Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh

Trường Thanh| 17/09/2021 16:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Đến năm 2025, Tổng cục Hải quan phấn đấu sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số, hướng tới môi trường phi giấy tờ, đảm bảo 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng.

Công tác cải cách hành chính phát triển vượt bậc

Theo Tổng cục Hải quan, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thường xuyên được đơn vị triển khai và mang lại những kết quả tích cực.

Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh - Ảnh 1.

Nhiều năm qua, cơ quan Hải quan được các ban ngành từ Trung ương tới địa phương, cộng đồng DN đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hành chính. (Ảnh: tapchitaichinh)

Đến nay, 19/29 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa; hồ sơ, thẩm quyền, thời hạn giải quyết TTHC hải quan đều được quy định đơn giản, rõ ràng, minh bạch.

Công tác cải cách hành chính của ngành Hải quan đã có sự phát triển vượt bậc, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Những nỗ lực mạnh mẽ này, trên thực tế, đã được lượng hóa bằng những con số cụ thể, ý nghĩa.

Bước chuyển lớn phải kể từ năm 2011 đến nay, Hải quan Việt Nam đã nỗ lực cải cách thủ tục và chuẩn hóa công tác quản lý hải quan, đáp ứng yêu cầu hải quan hiện đại, phù hợp với chuẩn mực hải quan quốc tế. Các chế độ quản lý hải quan đã được chuẩn hóa phù hợp với các quy định tại Công ước Kyoto sửa đổi.

Hệ thống thông quan hàng hóa tự động đã góp phần thiết thực cho các DN xuất nhập khẩu (XNK) và công tác quản lý nhà nước về hải quan. Trong đó, kể từ đầu năm 2014 tới nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS ở mức độ rất cao tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc với hơn 99% DN tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây. Thanh toán điện tử được thực hiện với số thu đạt trên 97,8% tổng số thu ngân sách.

Năm 2017, Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Bằng việc tích cực ứng dụng thực hiện có hiệu quả, Tổng cục Hải quan luôn quản lý, giám sát và vận hành các hệ thống CNTT tập trung hoạt động ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa XNK.

Về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thực hiện Cổng thông tin một cửa quốc gia, đáp ứng yêu cầu kết nối với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia để xử lý các TTHC, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng thông tin của các nước thành viên ASEAN. Năm 2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 TTHC của 13 Bộ, ngành được chính thức triển khai, với hơn 3,55 triệu hồ sơ của gần 44 nghìn DN.

Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Tổng cục Hải quan tăng dần qua các năm, đến nay đạt 85% trong số đó có 82,2% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tích hợp thành công 72 TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối; thực hiện kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN.

Với vai trò tích cực, chủ động trong điều phối, Tổng cục Hải quan đã và đang xây dựng mô hình cơ quan Hải quan làm đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở "Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021.

Hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh

Cũng theo Tổng cục Hải quan, nhờ những nỗ lực mạnh mẽ, nhiều năm qua, cơ quan Hải quan được các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương, cộng đồng DN đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ TTHC, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thời gian tới, cơ quan Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan… Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và DN.

Với mục tiêu cải cách TTHC hải quan theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm; lấy sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi…, chính là "đòn bẩy" tạo thuận lợi cho DN đạt sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư khi thế giới tái định vị chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2030, xây dựng Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Hải quan đặt ra một số mục tiêu cụ thể. Trong đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, ổn định, cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đến năm 2025, Tổng cục Hải quan phấn đấu sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số, hướng tới môi trường phi giấy tờ, đảm bảo 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan.

Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh - Ảnh 2.

Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN thực hiện các TTHC.

Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu; 100% cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia;

100% TTHC có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; quản lý nợ thuế được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử với phương pháp quản lý hiện đại; hoàn thành nội luật hóa toàn bộ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan.

Đến năm 2030, hoàn thành hải quan điện tư thông minh và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên; 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động;

Cùng với đó, 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới. 100% các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, kết nối chia sẻ dữ liệu quản trị sản xuất với cơ quan Hải quan.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO