"Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động BHĐC tại Việt Nam"

Lê Hoài Điệp| 30/07/2022 10:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam" được thực hiện nhằm mục đích đánh giá thực trạng hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian qua.

Bán hàng đa cấp (BHĐC), với lịch sử phát triển gần một thế kỷ đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Kể từ khi được hình thành tới nay, BHĐC đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới. 

Trong thập niên 1980, phương thức này phát triển mạnh tại các nước như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Australia… Bước sang thập niên 1990, BHĐC phát triển mạnh ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan...

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, BHĐC đang vận hành đúng bản chất vốn có. Kinh nghiệm quản lý của các quốc gia này sẽ là bài học quý giá cho cơ quan quản lý nhà nước về BHĐC tại Việt Nam. Các phân tích hệ thống pháp luật điều chỉnh quản lý hoạt động BHĐC tại một số quốc gia có nền công nghiệp BHĐC phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,  Nhật Bản, Singapore sẽ là một tài liệu hữu ích giúp các nhà làm luật Việt Nam tìm thấy những điểm tương đồng về mặt chính sách, thực tiễn để rút ra những bài học quý báu cho Việt Nam.

Những kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu này sẽ giúp hoàn thiện hơn các quan điểm về quản lý hoạt động BHĐC tại Việt Nam, từ đó có những sửa đổi đáng kể về các quy định pháp luật là nền tảng cho công tác quản lý BHĐC - qua đó phân định rạch ròi BHĐC và các hình thức kinh doanh lừa đảo núp bóng BHĐC, siết chặt quản lý, góp phần tạo lòng tin cho người tham gia cũng như người tiêu dùng, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BHĐC chân chính và góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn và rộng hơn của phương thức kinh doanh này.

Đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam" được thực hiện nhằm mục đích đánh giá thực trạng hoạt động BHĐC tại Việt Nam trong thời gian qua đồng thời kết hợp với một số bài học từ kinh nghiệm quản lý tại một số quốc gia từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về BHĐC tại Việt Nam trong thời gian tới.

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu tại bàn; Tổng hợp, thống kê, xử lý số liệu; Khảo sát; tổ chức hội thảo; Phân tích định tính, Đề tài nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu các nội dung gồm:

(i) Tổng quan về ngành bán hàng đa cấp và Nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp về các văn bản pháp luật về BHĐC tại Việt Nam hiện nay.

(ii) Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý BHĐC tại một số quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc...

(iii) Nghiên cứu về thực trạng hoạt động BHĐC tại Việt Nam

- Nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá quy định về BHĐC đối với dịch vụ.

- Nghiên cứu về bảo trợ quốc tế trong BHĐC tại Việt Nam.

- Nghiên cứu về các mô hình trả thưởng trong BHĐC.

- Nghiên cứu về  bán hàng online có sử dụng mô hình trả thưởng theo phương thức đa cấp.

- Nghiên cứu về việc bán phá giá hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

(iv) Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, bài học áp dụng cho Việt Nam thông qua kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm trong nước nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về BHĐC tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động BHĐC tại Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định dựa trên cơ sở những thuận lợi sau đây:

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động BHĐC khá đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng giúp làm minh bạch hoạt động BHĐC của doanh nghiệp, ngăn chặn các hoạt động đa cấp biến tướng và thúc đẩy hoạt động BHĐC chân chính.

Thứ hai, công tác quản lý nhà nước về BHĐC được chú trọng, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương luôn đảm bảo hiệu quả.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện ngày càng đa dạng và phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về BHĐC.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm pháp luật về BHĐC được thực hiện thường xuyên, đều đặn hàng năm. 

Thứ năm, công tác tiếp nhận và giải quyết đơn, thư phản ánh liên quan đến BHĐC được chú trọng, áp dụng các phương thức tiếp nhận đa dạng, phong phú; Xây dựng và áp dụng quy trình tiếp nhận, giải quyết một cách bài bản, khoa học, thống nhất, đồng bộ.

Thứ sáu, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp BHĐC vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham gia BHĐC góp phần giám sát và quản lý tốt hơn hoạt động của người tham gia BHĐC, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nói riêng và cho ngành BHĐC nói chung.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý hoạt động BHĐC còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thường xuyên được thực hiện, tuy nhiên dư luận nói chung vẫn còn ác cảm với hoạt động BHĐC.

Thứ hai, Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được ban hành từ năm 2018, đến nay, một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như hoạt động bảo trợ quốc tế, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trực tuyến...

Thứ ba, thực tiễn cho thấy một số vấn đề cần được quy định rõ ràng hơn và phù hợp với thực tiễn hơn như hoạt động BHĐC đối với dịch vụ, hoạt động kinh doanh có sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm thực hiện hoạt động khuyến mãi trong thời gian ngắn hạn, vấn đề bán phá giá hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp...

Thứ tư, quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp BHĐC và trách nhiệm của người tham gia BHĐC cần được quy định chặt chẽ hơn.

Thứ năm, hoạt động BHĐC tại địa phương phát sinh một số vấn đề như người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp BHĐC chưa đáp ứng với thực tiễn quản lý.

Thứ sáu, việc chưa có quy định về việc doanh nghiệp đăng ký nhiều hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC trong một văn bản thông báo gây khó khăn cho Sở Công thương trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, Đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý tốt hơn hoạt động BHĐC như sau:

(1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo hướng: 

- Siết chặt nhóm quy định về tiền kiểm nhằm loại bỏ các doanh nghiệp có nguy cơ thực hiện các hoạt động BHĐC bất chính hoặc sử dụng mô hình kim tự tháp, mô hình Ponzi, huy động tài chính trong BHĐC.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến BHĐC đối với dịch vụ, BHĐC tại địa phương đặc biệt là quy định về người đại diện tại địa phương, hoạt động bảo trợ quốc tế trong BHĐC, hoạt động bán phá giá hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, trách nhiệm của doanh nghiệp BHĐC và trách nhiệm của người tham gia BHĐC, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC...

- Rà soát, điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động BHĐC theo hướng tăng mực xử phạt đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

(2) Hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, cụ thể: 

- Nâng cao năng lực thực thi của cơ quan quản lý nhà nước về BHĐC tại trung ương và địa phương.

- Nâng cao nhận thức của dư luận và người dân về hoạt động BHĐC./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động BHĐC tại Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO