có một số điểm cần cải thiện, đặc biệt là sự tham gia quyết liệt hơn của các cơ quan, các địa phương. Đây là một trong những việc mà năm 2022 sẽ được cải thiện để đạt kết quả tốt hơn. UBND tỉnh cũng đã có văn bản về việc này.

"Chúng tôi kỳ vọng với sự tham gia của 2 sàn TMĐT Postmart, Vỏ Sò, đằng sau đó là 2 tổng công ty nhà nước thì chúng ta sẽ hoạt động theo tinh thần thực hiện nhiệm vụ chính trị, có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước, có sự triển khai của các tổng công ty, và người dân sẽ được hưởng lợi. Chúng tôi tin rằng người dân sẽ có kết quả tích cực trong năm 2022".

Ông Hiếu cho biết Sở TT&TT đã nhận thức được từ rất sớm những khó khăn. Sở đã lựa chọn được một số DN, đặc biệt là các DN chè, tập trung hỗ trợ cho họ vì chè có lợi thế là sản phẩm khô đóng gói, lên TMĐT dễ.

Cụ thể hơn, trong chương trình 177 cũng như 1034, Sở TT&TT sẽ kiến nghị 2 tổng công ty chỉ đạo các chi nhánh bên dưới ở các địa phương sẽ tích cực hơn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho địa phương bằng cả kênh online và offline. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo cho bà con nông dân qua nhiều kênh khác nhau.

Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên - Ảnh 4.

Tổ công tác 1034 của Bộ TT&TT đi thực tế tìm hiểu về đưa nông sản lên sàn TMĐT

Theo Sở Công Thương tỉnh, trong thời gian qua, Sở đã quan tâm, chú trọng đến các sàn TMĐT lớn bằng việc giúp DN tham gia khóa huấn luyện, hưởng ứng Chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021"; tổ chức "Ngày hội mua sắm trực tuyến Thái Nguyên - Online Friday 2021" nhằm phát huy lợi thế ứng dụng công nghệ số và TMĐT, áp dụng các giải pháp giám sát và thúc đẩy hàng chính hãng, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đẩy mạnh tiêu dùng trực tuyến, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng hỗ trợ DN tham gia 04 hội thảo, hội nghị trực tuyến do Bộ Công Thương, các tỉnh thành phố trong cả nước tổ chức.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng CNTT, CĐS hỗ trợ DN cập nhật tin tức thị trường cũng như quảng bá sản phẩm nông sản được tích cực triển khai thực hiện thông qua các tin bài, bản tin trên trang website Sở Công Thương, Bản tin Kinh tế Công Thương, các phóng sự tuyên truyền quảng bá phát triển thương hiệu, sản phẩm địa phương trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh; website chè và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Bên cạnh đó chú trọng việc đưa hình ảnh, thông tin, hỗ trợ sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch TMĐT, giúp DN tiếp cận với lượng khách hàng lớn tại nhiều địa điểm khác nhau trong và ngoài tỉnh.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Sơn Hà, để việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT có thể tiến xa hơn và phát triển bền vững, các nội dung tập huấn nghiệp vụ cơ bản cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất nông sản khi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT và tọa đàm, thảo luận xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cần tiếp tụ được tổ chức.

Quyết tâm làm và làm nhanh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết nông nghiệp là một lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 -2025; CĐS là lĩnh vực mới và nhiều việc chưa có tiền lệ. Vì vậy, tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh là (1) quyết tâm làm, làm nhanh và (2) vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện, để triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch 177/KH-UBND hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được hiệu quả và bền vững, Phó Chủ tịch Dương Văn Lượng đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai một số nội dung như các cơ quan, đơn vị của tỉnh tiếp tục bám sát các nội dung đã nêu trong Kế hoạch số 177/KH-UBND, và chỉ đạo tại Công văn số 532/UBND-KGVX ngày 14/02/2022 về việc tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ SXNN, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên - Ảnh 5.

UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tích cực cung cấp thông tin đầy đủ các hộ SXNN; phối hợp với các sàn TMĐT hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND cấp xã hỗ trợ các sàn TMĐT triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Báo Thái Nguyên, Đài PTTH Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ SXNN tích cực tham gia và thúc đẩy nhân dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thông qua hình thức mua, bán trực tuyến trên các sàn TMĐT, theo chủ đề "Nhân dân Thái Nguyên tham gia tiêu thụ nông sản của tỉnh Thái Nguyên trên các sàn TMĐT".

Bưu điện tỉnh, chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên bố trí nguồn lực, tập trung triển khai các hoạt động đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao, trong đó, đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn trong tháng 4/2022; tăng cường đánh giá, gán nhãn sản phẩm, hộ SXNN trên sàn TMĐT để đảm bảo uy tín, thương hiệu các sản phẩm, hộ SXNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; triển khai hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản Thái Nguyên, nhất là các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chè Thái Nguyên.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Dương Văn Lượng cũng đề nghị Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (chủ sở hữu sàn Postmart), Tổng công ty Bưu chính Viettel (chủ sở hữu sàn Vỏ sò) đầu tư vào logistics nhằm xây dựng hạ tầng cho phát triển thương mại, TMĐT và kinh tế số trên địa bàn; có chính sách giao hàng phù hợp, kịp thời cho các đơn hàng trên địa bàn tỉnh như giao hàng nhanh để kích thích hoạt động giao dịch tiêu thụ sản phẩm nông sản của tính trên các sàn TMĐT; có chính sách cung cấp, chia sẻ thông tin tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên cả nước phục vụ kết nối cung - cầu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT tiến xa: Kinh nghiệm từ Thái Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO